Tung tin giả – Đừng đùa với Luật An ninh mạng
Tin giả có thể núp bóng dưới nhiều hình thức khác nhau như những dòng trạng thái bàn chuyện ô nhiễm tại một địa phương nhưng lại dùng hình ảnh tận bên kia địa cầu, xảy ra từ lâu trong quá khứ hay một bức hình của quan chức cao cấp bị gắn với một phát ngôn gây sốc, mọi người chia sẻ và bình luận mà không quan tâm xem nội dung đó có bị xuyên tạc hay không. Tạo dựng clip, cắt ghép thông tin không có thật, dùng công nghệ để phát tán nhanh, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Đó là những cách mà các đối tượng đang sử dụng để lan truyền những thông tin giả hiện nay trên mạng Internet.
Hiệu ứng đám đông là những gì chúng ta vẫn nhắc đến khi hàng loạt những thông tin xuất hiện liên tục trên mạng xã hội. Và nếu đó là một thông tin giả có thể dẫn tới tiêu cực của hàng loạt vấn đề như kinh tế, xã hội, tạo dư luận xấu… thậm chí, tin giả có thể cướp đi cả tính mạng của một con người khi đăng tải thông tin sai sự thật lên mạng. Thông tin giả, thế nhưng hậu quả thật sự của tin giả là hiện hữu.
Ngoài việc tung tin giả, nhiều đối tượng còn lợi dụng mạng xã hội để đăng tin xuyên tạc, bịa đặt, vu khống chống lại Đảng, Nhà nước. Cơ quan chức năng đã phát hiện 250 trang mạng, blog, gần 500 tài khoản Facebook, 50 kênh Youtube có hành vi này. Hiện Việt Nam đứng trong nhóm 10 quốc gia có nhiều người dùng mạng xã hội nhất thế giới, chính vì vậy, tốc độ lan truyền của những những thông tin không được kiểm chứng sẽ rất nhanh chóng chỉ với một cú click chuột.
Thời gian qua, các cơ quan quản lí nhà nước đã tăng cường rà soát, kiểm tra, ngăn chặn tình trạng thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, xử lý nghiêm các đối tượng đưa tin xấu, độc, xuyên tạc sự thật, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước.
Theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, Google thời gian qua đã ngăn chặn, gỡ bỏ được gần 4.500 video clip xấu độc trên trang Youtube theo yêu cầu của Bộ. Facebook cũng gỡ bỏ khoảng 3.000 đường link có nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam. Nhiều đối tượng tung tin giả mạo, xuyên tạc bịa đặt đã bị xử lý theo các quy định của pháp luật. Tung tin giả nhưng sẽ bị phạt thật và sẽ có biện pháp để tìm ra tên tuổi cụ thể những người tung tin giả. Đây sẽ là lời cảnh báo cho không ít đối tượng đã, đang và sẽ thực hiện các hành vi sai trái này.
Tin giả tấn công cộng đồng đang ngày càng báo động, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có những biện pháp quyết liệt, mạnh tay hơn nữa với các nhà cung cấp dịch vụ và những đối tượng xấu. Còn người dùng mạng xã hội cũng cần phải có kỹ năng để tạo cảnh giác và ý thức trách nhiệm cao với mỗi hoạt động của mình, trên tinh thần “thượng tôn pháp luật”, phù hợp với chuẩn mực đạo đức và văn hóa ứng xử, tránh bị cả tin, lôi kéo và mắc bẫy các đối tượng xấu.
Việc phát tán thông tin giả, mạo danh là hành vi vi phạm pháp luật. Hiện Việt Nam đã có hành lang pháp lý cho hành vi phát tán tin giả, được quy định trong Nghị định 174/2013/NĐ-CP và Bộ Luật Hình sự, cụ thể:
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người có hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác; hoặc hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm quảng cáo, tuyên truyền hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục cấm;
– Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với người có hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin, dịch vụ có nội dung cờ bạc, lô đề hoặc phục vụ chơi cờ bạc, lô đề; dâm ô đồi trụy, mê tín dị đoan, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc;
Ngoài ra, còn bị đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ nội dung qua tin nhắn từ 01 tháng đến 03 tháng và buộc phải hoàn trả hoặc buộc thu hồi số lợi bất hợp pháp có được, thu hồi đầu số, kho số viễn thông.
– Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số để tuyên truyền sai trái, không đúng sự thật về chủ quyền lãnh thổ quốc gia Việt Nam.
* Tùy tính chất, mức độ nguy hiểm và hậu quả của hành vi mà người tung tin đồn thất thiệt lên các trang mạng xã hội như là Facebook, Zalo, Twitter, Instagram,… có thể bị xử lý hình sự về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông được quy định tại Điều 288 Bộ luật hình sự 2015.
Theo đó, người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông.
Tùy vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mà người phạm tội trên có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 07 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
TH