LẠI THÊM MỘT GIỌNG XUYÊN TẠC, BÔI ĐEN THỰC TRẠNG TỰ DO NGÔN LUẬN, TỰ DO BÁO CHÍ Ở VIỆT NAM!

Mới đây, Đài Á Châu Tự Do (RFA) đăng tải bài viết có tiêu đề “HRF: Việt Nam nằm trong số quốc gia đàn áp báo chí nhất ở Châu Á” dẫn báo cáo của Quỹ Nhân quyền (Human Rights Foundation- HRF) vu cáo Việt Nam “đàn áp báo chí”, “kiểm duyệt hà khắc internet”, nhiều “nhà hoạt động” và “nhà báo tự do” bị bỏ tù về tội danh “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm chống Nhà nước” theo Điều 117 hoặc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự. Có thể nói, đây là chiêu trò cũ rích mà các tổ chức thiếu thiện chí, nếu không muốn nói là thù địch với Việt Nam suốt ngày rêu rao hòng xuyên tạc, bôi đen thực trạng tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam. Thực tế thì sao?

Thực tế là, ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta tôn trọng, bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi để người dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do khai thác sử dụng internet. Điều này đã được Hiến định cũng như quy định cụ thể trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Luật Báo chí năm 2016 cũng đã dành hẳn Chương II để nói về quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Trong đó, Điều 13 quy định cụ thể về trách nhiệm của Nhà nước đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân: “1. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình. 2. Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân. 3. Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng”. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân theo Hiến pháp năm 2013; gắn quyền công dân với nghĩa vụ và trách nhiệm công dân đối với xã hội”.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, tính đến hết năm 2022, nước ta có 869 cơ quan báo chí được cấp phép. Tất cả đều thuộc các tổ chức của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức xã hội – nghề nghiệp, các hội nghề nghiệp… với khoảng 41.000 người hoạt động trong lĩnh vực báo chí, trong đó có 19.356 trường hợp được cấp thẻ nhà báo. Đến đầu năm 2023, Việt Nam có 77,93 triệu người dùng Internet, chiếm 79,1% tổng dân số. Số lượng người đang dùng mạng xã hội là khoảng 70 triệu người… Theo Báo cáo xếp hạng an toàn, an ninh mạng toàn cầu (GCI) 2020 của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), Việt Nam xếp thứ 25 trong 194 quốc gia, vùng lãnh thổ được xếp hạng, đứng thứ 7 trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương… Sự phát triển nhanh của các phương tiện thông tin đại chúng, internet, mạng xã hội cho thấy, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin ở Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ.

Một thực tế khác là, theo luật pháp và nguyên tắc quốc tế, nhân quyền nói chung và quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí nói riêng không phải là vô hạn, mà trong các trường hợp cụ thể phải được chế định bởi luật pháp của từng quốc gia. Cụ thể, Điều 29 Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền (1948) khẳng định: “Mỗi người đều có những nghĩa vụ đối với cộng đồng, trong khi hưởng thụ các quyền về tự do cá nhân, phải chịu những hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận và tôn trọng đối với các quyền tự do của người khác và phù hợp với những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”. Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (1966) cũng quy định rất cụ thể rằng: 1. Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp. 2. Mọi người có quyền tự do ngôn luận… 3. Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 của điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, có thể dẫn tới một số hạn chế nhất định. Tuy nhiên, những hạn chế này phải được pháp luật quy định và cần thiết để: a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác, b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng”.

Việt Nam cũng như ở bất kỳ nhà nước pháp quyền nào trên thế giới, tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, vô luận ai có hành vi vi phạm pháp luật đều phải bị xem xét, xử lý theo đúng quy định pháp luật. Đi đôi với đảm bảo quyền tự do cho mọi người, thời gian qua, Việt Nam cũng kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân lợi dụng các quyền tự do để thực hiện các hành vi chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, gây chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Những trường hợp mà các thế lực thù địch gọi là “nhà báo tự do”, “nhà báo độc lập”, “các bloggers có tiếng nói đối lập”… thực chất không phải là nhà báo mà là những kẻ lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do Internet để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam.

Việc HRF hay các tổ chức thiếu thiện chí suốt ngày tung ra các luận điệu vu khống trắng trợn tình hình tự do dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam chẳng khác nào thêm một lần tự bôi xấu mình, làm trò “chó sủa trăng” gây cười cho thiên hạ!

M.A.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.