LẠI LÀ CHIÊU XUYÊN TẠC, BÔI LEM TỰ DO BÁO CHÍ VIỆT NAM!

Trong những năm qua, vấn đề tự do ngôn luận, tự do báo chí luôn là “mảnh đất màu mỡ” được các thế lực thù địch, phần tử cơ hội lợi dụng xuyên tạc hòng chống phá Đảng, Nhà nước ta. Thủ đoạn mà chúng thường xuyên sử dụng chính là vu khống Đảng, Nhà nước vi phạm nhân quyền, kích động đòi tự do báo chí theo kiểu phương Tây, xuyên tạc ở Việt Nam “báo chí truyền thông làm nô lệ cho các cơ quan chức năng”… Cùng với đó, dựa vào việc cơ quan chức năng bắt giữ, xử lý một số đối tượng lợi dụng tự do báo chí, tự do ngôn luận thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, chúng ra sức vu cáo Nhà nước ta “đàn áp”, “bóp nghẹt tự do báo chí”… Từ đó, núp dưới chiêu bài “bảo vệ nhà báo”, “đấu tranh cho tự do báo chí” để can thiệp vào công việc nội bộ của ta. Sự thật thì sao?

Sự thật là, từ trong cuộc đấu tranh giành độc lập đến khi giành được chính quyền, từ bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 đến các bản Hiến pháp các năm 1959, 1980, 1992 và 2013 và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan, tự do báo chí và tự do ngôn luận luôn luôn là một mục tiêu nhất quán, một yêu cầu trước sau như một trong suốt tiến trình cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Điều 10 Luật Báo chí năm 2016 ghi rất rõ về quyền tự do báo chí của công dân, là: “1. Sáng tạo tác phẩm báo chí; 2. Cung cấp thông tin cho báo chí; 3. Phản hồi thông tin trên báo chí; 4. Tiếp cận thông tin báo chí; 5. Liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí; 6. In, phát hành báo in”. Điều 13 Luật Báo chí năm 2016 cũng quy định cụ thể về trách nhiệm của Nhà nước đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, là: “1. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình; 2. Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân; 3. Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng”.

Sự thật nữa là, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí phát triển lớn mạnh cả về quy mô, tổ chức, lực lượng, phương tiện, công nghệ và sức ảnh hưởng, lan tỏa trong xã hội. Theo thống kê, đến năm 2023, cả nước có 06 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí, 72 cơ quan Đài phát thanh, truyền hình; nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí có khoảng 41.000 người, trong đó khối phát thanh, truyền hình gần 16.500 người; tổng số người được cấp thẻ nhà báo kỳ hạn 2021 – 2025 tính đến tháng 12/2023 là trên 20.500 trường hợp. Trong bất kỳ giai đoạn cách mạng nào, Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng, đánh giá cao vai trò của báo chí. Với vai trò là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị – xã hội, là diễn đàn của nhân dân, báo chí báo chí trở thành phương tiện, vũ khí sắc bén để tuyên truyền, cổ vũ, động viên, tập hợp, tổ chức và vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, luôn bám sát, phản ánh sinh động thực tiễn cuộc sống, kịp thời nắm bắt và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Báo chí đã thực sự là cầu nối giữa Đảng và dân. Báo chí còn là công cụ, vũ khí sắc bén đấu tranh bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, góp phần làm sáng tỏ và bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đồng thời là lực lượng quan trọng tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Trong xã hội thông tin hiện nay, vai trò, chức năng của báo chí ngày càng được khẳng định, không thể bị xuyên tạc, bôi lem.

Một sự thật nữa là, tự do báo chí là “quyền” song phải gắn liền với “trách nhiệm” vì hòa bình, an ninh quốc gia, vì lợi ích dân tộc. Thực tế trong bất cứ chế độ nào, không thể có tự do báo chí tuyệt đối một cách “vô thiên vô pháp”, các quốc gia trên thế giới đều có luật và các điều khoản xử lý nghiêm khắc những hành vi lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí. Cũng như mọi quốc gia trên thế giới, luật pháp Việt Nam cũng có những quy định hạn chế quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí trong một số trường hợp nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn công cộng, sức khỏe cộng đồng và đạo đức xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của tổ chức, cá nhân khác. Điều này hoàn toàn phù hợp với luật pháp và công ước quốc tế.

Từ những dẫn chứng nêu trên có thể thấy, cả trên phương diện pháp lý và hoạt động thực tiễn, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam luôn được tôn trọng và bảo đảm, gắn với quy định pháp luật và hướng tới mục đích phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội. Chỉ những kẻ có dã tâm đen tối, xấu xa mới cố tình xuyên tạc, bôi lem vai trò, chức năng và tự do báo chí ở Việt Nam mà thôi!

(Hoà Xuân)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *