“Lệch chuẩn” – biểu hiện thiếu trách nhiệm xã hội của người nghệ sĩ

Với sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước, đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà không ngừng trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt, có nhiều đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tốt đẹp, vẫn còn những ứng xử tiêu cực – “lệch chuẩn” của một số nghệ sĩ. Điều này đặt ra nhiều vấn đề về tư cách, phẩm chất đạo đức, lối sống, đặc biệt là trách nhiệm xã hội của người nghệ sĩ với công chúng, với việc kiến tạo đời sống tinh thần lành mạnh ở nước ta hiện nay.

Ảnh minh họa.

SỨ MỆNH CAO CẢ

Nghệ sĩ là những người tài năng hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Mỗi nghệ sĩ thường có một năng lực, sở trường đặc biệt; có tình yêu, niềm đam mê một loại hình nghệ thuật. Thiên tính, xu hướng ấy thuộc về năng lực, tố chất của mỗi cá nhân nhưng cũng có thể được truyền cảm hứng từ cái nôi nghệ thuật của gia đình, dòng họ. Qua thời gian, sự khổ luyện, tài năng sẽ tỏa sáng. Sự khác biệt, độc đáo, mới lạ, không lặp lại chính mình với những giây phút thăng hoa kết tinh ở những vở diễn, tiết mục, tác phẩm xuất sắc, có sức mạnh lay chuyển cảm xúc, suy nghĩ của công chúng, gieo vào trái tim người đọc, người xem những điều tốt đẹp, hướng họ đến với những giá trị của chân, thiện, mĩ, lúc ấy tài năng, nghệ thuật mới thực hiện trọn vẹn sứ mệnh cao cả của mình.

Nghệ thuật có khả năng thanh lọc, nâng đỡ tâm hồn, có thể “cứu rỗi nhân loại”. Sức mạnh của những tác phẩm lớn, ra đời trong hoàn cảnh lịch sử nhất định có thể làm “rung chuyển thế giới”, làm thay đổi vận mệnh, số phận, cuộc đời của cá nhân và cộng đồng. Bằng tài năng, sự nhạy cảm nghề nghiệp, trí tưởng tượng phong phú, người nghệ sĩ có khả năng thâu tóm, ghi chép, phản ánh một cách sinh động hiện thực cuộc sống thông qua những kí hiệu, biểu trưng, hình tượng nghệ thuật có sức hấp dẫn lớn, tác động trực tiếp vào tư tưởng, tình cảm, thái độ của người tiếp nhận, làm thay đổi nhận thức, hành động của công chúng.

Nghệ thuật đi vào trái tim, trí nhớ con người bằng những sắc màu, hình ảnh phong phú, mang lại những cảm xúc mới, truyền đi những thông điệp nhân văn, hướng đến xây dựng một thế giới ngày càng tươi đẹp, vì hòa bình, tình yêu, lòng vị tha, sự trân quý vẻ đẹp của con người.

Trải qua những thăng trầm lịch sử, nhất là qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc, các thế hệ nghệ sĩ luôn đồng hành, sát cánh cùng Đảng, Nhà nước, nhân dân viết lên những trang sử mới bằng thơ ca, nhạc họa, phản ánh tinh thần dân tộc, khát vọng của của lớp lớp con dân đất Việt về một Tổ quốc độc lập, tự do, hòa bình, người dân ấm no, hạnh phúc.

Là lãnh tụ của cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rõ vai trò, sứ mệnh đặc biệt quan trọng của văn hóa, văn nghệ cũng như anh em nghệ sĩ. Dù là người sáng tác, viết văn, làm báo, diễn viên, bằng những việc làm, hành động cụ thể, họ đều góp phần làm nên thành công của cách mạng, kháng chiến. Người từng khẳng định: Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy.

Trong quá trình tổng kết, đánh giá về những thành tựu, đóng góp của văn nghệ sĩ trong kháng chiến cũng như trong công cuộc xây dựng đời sống mới, Đảng ta nhấn mạnh: “Từ khi Đảng ta ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nhất là từ sau Cách mạng Tháng Tám thành công, văn hóa, văn nghệ Việt Nam đã trở thành một bộ phận khăng khít của cách mạng, tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, xây dựng cuộc sống mới cho nhân dân… Các văn nghệ sĩ, các nhà hoạt động văn hóa trở thành những chiến sĩ của Đảng trên mặt trận văn hóa, văn nghệ, sáng tạo được nhiều tác phẩm có giá trị, có sức động viên, cổ vũ to lớn đối với nhân dân ta trong hai cuộc kháng chiến vừa qua”(1) .

Phát huy truyền thống cách mạng và những thành tựu đạt được của những nghệ sĩ trong kháng chiến, trong công cuộc đổi mới, mở cửa, giao lưu hội nhập quốc tế, đội ngũ văn nghệ sĩ hiện nay luôn “là lực lượng tin cậy, trung thành của đất nước, của Đảng và nhân dân, có lòng yêu nước nồng nàn, tự hào dân tộc, tâm huyết với nghề nghiệp, xứng đáng với danh hiệu cao quý nghệ sĩ – chiến sĩ, là lực lượng nòng cốt trực tiếp tạo nên nền văn học, nghệ thuật cách mạng của dân tộc trong thời kỳ mới”(2). Những cống hiến to lớn của họ ở phương diện nghệ thuật đã góp phần quan trọng vào việc bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm, lối sống đẹp cho thế hệ trẻ; kiến tạo môi trường văn hóa lành mạnh, nhân văn; quảng bá vẻ đẹp hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế; tạo nguồn lực, động lực to lớn cho quá trình phát triển bền vững đất nước.

Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, công nghiệp hóa, đô thị hóa, quá trình chuyển đổi mô hình xã hội và hội nhập quốc tế toàn cầu, cùng với tính “đa chiều đa diện” của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, bên cạnh những điều kiện thuận lợi, không ít nghệ sĩ đang đứng trước những thách thức trên con đường nghệ thuật để khẳng định vị thế, hình ảnh, uy tín của mình trước công chúng. Thậm chí một số nghệ sĩ có biểu hiện dao động về tư tưởng chính trị, có những hành vi lệch chuẩn trong giao tiếp, ứng xử; thiếu chuẩn mực trong lối sống…

“LỆCH CHUẨN” – TỪ ẢO TƯỞNG ĐẾN THIẾU Ý THỨC

Thời gian qua, do những tác động của nhân tố chủ quan và khách quan, một số nghệ sĩ có những biểu hiện “lệch chuẩn” trong lối sống. Sau giây phút đăng quang từ những cuộc thi nghệ thuật, sau ánh đèn sâu khấu, những lời tụng hô nhất thời của người hâm mộ, một số nghệ sĩ – ca sĩ đã tự huyễn hoặc, “mắc bệnh” “ngôi sao”. Khi có tiền, có tên tuổi trong làng giải trí, được nhiều công ty, đơn vị tổ chức sự kiện nghệ thuật săn đón, một số nghệ sĩ trẻ có tâm lý ảo tưởng, cho mình là nhất, cố tạo phong cách sang chảnh, sành điệu, sa vào ăn chơi, có những biểu hiện hành vi thiếu ý thức, thậm chí là vi phạm pháp luật, tạo nên dư luận xấu xã hội.

Không chỉ “lệch chuẩn” trong lối sống, một số nghệ sĩ do thiếu tri thức, kỹ năng và vốn văn hóa cần thiết trong giao tiếp, ứng xử nên có những phát ngôn, bình luận thiếu chuẩn mực, thậm chí là thiếu văn hóa, công kích, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác.

Trong bối cảnh mở rộng giao lưu, hội nhập quốc tế; sự phát triển mạnh mẽ của Internet, mạng xã hội, mở ra nhiều cơ hội để nghệ sĩ xây dựng hình ảnh, tạo sức ảnh hưởng với những người hâm mộ. Với nghệ sĩ nổi tiếng, mỗi lời nói, hành động trong đời thường hay một statuscommet, hình ảnh đăng trên trang cá nhân, có thể tạo ra những hiệu ứng xã hội rất lớn, không chỉ với những người thường xuyên theo dõi mà với cả cộng đồng.

Tuy nhiên, mặt trái của công nghệ, mạng xã hội cũng đặt ra cho nghệ sĩ những áp lực, thách thức lớn. Chỉ vì “lỡ lời”, “vạ miệng”, viết những câu từ thiếu văn hóa, đụng chạm đến lòng tự trọng, danh dự của người khác, cộng đồng mạng sẵn sàng “dậy sóng”, tẩy chay nghệ sĩ.

Lời nói, ngôn ngữ là biểu hiện của tư duy, đồng thời phản ánh phần nào phong cách, lối sống, phẩm giá, đức hạnh của một con người. Nghệ sĩ là người có sức ảnh hưởng lớn đến công chúng, nhất là giới trẻ – những người luôn có niềm tin, sự kỳ vọng vào người nghệ sĩ. Vì thế, lời bình luận có nội dung thô tục của một nghệ sĩ “gạo cội” trên Facebook cá nhân thời gian qua không chỉ gây bức xúc xã hội mà hậu quả của nó là đánh mất niềm tin của công chúng vào những giá trị mà họ vốn tôn thờ.

Hoạt động nghệ thuật mang tính đặc thù, gắn liền với quá trình sáng tạo và phong cách riêng của người nghệ sĩ. Vì thế dấu ấn cá nhân trong sáng tạo nghệ thuật có vai trò đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, một số nghệ sĩ chưa ý thức rõ về trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, chưa thấy được mối quan hệ giữa người nghệ sĩ – công dân nên thường để cho cái tôi cá nhân, chủ quan lấn át, chi phối. Họ hành động theo cảm tính, thói quen, để cho những cảm xúc bồng bột, nhất thời chi phối, thậm chí chạy theo tâm lí, xu hướng đám đông, đua “trend”, tạo Scandal ảo để gây chú ý của cộng đồng, đánh bóng tên tuổi. Họ thiếu hiểu biết về pháp luật và kỹ năng ứng phó, xử lý thông tin, truyền thông, để cho những vụ việc vốn đơn giản trở nên phức tạp, và khi bị đẩy đi quá xa, họ mới sực tỉnh và nhận ra lỗi lầm.

Những vụ việc gây ồn ào dư luận và cộng đồng mạng thời gian qua liên quan đến câu chuyện nghệ sĩ quyên góp, làm từ thiện, quảng cáo (PR) sản phẩm sai mục đích, chức năng, gây hậu quả cho người tiêu dùng; vấn đề nghệ sĩ “nuôi tài năng trẻ”; nghệ sĩ sa vào tệ nạn xã hội, cờ bạc, lô đề; nghệ sĩ livestream “bóc phốt” đồng nghiệp, chửi bới, đe dọa, xúc phạm, miệt thị, công kích lẫn nhau vì sự ghen ghét, đố kị cá nhân, đang làm “ô nhiễm” môi trường, không gian mạng xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lí tiếp nhận, tư tưởng, tình cảm của công chúng. Những vụ việc, hiện tượng đó, dưới sức mạnh của truyền thông, mạng xã hội, làm dấy lên những lo ngại về những góc khuất trong đời tư nghệ sĩ sau ánh đèn sân khấu. Điều này cũng đặt ra những câu hỏi về chức trách của các cơ quan chức năng, những người làm công tác quản lý đời sống văn hóa văn hóa, văn nghệ nước nhà.

NÂNG CAO TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI CỦA NGƯỜI NGHỆ SĨ 

Là những “chiến sĩ” trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, người nghệ sĩ chân chính có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống cộng đồng. Bằng tài năng, tình yêu quê hương đất nước, trách nhiệm với Tổ quốc, non sông, những tác phẩm của họ có thể ví như những ngọn đuốc “soi đường cho quốc dân đi”. Để phát huy truyền thống vẻ vang của nền văn nghệ cách mạng mà các nghệ sĩ đi trước dày công xây dựng cũng như khắc phục những khuyết tật, hạn chế trong đời sống nghệ thuật thời gian qua, nhất là những hành vi “lệch chuẩn” của một số nghệ sĩ, các cơ quan ban ngành, những người có trách nhiệm cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có những nhiệm vụ cấp thiết như:

Thứ nhất, mỗi nghệ sĩ cần phải ý thức sâu sắc về sứ mệnh, thiên chức nghệ thuật cao cả, thiêng liêng mà mình đang đảm trách; phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức; nâng cao trình độ tay nghề, năng lực chuyên môn; kiên trì, nỗ lực trong sáng tạo, trình diễn; ra sức học tập, trau dồi tri thức, vốn sống, vốn hiểu biết; tích cực thâm nhập cuộc sống để hiểu rõ cuộc đời cũng như tâm lí, nhu cầu của công chúng. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, mỗi nghệ sĩ cần thực hiện tốt nghĩa vụ, quyền hạn của một người công dân, tăng cường ý thức tuân thủ pháp luật, có lối sống lành mạnh, trong sáng; có ứng xử phù hợp với quy tắc, chuẩn mực đạo đức của cộng đồng, xã hội.

Để tô đẹp cho cuộc đời, dẫn dắt tư tưởng, tình cảm của công chúng, nghệ sĩ phải nêu tấm gương sáng về tài năng, đạo đức và nỗ lực không ngừng trong sáng tạo nghệ thuật; biết nhận ra những ưu/ khuyết điểm của bản thân để không ngừng hoàn thiện mình. Giải quyết hài hòa mối quan hệ nghệ sĩ – công dân, nghệ sĩ với công chúng.

Làm nghệ thuật cũng là một nghề do sự phân công lao động xã hội, nhưng đây một nghề đặc biệt, có tính đặc thù, chuyên môn cao, liên quan trực tiếp đến lao động sáng tạo. Sáng tạo nghệ thuật có những quy luật riêng nhưng không thể chỉ là thuần túy nghệ thuật, không thể đóng khung trong “thánh đường”, “tháp ngà nghệ thuật” mà phải gắn liền với cuộc sống, phải tuân thủ quy luật của thị trường, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu, sự khen chê, thẩm bình của công chúng. Nhưng nghệ thuật tuyệt đối không được chạy theo vật chất, tiền tài, theo xu hướng nhất thời mà hạ thấp giá trị của nghệ thuật, danh dự, phẩm giá của người nghệ sĩ.

Sáng tạo nghệ thuật có những quy luật riêng, nhưng không thể chỉ là thuần túy nghệ thuật, không thể đóng khung trong “thánh đường”, “tháp ngà nghệ thuật” mà phải gắn liền với cuộc sống

Nghệ thuật sẽ “chết” nếu không có công chúng. Công chúng chính là đối tượng mà nghệ thuật hướng đến. Tình yêu, niềm đam mê nghệ thuật của công chúng – những người sẵn sàng bỏ thời gian, tiền bạc để thưởng thức nghệ thuật – cũng chính là nguồn cảm hứng, là “tấm gương phản chiếu” để người nghệ sĩ không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng nghệ thuật, thích ứng tốt với những đòi hỏi của thời đại. Vì thế nghệ sĩ và công chúng có mối quan hệ gắn bó hữu cơ, thúc đẩy lẫn nhau cùng phát triển. Để làm tốt điều đó, đòi hỏi sự tôn trọng, yêu quý, cộng hưởng và thấu hiểu giữa hai chủ thể sáng tạo và tiếp nhận, tránh những xung đột, bất đồng, mâu thuẫn.

Thứ hai, với các bộ, ngành trực tiếp quản lý hoạt động sáng tạo nghệ thuật, các cấp hội văn học nghệ thuật ở trung ương và địa phương, các đơn vị, cơ quan liên quan cần nắm bắt tốt tâm tư, nguyện vọng của anh em nghệ sĩ. Làm tốt công tác giáo dục, định hướng tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị, trách nhiệm nghề nghiệp, ý thức công dân cho đội ngũ văn nghệ sĩ. Đặc biệt cần phát hiện kịp thời những tư tưởng, hành vi lệch chuẩn, vi phạm thuần phong mĩ tục, đạo đức xã hội, chuẩn mực nghề nghiệp của một số nghệ sĩ để uốn nắn, chấn chỉnh và nghiêm khắc xử lý, tránh những hiện tượng, vụ việc đáng tiếc xảy ra.

Phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các trường đào tạo nghệ thuật ở trong và ngoài nước trong việc cung cấp những thông tin mới về tình hình đất nước, khu vực và quốc tế; những xu hướng vận động, phát triển của nghệ thuật đương đại; vấn đề bảo tồn, phát huy vốn di sản văn hóa, văn nghệ truyền thống. Đồng thời mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng về nghệ thuật, tăng cường những chuyến đi thực tế, thâm nhập vào cuộc sống để nghệ sĩ hiểu rõ hơn những vấn đề mà cuộc sống, xã hội, thời đại đang đặt ra.

Trong bối cảnh Internet, mạng xã hội, các phương tiện truyền thông phát triển mạnh mẽ, hiện có khoảng 70% người dân Việt Nam sử dụng Internet, đây là cơ hội lớn để nghệ sĩ quảng bá, chia sẻ thông tin, hình ảnh cá nhân và các sự kiện nghệ thuật nhằm tăng cường khả năng tương tác, kết nối với những người yêu nghệ thuật. Để có bản lĩnh nghệ thuật trong không gian mạng, hơn ai hết, nghệ sĩ – những “người của công chúng” phải có những kiến thức về công nghệ thông tin, làm chủ thông tin, hiểu biết pháp luật, tuân thủ những quy tắc ứng xử văn hóa trên không gian mạng; phải cẩn trọng, suy nghĩ trước khi phát ngôn, bình luận, khi chia sẻ thông tin, hình ảnh với công chúng. Người nghệ sĩ phải lường trước được kết quả, hậu quả và phải chịu trách nhiệm trước dư luận, công chúng và pháp luật về những hành vi, suy nghĩ của mình. Phải có tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm, phải nhanh chóng cải chính thông tin sai và xin lỗi công chúng cũng như đối tượng bị tổn thương; tránh vòng vo, đổ lỗi cho người khác; nhanh chóng gây dựng lại niềm tin nơi khán giả.

Để có bản lĩnh nghệ thuật trong không gian mạng, hơn ai hết, nghệ sĩ – những “người của công chúng” phải có những kiến thức về công nghệ thông tin, làm chủ thông tin, hiểu biết pháp luật, tuân thủ những quy tắc ứng xử văn hóa trên không gian mạng; phải cẩn trọng, suy nghĩ trước khi phát ngôn, bình luận, khi chia sẻ thông tin, hình ảnh với công chúng.

Thứ ba, sự phát triển của mạng xã hội mở ra không gian nghệ thuật mới để nghệ sĩ đưa tác phẩm của mình đến gần hơn, nhanh hơn với công chúng. Bên cạnh những cơ hội lại là những hiểm nguy có thể hủy hoại thanh danh, sự nghiệp mà người nghệ sĩ cả đời gây dựng nếu như vô tình hay hữu ý vi phạm những chuẩn mực, quy tắc chung của cộng đồng, đi ngược lại giá trị, tôn chỉ, mục đích cao quý của nghệ thuật. Vì thế để tránh những hiện tượng đáng tiếc xảy ra, các cơ quan ban ngành như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cơ quan an ninh văn hóa, an ninh mạng của Bộ Công an cần phối kết hợp chặt chẽ trong việc định hướng, kiểm soát, thẩm định thông tin; có những phản hồi, cảnh báo cho người “đưa tin” và người tiếp nhận về những nguy cơ mất an toàn thông tin; kịp thời gỡ bỏ những thông tin xấu độc trên môi trường mạng, tránh những cuộc “khủng hoảng thông tin”, những lượng “rác” lớn trên không gian mạng đến từ những hành vi thiếu văn hóa, kém văn minh của một số người dùng, trong đó có nghệ sĩ.

Thứ tư, để hoạt động nghệ thuật cũng như hoạt động xã hội của nghệ sĩ diễn ra thuận lợi, an toàn trên cơ sở đảm bảo quyền tự do, dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật kỷ cương, phát huy hiệu quả ảnh hưởng của nghệ sĩ, sức cảm hóa của nghệ thuật với công chúng, các cơ quan ban ngành có trách nhiệm cần sớm nghiên cứu, xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách quy định về trách nhiệm, quyền hạn, nghĩa vụ của nghệ sĩ trong tham gia các hoạt động xã hội, trong đó có hoạt động quyên góp, làm từ thiện; nghệ sĩ tham gia hoạt động quảng cáo, nghệ sĩ tham gia kinh doanh thương mại điện tử… Ban hành, thực thi có hiệu quả bộ quy tắc ứng xử văn hóa trên không gian mạng. Đồng thời không ngừng quan tâm, tạo điều kiện về vật chất lẫn tinh thần, đảm bảo những điều kiện cần thiết để người nghệ sĩ yên tâm công tác, giữ được tình yêu nghệ thuật để có những tác phẩm xứng tầm, góp phần hình thành những con người mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Lao động nghệ thuật là một hành trình, một nghề vô cùng “nghiệt ngã” đòi khỏi sự khổ luyện của người nghệ sĩ để tạo ra những giá trị tốt đẹp cho con người và xã hội. Sức ảnh hưởng của nghệ sĩ với công chúng là ở những tác phẩm đỉnh cao, ở sự nghiêm túc, cẩn trọng, hết mình với nghệ thuật.

Để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thúc đẩy nền nghệ thuật nước nhà phát triển, tài năng, phẩm chất của người nghệ sĩ có vai trò đặc biệt quan trọng. Nghệ thuật phải hướng đến số đông quần chúng, vì lợi ích chung của cộng đồng; không thể mượn danh nghệ thuật, uy tín của nghệ sĩ để vụ lợi. Mỗi nghệ sĩ cần vượt qua những “lằn ranh”, giới hạn chật hẹp của cuộc sống cá nhân, suy nghĩ về những vấn đề lớn của vận nước, về những phận người để có những tác phẩm, vở diễn xứng tầm với niềm tin tưởng, kỳ vọng của nhân dân./.

TS. Nguyễn Huy Phòng/TG
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh 

_______________________

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2006, t.48, tr.889.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, H, 2018, t.67, tr.647.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.