Chính vì vậy, ngay từ khi công tác chuẩn bị đại hội đảng được tiến hành, các thế lực thù địch và các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị đã đẩy mạnh hoạt động chống phá nhằm làm chệch hướng phát triển của cách mạng Việt Nam.

Khi nói về chủ nghĩa cộng sản, V.I.Lênin từng nhấn mạnh: “Không ai có thể tiêu diệt được chúng ta, ngoài những sai lầm của bản thân chúng ta… Nếu chúng ta do sai lầm mà gây ra sự chia rẽ thì tất cả sẽ sụp đổ”. Nhận thức được vấn đề này, trong cuộc chiến ý thức hệ giữa xã hội chủ nghĩa (XHCN) và tư bản chủ nghĩa, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách chống phá, tạo ra sự nhiễu loạn, chia rẽ, suy yếu từ chính bên trong nội bộ của ta. Trong đó, “diễn biến hòa bình” được xác định là chiến lược chính nhằm tạo ra sự “tự chuyển hóa” từ ngay trong lòng các nước XHCN. Hệ quả của vấn đề này là tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ có nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những nguy cơ khôn lường.

Những “mầm cỏ dại” ngay trong lòng nội bộ

Thời gian qua, tại một số đơn vị, địa phương đã nảy sinh hiện tượng khiếu nại, tố cáo đối với lãnh đạo đơn vị và cán bộ trong diện quy hoạch. Tuy nhiên, qua xác minh thì hầu hết đơn thư khiếu nại, tố cáo là mạo danh, nặc danh, không đủ điều kiện xem xét, xử lý theo quy định. Nội dung nhiều đơn thư thiếu căn cứ, không có cơ sở chứng minh nội dung tố cáo, gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cán bộ. Đáng chú ý, trong một số trường hợp, những người đứng sau các màn khiếu nại, tố cáo như nêu trên lại chính là cán bộ, đảng viên; là đồng chí, đồng đội của những người bị tố cáo.

Đơn cử như tại tỉnh Vĩnh Phúc, hồi giữa tháng 9 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã khởi tố bị can đối với Nguyễn Mạnh Toàn (SN 1969, Phó trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) về hành vi vu khống theo quy định tại Điều 156, Bộ luật Hình sự do ông này viết đơn thư nặc danh, vu khống nhằm hạ uy tín lãnh đạo huyện Tam Đảo. Đây là một biểu hiện cụ thể của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ngay trong lòng nội bộ Đảng.

Hiện tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hiện nay đang diễn ra dưới nhiều cấp độ, với các biểu hiện cụ thể khác nhau. Ban đầu, đó là việc tiếp xúc, lưu trữ trái phép các thông tin trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ở mức độ cao hơn, những người này không kiên định vào đường lối cách mạng của Đảng, hoang mang, dao động, suy giảm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng; tán phát, chia sẻ, phát ngôn những thông tin, quan điểm trái với chủ trương, đường lối, chỉ thị, nghị quyết, chính sách, pháp luật; a dua, phụ họa những quan điểm trái với Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; xuyên tạc, bịa đặt, vu khống làm ảnh hưởng đến uy tín của các cá nhân, tổ chức khác; lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, lợi dụng việc chất vấn, trả lời chất vấn, đóng góp ý kiến để đưa ra những tư tưởng, quan điểm lệch lạc, trái chiều, thiếu tính xây dựng, xâm hại đến uy tín của Đảng và Nhà nước, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, niềm tin của nhân dân. Ở mức độ cao nhất, những đối tượng này “trở cờ”, quay lưng với dân tộc, công khai tuyên truyền chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; tiến hành móc nối, câu kết với các cá nhân, tổ chức phản động, chống đối; tham gia các tổ chức, hội nhóm, đảng phái chính trị phản động; phản bác nền tảng tư tưởng của Đảng, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng với Nhà nước và xã hội; tấn công thể chế chính trị, thể chế kinh tế, xuyên tạc tình hình xã hội của đất nước; kích động người khác tham gia tiến hành các hoạt động chống đối…

Những biểu hiện cụ thể của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã được Đảng ta nêu cụ thể trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Nếu như các thế lực thù địch, phản động, chống đối được xác định là giặc ngoại xâm, là những người đứng bên kia bờ chiến tuyến thì những đối tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chính là giặc nội xâm, đang tiềm ẩn, tồn tại trong chính nội bộ của chúng ta. Các đối tượng này âm thầm đào khoét nền móng của chế độ, khiến cho sức mạnh của Đảng suy yếu, xói mòn, chia rẽ, phân hóa từ bên trong.

Những con số đáng suy ngẫm

Nhận thức được những nguy cơ đến từ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, từ đầu nhiệm kỳ XII đến nay, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về công tác xây dựng Đảng. Đặc biệt công tác chấn chỉnh, đấu tranh làm trong sạch nội bộ Đảng được đẩy mạnh. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo điều tra, truy tố, xét xử 44 vụ án (518 bị cáo) nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm liên quan đến tham nhũng. Kết quả xét xử đã tuyên 3 án tử hình, 11 án chung thân, 5 bị cáo bị phạt tù với mức án 30 năm, 414 bị cáo bị phạt tù từ 12 tháng đến dưới 30 năm, cải tạo không giam giữ 15 bị cáo.

Giai đoạn từ năm 2016 đến 2019, chúng ta đã thi hành kỷ luật đối với 1.111 tổ chức đảng, 18.265 cấp ủy viên các cấp và 54.573 đảng viên. Trong đó có 92 đảng viên thuộc diện Trung ương quản lý, gồm 2 Ủy viên Bộ Chính trị, 21 ủy viên và nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 38 sĩ quan trong LLVT (có 23 trường hợp cấp tướng)[1]. Trong 6 tháng đầu năm 2020, các cấp ủy đảng đã thi hành kỷ luật với 104 tổ chức đảng, 7.160 đảng viên (khai trừ khỏi Đảng 688 đảng viên)[2].

Trong các trường hợp bị kỷ luật, thậm chí là xử lý hình sự, có nhiều trường hợp thuộc diện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng. Một số đối tượng thoái hóa, “trở cờ” công khai sử dụng mạng xã hội để xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng; phủ nhận Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đòi đa nguyên, đa đảng… như trường hợp ông Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (đã bị kỷ luật bằng hình thức khai trừ Đảng) là một ví dụ. Một số khác lại sa vào chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, ham mê vật chất và quyền lực, chạy theo chức quyền, rời xa chủ nghĩa cộng sản. Những người này không trực diện đối đầu với Đảng mà lợi dụng danh nghĩa đảng viên, núp bóng Đảng để mưu lợi cá nhân, thăng quan tiến chức. Điều này đã dẫn đến những sai lầm, khuyết điểm, vi phạm nghiêm trọng trong công tác tổ chức, sinh hoạt Đảng. Việc một loạt cán bộ cấp cao bị xử lý về hành vi tiêu cực, tham nhũng thời gian vừa qua là biểu hiện rõ ràng và cụ thể của vấn đề này.

Không để những “hạt cỏ dại” nảy mầm, sinh sôi

Đại hội lần thứ XIII của Đảng đang đến rất gần, khi mà những giai đoạn chuẩn bị cuối cùng phục vụ đại hội dần được hoàn tất, thì hoạt động chống phá của các đối tượng cơ hội chính trị cũng được đẩy mạnh.

Để công tác đấu tranh, làm trong sạch nội bộ phát huy hiệu quả, trước nhất, chúng ta cần phân loại cụ thể các nhóm đối tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; nhận diện chính xác các âm mưu, thủ đoạn, động cơ, mục đích chống phá mà các đối tượng này đang thực hiện để từ đó chủ động đấu tranh, ngăn chặn, triệt để đẩy lùi sự hiện diện, tồn tại của các “mầm cỏ dại” ngay trong lòng nội bộ.

Về cơ bản, các đối tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có thể chia làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất là những đối tượng “trở cờ”, suy thoái đặc biệt nghiêm trọng về tư tưởng, nhận thức; thay đổi lập trường chính trị, ngả về phía các thế lực thù địch. Đối với nhóm này, có thể thấy đây là những đối tượng đã thay đổi nhận thức và “chuyển hóa” hoàn toàn, trở thành lực lượng chống đối cách mạng. Mục đích của các đối tượng này là tấn công, làm sụp đổ thể chế chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước; làm biến dạng kết cấu xã hội hiện tại; đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, thay đổi định hướng XHCN. Trước thềm đại hội, nhóm đối tượng này đang đẩy mạnh chống phá bằng cách lợi dụng việc góp ý vào các văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng để đưa ra những “thư ngỏ”, “kiến nghị”, “đề xuất”, “tâm thư” có nội dung sai trái, đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc. Ngoài ra, một số đối tượng “trở cờ” đang tiến hành cái gọi là “kêu gọi từ bỏ Đảng”, “thoái Đảng” nhằm tạo cớ cho các thế lực thù địch, chống đối tiến hành xuyên tạc, công kích, chống phá Đảng, Nhà nước ta. Một biểu hiện khác của hành động chống phá mà các đối tượng này tiến hành là núp dưới vỏ bọc nghiên cứu, trao đổi học thuật để đưa ra các quan điểm phi khoa học, đòi xét lại lịch sử, công kích nền tảng tư tưởng của Đảng, cổ vũ luận điệu “đa nguyên”, “đa đảng”…

Nhóm thứ hai là các đối tượng dù không ngả về phía các thế lực thù địch nhưng lại lợi dụng cái mác đảng viên của mình để tiến hành mưu lợi cá nhân. Họ là những người không có tư tưởng cộng sản. Họ chỉ đề cao chủ nghĩa cá nhân, thiếu lập trường, chính kiến, thờ ơ, im lặng trước các vấn đề chung của Đảng, Nhà nước, chỉ chạy theo lợi ích cục bộ, cá nhân. Các đối tượng này “sống bám” vào Đảng, coi việc vào Đảng là để thăng quan, phát tài. Các đối tượng này thường tìm mọi cách để chui sâu, leo cao, tạo “vây cánh” trong bộ máy của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị-xã hội, dần hình thành các “nhóm lợi ích”. Nhóm này tuy chưa nguy hiểm bằng nhóm thứ nhất nhưng cũng phải luôn cảnh giác, phát hiện và loại trừ, bởi nó chính là nguyên nhân làm mất uy tín của Đảng và làm suy thoái tư tưởng chính trị của cán bộ, đảng viên.

Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc tổng kết công tác tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, đánh giá về công tác tổ chức đại hội đảng các cấp, về cơ bản chúng ta đã tổ chức thành công; dân chủ, công tâm, khách quan, công khai, minh bạch, chặt chẽ, đúng nguyên tắc, quy trình, quy định, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng được phát huy. Tuy nhiên, cá biệt có nơi chuẩn bị nhân sự chưa thật kỹ, còn có biểu hiện cục bộ địa phương, vẫn có tình trạng bố trí người nhà, người thân chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện, uy tín tham gia cấp ủy. Đây là những dấu hiệu dẫn đến nguy cơ của hiện tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “tham lam quyền lực”.

“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” dù diễn ra theo hình thức nào thì nó cũng gây ra những hệ lụy đặc biệt nguy hiểm. Nó như một thứ cỏ dại rất dễ nảy mầm, lây lan và cản trở công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; trở thành vật cản trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước. Nếu không kịp thời phát hiện và mạnh tay loại trừ thì nó sẽ lấn át, thậm chí là hủy hoại danh tiếng của Đảng, làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào sức sống của chủ nghĩa cộng sản.

TRẦN ANH TÚ/QĐND