Làm gì để không gây hoang mang, hiểu lầm về virus corona trên MXH?

Bộ TTTT vừa yêu cầu các Sở TTTT theo dõi thông tin liên tục trên mạng xã hội để phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền chủ động đấu tranh ngăn chặn những thông tin sai sự thật về tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra.

Làm gì để không gây hoang mang, hiểu lầm về virus corona trên MXH?

Liên quan đến công tác tuyên truyền phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra, trong Chỉ thị 06 mới ban hành, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục yêu cầu Bộ TTTT chỉ đạo tăng cường thông tin, tuyên truyền về dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đề nghị các cơ quan truyền thông đăng tải các bản tin về tình hình dịch bệnh chính xác, kịp thời và các biện pháp để người dân chủ động phòng, chống dịch, không hoang mang, lo lắng và phối hợp với các cơ quan chức năng phòng chống dịch hiệu quả.

Hàng loạt người bị xử phạt vì tung tin sai về dịch nCoV

Trên thực tế, những ngày vừa qua, trên các mạng xã hội như YouTube, Facebook đã xuất hiện nhiều thông tin giả mạo, thông tin không có kiểm chứng về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra. Những thông tin này phần nào đã khiến người dân bị hoang mang, lo lắng.

Cụ thể, tại một số địa phương, cơ quan công an đã phối hợp với lực lượng chức năng xử phạt hành chính một số đối tượng tung tin sai sự thật về dịch bệnh trên mạng xã hội.

lam gi de khong gay hoang mang, hieu lam ve virus corona tren mxh? hinh anh 1

Những ngày vừa qua, trên các mạng xã hội như YouTube, Facebook đã xuất hiện nhiều thông tin giả mạo, thông tin không có kiểm chứng về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra.

Điển hình, tại Thái Nguyên, Nguyễn Thị Hồng Minh và Ngô Thị Trang (cùng 30 tuổi, trú thành phố Sông Công) bị Công an tỉnh Thái Nguyên xử phạt mỗi người 12,5 triệu đồng theo Điều 64 Nghị định 174/2013 về hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Theo xác minh, ngày 31/1, Nguyễn Thị Hồng Minh đăng trên nhóm Zalo thông báo: “Hiện nay Bệnh viện C có 3 bệnh nhân bị nhiễm cúm corona đến từ Vũ Hán, Trung Quốc. Mong các phụ huynh theo dõi trẻ tại nhà, nếu có biểu hiện sốt, sổ mũi… thì cho trẻ đến khám ngay tại các trung tâm y tế gần nhất, tránh đến những nơi đông người”.

Khi đọc được thông tin trên, Ngô Thị Trang đã sao chép và đăng tải lên trang Facebook cá nhân đồng thời kêu gọi mọi người “mạnh tay chia sẻ”. Cả hai sau đó đã xóa nội dung sai sự thật.

Hay như trường hợp xảy ra tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, sau khi xác minh thông tin lan truyền trên mạng xã hội về việc 2 du khách Trung Quốc nghi bị nhiễm virus corona nhập viện tại Bệnh viện Lê Lợi, TP.Vũng Tàu, Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã xử phạt hành chính đối tượng Trần Văn Tùng (sinh năm 1998, trú tại phường Thắng Nhất, thành phố Vũng Tàu) với số tiền 30 triệu đồng vì đã có hành vi đăng thông tin sai sự thật.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, ngày 30/1, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với Sở TT&TT mời chủ tài khoản Facebook Nhàn Lê đến làm việc về việc tung tin sai sự thật trên mạng xã hội liên quan đến dịch do virus corona gây ra. Cơ quan Công an đã lập biên bản vi phạm hành chính và đề xuất mức xử phạt vi phạm hành chính với chủ tài khoản Facebook Nhàn Lê bằng hình thức phạt tiền, số tiền 12,5 triệu đồng theo quy định..

Ngăn chặn những thông tin gây hoang mang

Bộ TTTT vừa có công văn gửi các cơ quan báo chí, Sở TTTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tuyên truyền phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra.

Công văn nêu rõ, dịch bệnh do virus corona gây ra đang diễn biến rất phức tạp, rất nghiêm trọng. Ngày 31/1/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu (PHEIC) về dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh, Bộ TTTT yêu cầu các cơ quan báo chí và Sở TTTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung tổ chức công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh.

lam gi de khong gay hoang mang, hieu lam ve virus corona tren mxh? hinh anh 2

Facebook, Google đã gỡ bỏ hàng loạt tin giả về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra.

Cụ thể, Bộ TTTT yêu cầu các cơ quan báo chí bám sát sự chỉ đạo của Ban Bí thư tại công văn 79 ngày 29/1/2020; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 05 ngày 28/1/2020; thông tin do Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra; phản ánh nỗ lực và quyết tâm của các ngành, các cấp và địa phương trong phòng, chống dịch bệnh.

Cùng với đó, các cơ quan báo chí cần tăng thời lượng, số lượng tin, bài khuyến cáo, hướng dẫn người dân nhận thức đầy đủ nguy cơ và cách thức phòng ngừa dịch bệnh, nâng cao ý thức người dân tuân thủ các khuyến cáo, biện pháp của cơ quan chức năng nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Không lơ là, chủ quan nhưng không được gây hoang mang, lo lắng trong xã hội; không để ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại với các nước.

Đồng thời, báo chí cần cập nhật thường xuyên, liên tục, chính xác, đầy đủ trên tất cả loại hình báo chí về diễn biến tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống, ngăn chặn lây lan dịch bệnh từ nguồn chính thức của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus conora gây ra, của Bộ Y tế và các cơ quan có thẩm quyền.

Đặc biệt, Bộ TTT lưu ý, các cơ quan báo chí “không sử dụng “tít” và nội dung bài nghi vấn, suy đoán, gán ghép, liên hệ thiếu căn cứ, không đúng bản chất sự việc, thận trọng và phải kiểm chứng thông tin từ các cơ quan chức năng khi khai thác thông tin từ báo chí nước ngoài”.

Với hệ thống thông tin cơ sở, Bộ TTTT đề nghị tập trung thời lượng, tần suất tuyên truyền, phổ biến trên hệ thống cơ sở truyền thanh – truyền hình cấp huyện, đài truyền thanh cấp xã những thông tin khuyến cáo người dân và cộng đồng để phòng ngừa, hạn chế dịch bệnh theo tài liệu của Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus conora gây ra.

Theo đó, tập trung thông tin khuyến cáo người dân cần hạn chế các hoạt động có nguy cơ gây bệnh và dấu hiệu nhận biết khi nhiễm bệnh để chủ động đi khám, thông báo ngay cho cơ sở y tế khi có các triệu chứng kể trên.

Các Sở TTTT được yêu cầu phải tăng cường việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh của các cơ quan báo chí và hệ thống thông tin cơ sở của địa phương; theo dõi thông tin liên tục trên mạng xã hội để phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền chủ động đấu tranh ngăn chặn những thông tin sai sự thật gây hoang mang trong dư luận xã hội về tình hình dịch bệnh và xử lý nghiêm các vi phạm về thông tin phòng, chống dịch bệnh.

Thành An/DV

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.