Liên minh quốc tế Stefanus “tấu hài” về Nguyễn Bắc Truyển
Bất chấp việc Nguyễn Bắc Truyển, sinh năm 1968, trú tại phường 4, quận 4, TP Hồ Chí Minh, đang phải chấp hành bản án 11 năm tù, 3 năm quản chế về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, vừa qua, Liên minh quốc tế Stefanus (Stefanus Alliance International) đã công khai thông tin về việc trao “giải thưởng Stefanus 2020” cho Nguyễn Bắc Truyển với đài RFA vì “có thành tích trong hoạt động thúc đẩy quyền tự do tín ngưỡng và bảo vệ những sắc tộc thiểu số tôn giáo”.
Theo RFA, ông Ed Brown, Tổng Thư ký của Liên minh quốc tế Stefanus đã cho rằng: “Từ một danh sách những ứng viên rất sáng giá, Ủy ban giải thưởng, một bộ phận độc lập với Liên minh Stefanus, đã ghi nhận việc làm lâu năm của ông Nguyễn Bắc Truyển nhằm thúc đẩy quyền tự do tín ngưỡng và bảo vệ những sắc tộc thiểu số tôn giáo. Ông làm như thế không chỉ với cộng đồng của mình, mà còn với các cộng đồng tôn giáo khác”.
Trong một động thái tương tự hướng đến “vinh danh” Nguyễn Bắc Truyển, một đại diện khác của Liên minh quốc tế Stefanus là bà Ingvill Thorson Plesner, Chủ tịch Ủy ban trao giải Stefanus cổ súy: “Nguyễn Bắc Truyển xứng đáng nhận giải… Ông nhiều lần đấu tranh cho quyền lợi của những người có niềm tin khác với ông, bất chấp hiểm nguy đối với cá nhân và gia đình của ông”.
Trước cách thông tin trên, công luận không khỏi sửng sốt với những gì mà Liên minh quốc tế Stefanus “dành cho” Nguyễn Bắc Truyển. Bởi, qua cách tung hô này, dường như Truyển không còn bất cứ vết tích, đặc điểm hay hành vi gì của một tên tội phạm chống lại nhà nước mà ngược lại, đã biến thành một kẻ dấn thân, mưu cầu quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho chính mình và cho người khác. Và chỉ riêng điều này thôi đã đủ để thấy Liên minh quốc tế Stefanus đã bất chấp sự thật thế nào khi dùng thủ thuật đánh tráo bản chất, đánh bùn sang ao. Đó thực sự là dấu hỏi lớn về tính chính danh, khách quan và mục đích thực sự của một “giải thưởng” như thế này.
Được biết, “Giải thưởng Stefanus”ra đời vào năm 2005, tại Nauy, do Liên minh Quốc tế Stefanus, một tổ chức phi chính phủ, hoạt động chủ yếu trên lĩnh vực tôn giáo, nhân quyền sáng lập. Mục đích vinh danh những cá nhân được cho là “đã thể hiện lòng dũng cảm và cống hiến thúc đẩy quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng, cũng như các quyền con người khác ở nhiều nơi trên khắp thế giới”, được trao hai năm một lần, kèm theo giải là 10.000 euro. Trước đây, giải thưởng này từng được trao cho các nhân vật tại các quốc gia như Iraq, CHDCND Triều Tiên, Thổ Nhĩ Kỳ.
Điều đáng nói ở đây là thay vì lựa chọn, vinh danh một người có những đóng góp thực sự, được xã hội thừa nhận thì Giải thưởng Stefanus lại nhắm tới Nguyễn Bắc Truyển.
Năm 2004, với mưu đồ hoạt động chống phá nhằm thay đổi thể chế tại Việt Nam, Truyển cùng một Việt kiều Mỹ tên Đỗ Thành Công tham gia thành lập cái gọi là “Đảng Dân chủ Nhân dân”. Năm 2006, Truyển bị bắt do có liên quan đến kế hoạch biểu tình, rải truyền đơn vào dịp Việt Nam tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC. Truyển bị tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù giam vì tội “Tuyên truyền chống nhà nước” vào năm 2007.
Ra tù năm 2010, trong khi nhiều người nghĩ rằng Truyển sẽ thay đổi, chấm dứt những trò chống phá đã từng dẫn nhiều người trước đó vào vòng lao lí thì không lâu sau đó, Truyển đã tuyên bố mình vẫn là “đảng viên đảng Dân chủ Nhân dân”, và tiếp tục tham gia nhiều tổ chức chống đối khác như “Hội Ái hữu tù nhân chính trị và tôn giáo Việt Nam”, các tổ chức “Phật giáo Hòa hảo đối lập”, “Văn phòng Công lý & Hòa bình thuộc dòng Chúa Cứu thế TP Hồ Chí Minh” và đặc biệt là “Hội Anh em Dân chủ”. Các hoạt động chống phá chế độ dưới các chiêu bài “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền” của Truyển ở thời gian sau đó có xu hướng ngày một trắng trợn, rõ ràng hơn.
Sự trượt dài trong hành trình chống đối đã tiếp tục dẫn Truyển vào vòng lao lí khi vào ngày 30/7/2017, cùng với 3 đối tượng khác đều là thành viên của “Hội Anh em dân chủ” gồm Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn và Trương Minh Đức, Nguyễn Bắc Truyển đã bị bắt và bị truy tố tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, theo Điều 79, Bộ luật Hình sự.
Trong quá trình điều tra, cơ quan thực thi pháp luật đã làm rõ và xác định với tư cách là thành viên sáng lập ra tổ chức “Hội Anh em dân chủ”. Nguyễn Bắc Truyển đã cùng với các thành viên chủ chốt ra mắt “Hội Anh em dân chủ” vào ngày 24/4/2013, có tên gọi, logo, biểu tượng. Theo đó, Hội có “chủ tịch” và các “phó chủ tịch”, có “trưởng đại diện” của các vùng, miền Bắc, Trung, Nam và hải ngoại.
Trên cơ sở “Cương lĩnh vắn tắt”, tổ chức này đã thực hiện hàng loạt các hành vi như: xây dựng cơ cấu tổ chức, thành lập và phân công nhiệm vụ cho các ban, tổ chức họp các hội viên vào tối thứ bảy hoặc chủ nhật hằng tuần; có kế hoạch đào tạo hội viên, phát triển lực lượng, có nhiều hình thức tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; có quan hệ với các tổ chức, cá nhân nước ngoài để vận động ủng hộ tài trợ kinh phí cho hội hoạt động, lập dự án xin tài trợ cho hoạt động của hội; lợi dụng các sự kiện chính trị, sự kiện nhạy cảm trong nước để kích động người dân phản đối chính quyền. Ngày 4/6/2018, Nguyễn Bắc Truyển bị TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên phạt 11 năm tù và 3 năm quản chế về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Sự thật công khai, rõ ràng là thế, vậy mà Liên minh quốc tế Stefanus vẫn bất chấp để vinh danh Nguyễn Bắc Truyển. Đây có thể nói là hành động can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ của Nhà nước Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng Hiến chương của Liên hợp quốc.
Một tiết lộ khác từ ông Ed Brown cho biết, từ đầu năm 2019, Liên minh này đã tổ chức một chiến dịch viết thư để “động viên” Nguyễn Bắc Truyển trong tù, một động thái được cho là dọn đường, gây sự chú ý tới Nguyễn Bắc Truyển trước khi tiến tới trao giải như nguồn tin đã công bố. Điều này cho thấy, Liên minh quốc tế Stefanus đã có một kế hoạch khá dài hơi dành cho Nguyễn Bắc Truyển và họ cũng có những sự đầu tư hết sức rõ ràng, thậm chí đã có hẳn một chiến dịch truyền thông khá bài bản về Truyển.
Trước Liên minh quốc tế Stefanus, tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) đã từng vinh danh Nguyễn Bắc Truyển với giải thưởng Hellman/Hammett vào năm 2011; Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) cũng đã kêu gọi Việt Nam trả tự do cho Truyển. Phó Chủ tịch của USCIRF, bà Anurima Bhargava từ năm 2019 đã nhận bảo trợ cho Truyển qua “Dự án tù nhân lương tâm tôn giáo” của Ủy hội.
Với khả năng tung hứng có “thâm niên”, bất chấp sự thật, không quá lạ khi một lần nữa hình ảnh cá nhân Nguyễn Bắc Truyển được các đài BBC, RFA, VOA… nói đến với những cụm từ như “nhà tranh đấu bất bạo động cho lý tưởng nhân quyền tại Việt Nam”; “một nhà tranh đấu dũng cảm cho nhân quyền và dân chủ tự do cho Việt Nam”; “nhà đấu tranh cho quyền lợi của những người có niềm tin tôn giáo, bất chấp hiểm nguy đối với cá nhân và gia đình”… rất ít hoặc chỉ gợi nhắc có tính điểm xuyết về hành trình tội lỗi của Nguyễn Bắc Truyển.
Tất cả đã, đang cho thấy, Truyển thực sự là mối quan tâm lớn của nhiều tổ chức hoạt động dưới danh nghĩa dân chủ, nhân quyền và mục đích không ngoài can thiệp, tác động để nhà nước Việt Nam phải có những nhượng bộ, thậm chí tha bổng cho Truyển. Song những thủ đoạn đó càng cho thấy, họ cố tạo ra những trò hề, là động thái chống phá Nhà nước Việt Nam của các tổ chức này.