LỢI DỤNG VẤN ĐỀ DÂN TỘC KHMER CHỐNG PHÁ CÁCH MẠNG NƯỚC TA: THỦ ĐOẠN CỰC KỲ NGUY HIỂM!
Trong những năm qua, vấn đề dân tộc, tôn giáo là một trong những “mảnh đất màu mỡ” thường xuyên bị các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá. Trong đó, có vấn đề dân tộc Khmer. Mới đây, các trang mạng xã hội của tổ chức và một số cá nhân thuộc “Liên đoàn Khmers Kampuchea-Krom” (KKK) đồng loạt đưa tin về cuộc họp của “Ban chuyên gia Liên hợp quốc về quyền con người, dân tộc bản địa” (EMRIP) tại Thụy Sĩ, trong đó, yêu cầu: “chính quyền Việt Nam không được bắt người dân tộc Khmer đi lính, sử dụng đất người Khmer xây doanh trại quân đội”. Đây là thủ đoạn hết sức nguy hiểm! Vì sao lại nói như vậy?
Việt Nam là một quốc gia thống nhất có 54 dân tộc anh em cùng sinh sống, đoàn kết, hòa thuận trong suốt quá trình lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Ở Việt Nam, quyền con người, quyền công dân là quyền của tất cả nhân dân Việt Nam, không phân biệt họ là dân tộc thiểu số hay đa số. Quyền con người thuộc mọi dân tộc thống nhất giữa quyền cá nhân và quyền tập thể cộng đồng dân tộc được đặt chung trong quyền của quốc gia – dân tộc. Điều 5, Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “1. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. 2. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. 3. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. 4. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước.”
Với cộng đồng dân tộc Khmer, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, ban hành, triển khai nhiều chủ trương, chính sách, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đồng bào Khmer, làm cho cuộc sống của người Khmer từng bước đổi thay, khởi sắc, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc (như: Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 25/10/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và công tác đảm bảo an ninh vùng chiến lược Tây Nam Bộ; Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 20/1/2003 của Bộ Chính trị khóa IX; Kết luận số 28-KL/TW ngày 14/8/2012 của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2001-2020; Chỉ thị số 19-CT/TW, ngày 10/01/2018 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới; Nghị quyết số: 120/NQ-CP, ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu…)
Có thể khẳng định người Khmer là một bộ phận không thể tách rời trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Mỗi người Khmer là một công dân Việt Nam và mỗi tấc đất mà người Khmer đang sống đều là của đất nước Việt Nam. Chính vì vậy mà quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ với đất nước, Tổ quốc của người Khmer là bình đẳng với những công dân của đất nước Việt Nam thuộc các dân tộc khác nhau. Bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ thiêng liêng, cao quý nhất của mỗi công dân, không loại trừ người Khmer. Lên đường làm nghĩa vụ quân sự không chỉ là nghĩa vụ, trách nhiệm, mà trên hết đó còn là niềm tự hào của thanh niên Việt Nam, bao gồm cả những thanh niên người Khmer, để góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, giữ gìn bản sắc, truyền thống dân tộc, hội nhập quốc tế, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đặt ra.
Nói về quyền sở hữu đất, việc thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh… Điều 13 Luật đất đai (sửa đổi) dự kiến được thông qua vào tháng 10/2023 quy định “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.”, Điều 14 quy định cụ thể Quyền của Nhà nước là đại diện chủ sở hữu về đất đai bao gồm: Quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để phân bổ và khoanh vùng đất đai cho các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu… Quyết định trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết và cấp bách để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai. Điều 77 quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, trong đó có trường hợp làm nơi đóng quân, trụ sở làm việc; làm căn cứ quân sự…
Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Mọi công dân đều sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật và có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội. Việc “Liên đoàn Khmers Kampuchea-Krom” cố tình đưa ra những yêu cầu vô lý, hòng gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phá hoại sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta là hành vi không thể chấp nhận được, cần phải bị vạch trần!
M.A.