Lợi dụng vấn đề ngôn ngữ để chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc
Gần đây tại các khu vực có đồng bào dân tộc thiểu số, một số đối tượng xấu thường xuyên lợi dụng vấn đề ngôn ngữ các dân tộc thiểu số để tung tin giả, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, kích động sắc tộc, chia rẽ vùng, miền, gây mất ổn định trật tự-an toàn xã hội… Vì vậy chúng ta cần hết sức cảnh giác, nhận diện rõ vấn đề này một cách kịp thời và đưa ra phương pháp đấu tranh, phòng chống hiệu quả…
Thời gian qua, bên cạnh việc bịa đặt, vu khống về tình hình tôn giáo và nhân quyền ở Việt Nam để chống phá Đảng, Nhà nước ta, một số cá nhân, tổ chức phản động, cực đoan, thiếu thiện chí còn thường xuyên lợi dụng và đẩy mạnh việc chính trị hóa, quốc tế hóa các vấn đề dân tộc nhằm tạo cớ gây sức ép và can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.
Trong đó chúng lợi dụng những bất cập trong vấn đề bảo tồn và phát triển ngôn ngữ của các tộc người ở một vài địa phương, kêu gọi việc cần phải tổ chức hội thảo quốc tế về người dân tộc thiểu số nhằm khơi gợi, kích động tư tưởng dân tộc chủ nghĩa và ly khai tự trị ở một số tộc người. Nhiều nội dung xuyên tạc đã được chúng đăng tải trên một số tạp chí hải ngoại, mạng xã hội để kêu gọi dư luận quốc tế “lên tiếng” về vấn đề người dân tộc thiểu số tại Việt Nam.
Chẳng hạn, các đối tượng phản động đã đứng ra thành lập những hội nhóm trái pháp luật với khẩu hiệu “bảo tồn và phát triển lịch sử, tôn giáo và văn hóa người Khmer” nhưng thực chất hoạt động chủ yếu là tuyên truyền, xuyên tạc, chia rẽ đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ với người Kinh, bôi nhọ, hạ thấp uy tín những chức sắc, sư sãi yêu nước, tiến bộ, từ đó kích động ly khai, kêu gọi người dân tham gia đấu tranh thành lập cái gọi là “Nhà nước Khmer Krôm”…
Hay thông qua các chương trình về tiếng nói và chữ viết của người dân tộc thiểu số tại khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên, một số đối tượng chống đối đã thực hiện thủ đoạn “diễn biến hòa bình” bằng việc bóp méo, xuyên tạc tình hình bảo tồn văn hóa của người dân tộc; xuyên tạc những vấn đề lịch sử để chia rẽ người dân tộc với người Kinh. Thâm độc hơn, chúng còn thường xuyên dùng các thủ đoạn mua chuộc, lôi kéo người có uy tín trong đồng bào dân tộc để qua đó tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước bằng chính tiếng nói của họ.
Đặc biệt, một số đối tượng được hậu thuẫn bởi các tổ chức phản động ở nước ngoài đã sử dụng các đài phát thanh bằng tiếng dân tộc ở hải ngoại, in ấn phát hành các văn hóa phẩm bằng ngôn ngữ, chữ viết của các dân tộc nhằm truyền đạo và lan truyền thông tin chống đối Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Chúng khai thác các hiện tượng riêng lẻ về vấn đề dân tộc như tiếng nói, chữ viết hay bảo tồn văn hóa của các tộc người thiểu số rồi thổi phồng lên thành mâu thuẫn dân tộc và kêu gọi cần phải có biện pháp “bảo vệ quyền con người”, “bảo vệ quyền của người dân tộc thiểu số”… để kích động, dẫn dắt một số người nhẹ dạ, cả tin hoặc thiếu hiểu biết.
Thực tế, từ khi thành lập nước đến nay, chính sách về bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số của Đảng, Nhà nước luôn nhất quán trong công tác chỉ đạo và thực hiện. Tại Điều 15, Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (năm 1946) nêu rõ: “Ở các trường sơ học địa phương, quốc dân thiểu số có quyền học bằng tiếng của mình. Học trò nghèo được Chính phủ giúp”.
Điều này được khẳng định trong Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 cũng như nhiều văn bản pháp luật của Quốc hội và Chính phủ. Tại khoản 3 Điều 5 Hiến pháp năm 2013 quy định “Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình”.
Năm 1980, Hội đồng Bộ trưởng đưa ra chủ trương đối với chữ viết của các dân tộc thiểu số trong Quyết định số 53-CP ngày 22/2/1980, trong đó xác định: “Tiếng nói và chữ viết của mỗi dân tộc thiểu số ở Việt Nam vừa là vốn quý của các dân tộc đó, vừa là tài sản văn hóa chung của cả nước. Ở các vùng dân tộc thiểu số, tiếng và chữ dân tộc được dùng đồng thời với tiếng và chữ phổ thông”. Luật Phổ cập giáo dục tiểu học năm 1991 cũng quy định rõ các dân tộc thiểu số có quyền sử dụng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình cùng với tiếng Việt để thực hiện giáo dục tiểu học.
Trong Luật Giáo dục được ban hành sau đó vào các năm 1998 và 2019 đều khẳng định Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để người dân tộc thiểu số được học tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình, qua đó phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc, góp phần tạo ra giá trị văn hóa đa màu sắc của dân tộc Việt Nam.
Hiệu quả của các chính sách trên đã phát huy trên thực tế. Nếu như trước đây, chỉ có một số dân tộc như Chăm, Khmer,… có sẵn tiếng nói và chữ viết riêng, còn lại hầu hết các dân tộc thiểu số khác chỉ có tiếng nói mà chưa có chữ viết riêng của mình thì đến nay việc La-tinh hóa cách phát âm ngôn ngữ của một số dân tộc chỉ có tiếng nói, không có chữ viết như H’Mông, Ê Đê, Jrai… và hệ thống hóa ký tự của người Tày, Dao, Thái… đã được triển khai. Qua đó, các tiếng nói của đồng bào dân tộc thiểu số được bảo tồn và truyền lại cho thế hệ mai sau.
Số liệu thống kê cho thấy, đến năm 2020, tại Việt Nam, hơn 90% hộ gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nghe các chương trình Đài Tiếng nói Việt Nam và trên 80% số hộ được xem truyền hình. Các chương trình phát thanh và kênh truyền hình từ trung ương đến địa phương được phát sóng với 26 thứ tiếng dân tộc đã đến được với bản làng xa xôi.
Chỉ tính riêng Đài Tiếng nói Việt Nam đã có 6 chương trình tiếng Việt chuyên sâu về đề tài dân tộc thiểu số; 13 chương trình phát thanh bằng tiếng dân tộc thiểu số phủ sóng tại các vùng tập trung đông đồng bào dân tộc ít người tại Tây Bắc, Đông Bắc, miền trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ; hơn 400 chương trình phát thanh (giai đoạn từ 2011-2021) để tuyên truyền cho đồng bào dân tộc thiểu số về Chương trình 135, cải thiện sinh kế, nâng cao nhận thức của đồng bào về vấn đề quyền con người…
Hiện nay, cả nước đã có 30 tỉnh triển khai với 700 trường học tiếng dân tộc thiểu số; phát hành 8 chương trình tiếng dân tộc (Chăm, Khmer, Jrai, Bahnar, Ê Đê, H’Mông, M’Nông, Thái); và 6 bộ sách giáo khoa tiếng dân tộc (Chăm, Khmer, Jrai, Bahnar, H’Mông, Ê Đê); 23 tỉnh, thành phố thực hiện dạy học tiếng dân tộc trong trường phổ thông… Trong đó, nổi bật là việc dạy tiếng Khmer (có khoảng 1,3 triệu người Khmer, chiếm 7% dân số). Việc truyền bá thông tin bằng tiếng dân tộc, đưa tiếng dân tộc vào chương trình giáo dục vừa giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số duy trì nét văn hóa của mình, vừa bảo đảm sự bình đẳng trong việc hưởng thụ các giá trị văn hóa và giáo dục.
Bên cạnh đó, phong trào “cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc, cùng nói tiếng dân tộc” được triển khai rộng rãi. Điều 21 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ban hành năm 2009 đề ra yêu cầu: “Dạy tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo yêu cầu công việc”.
Thực tế cho thấy việc hiểu được ngôn ngữ, tiếng nói của người dân tộc thiểu số vừa giúp cho công tác phát hiện, nắm tình hình địa bàn, kịp thời đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực, góp phần giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội; vừa hỗ trợ công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động để đồng bào dân tộc thiểu số hiểu đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về dân tộc, tôn giáo trong tình hình mới.
Ngoài ra, để bảo đảm quyền của người dân tộc thiểu số được sử dụng tiếng nói của mình khi tham gia tố tụng, pháp luật Việt Nam quy định về việc cho phép người tham gia tố tụng dân sự, hình sự và hành chính có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình. Theo đó trong các trường hợp cần thiết, Tòa án sẽ mời người phiên dịch đến để hỗ trợ. Quy định này vừa mang ý nghĩa chính trị-xã hội, thể hiện sự bình đẳng giữa các dân tộc, vừa bảo đảm công tác xét xử được chính xác, minh bạch.
Thời gian tới, để tiếp tục phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với việc lợi dụng vấn đề dân tộc thực hiện âm mưu chống phá của các tổ chức, đối tượng phản động, thù địch, mỗi người dân chúng ta cần không ngừng tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.
Bên cạnh việc chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, các cấp ủy đảng và chính quyền cần tập trung xây dựng và bảo đảm đội ngũ cán bộ công tác tại các vùng có đồng bào dân tộc thiểu số am hiểu ngôn ngữ, tiếng nói và văn hóa của đồng bào, từ đó góp phần tạo sự đồng thuận, niềm tin của người dân.
Chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền đường đối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vấn đề dân tộc, không để đồng bào bị các đối tượng xấu lôi kéo, lợi dụng và kích động. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện chính sách dân tộc, từng bước nâng cao đời sống kinh tế, thu hẹp khoảng cách phát triển vùng, miền; đồng thời thực hiện hiệu quả nhiệm vụ bảo tồn, phát triển văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số.