Không làm gương cho con cháu, sao còn bẻ lái ngược đường
Trong một số vụ việc gần đây, các đối tượng cố tình gán ghép các chữ “nhà yêu nước”, “đấu tranh vì tự do, dân chủ” để vu cáo “bị bắt vì bày tỏ lòng yêu nước”! Các thông tin này xâu chuỗi một số đối tượng phạm pháp bị bắt gần đây rồi xuyên tạc rằng đang có đợt trấn áp, bắt người “bất đồng chính kiến” trước Đại hội Đảng, từ đó suy diễn những vấn đề này có liên quan đến “đấu đá chính trị trước đại hội”…
Ngày 24-5, cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam” do Phạm Chí Dũng cầm đầu.
Trước đó, ngày 18-5-2020, Cơ quan ANĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với Nguyễn Tường Thụy.
Bị can Nguyễn Tường Thụy (SN 1950, tại Nam Định; trú tại phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) bị bắt về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam”, quy định tại Điều 117, Bộ luật Hình sự. Các quyết định, lệnh trên đã được Viện KSND TP Hồ Chí Minh phê chuẩn.
Ngày 23-5, Cơ quan ANĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam và khám xét nơi ở đối với Nguyễn Tường Thụy. Quá trình bắt, khám xét đã được tiến hành theo đúng quy định pháp luật và thu giữ nhiều tài liệu, vật chứng có liên quan đến hành vi phạm tội phục vụ công tác điều tra vụ án.
Trước khi cơ quan ANĐT có thông tin chính thức, trên một số trang mạng ngoài nước và facebook của các đối tượng chống phá trong nước đã ngay lập tức lan truyền những thông tin thất thiệt, bóp méo bản chất sự việc. Một số đối tượng đến khu vực nhà riêng bị can, quay clip để các trang mạng nước ngoài “tường thuật trực tiếp”, phỏng vấn người nhà, người “chứng kiến” với nội dung vu cáo chính quyền, Công an “tra tấn”, “bắt người vô cớ”…
Những clip, bài viết này nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội, gây nhiễu thông tin. Các trang mạng thù địch ngoài nước giật những tít như “Nhà báo độc lập Nguyễn Tường Thụy bị bắt trong đợt trấn áp của Công an”, nói rằng nhà báo Thụy bất ngờ “bị trấn áp” trong hoàn cảnh nhà báo và gia đình không hay biết vì sao bị bắt. Thậm chí, những bài viết này còn đôn thêm các câu từ gây sốc cho người đọc như: “Bị tra tấn dã man”, “bị xốc nách đi mà không cần lệnh, không cần biên bản”…
Cũng như một số vụ việc gần đây, các đối tượng cố tình gán ghép các chữ “nhà yêu nước”, “đấu tranh vì tự do, dân chủ” để vu cáo “bị bắt vì bày tỏ lòng yêu nước”! Các thông tin này xâu chuỗi một số đối tượng phạm pháp bị bắt gần đây rồi xuyên tạc rằng đang có đợt trấn áp, bắt người “bất đồng chính kiến” trước Đại hội Đảng, từ đó suy diễn những vấn đề này có liên quan đến “đấu đá chính trị trước đại hội”.
Mục đích những bài viết nhằm đánh vào tâm lý người đọc, nếu không tra cứu nguồn cẩn thận, dễ bị hiểu lệch lạc thành cơ quan Công an vô cớ bắt người, không lệnh, không lý do, từ đó kích động tâm lý chống đối, nhằm vào cơ quan Đảng, chính quyền và Công an. Đây là những kiểu thông tin bóc vỏ thay ruột, biến việc làm bình thường theo tố tụng hình sự của cơ quan điều tra thành những kiểu “đàn áp”, “vây ráp”, hô hào nhân quyền, dân chủ.
Thực ra, thủ đoạn đánh lận bản chất để vu cáo nói trên là chiêu bài truyền thống của các thế lực xấu nhưng khi gắn với một đối tượng, một vụ việc cụ thể, các đối tượng lại tung hoả mù theo chiến dịch, tạo thành làn sóng gây nhiễu thông tin hết sức nguy hiểm. Chúng ta biết rằng, ngay cả những công dân trong nước nếu đọc thông tin trên mà thiếu tỉnh táo, thiếu kiểm chứng còn có thể bị dụ lạc thì người nước ngoài, nếu chỉ tiếp cận tin một chiều của các thế lực chống phá sẽ hiểu sai lệch như thế nào. Do đó, trong bối cảnh mạng internet “thế giới trong lòng bàn tay”, việc thông tin đúng, đọc đúng, hiểu đúng là vấn đề rất quan trọng.
Trong vụ việc này cần thấy rõ:
Thứ nhất, không có chuyện cơ quan ANĐT vô cớ bắt giam, không lệnh, không biên bản, kiểu hỏa mù “bắt bất chấp” như luận điệu các đối tượng tung lên. Cơ quan ANĐT đã thông tin rõ: Bị can Nguyễn Tường Thụy bị bắt về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam”, quy định tại Điều 117, Bộ luật Hình sự.
Về thủ tục tố tụng, các quyết định, lệnh trên đã được Viện KSND TP Hồ Chí Minh phê chuẩn. Quá trình bắt, khám xét đã được tiến hành theo đúng quy định pháp luật và đã thu giữ nhiều tài liệu, vật chứng có liên quan đến hành vi phạm tội phục vụ công tác điều tra vụ án. Như vậy, không hề có việc mập mờ, bắt giữ vô cớ như các trang mạng xấu rêu rao.
Thứ hai, về bản chất vụ án, cơ quan ANĐT đã nêu rõ, việc bắt bị can để tạm giam về tội danh quy định tại Điều 117, Bộ luật Hình sự. Nội dung cụ thể như thế nào còn phải qua quá trình điều tra, làm rõ. Tuy nhiên, căn cứ các tài liệu thu thập được đã có đủ cơ sở để khởi tố, bắt tạm giam bị can về tội danh trên theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Thứ ba, với người đọc trên mạng internet, ông Nguyễn Tường Thụy không phải là một cái tên xa lạ gì. Ông Thụy cùng những đối tượng như Phạm Thành, Trần Đức Thạch vốn là “người quen” trên các trang viết chống phá Nhà nước, nhân dân. Ông Nguyễn Tường Thụy tham gia vào tổ chức tự xưng là Hội Nhà báo Độc lập và giữ chức Phó Chủ tịch của hội này. Một số bài viết trên trang mạng chống phá đã liệt kê những người này để quy rằng “Có một vài điểm chung của 3 nhà yêu nước, các ông đều sinh năm 1952”, từ đó nại lý do “yêu nước” nên “hành động theo bản năng”.
Nhiều bài còn cổ suý với những câu từ xuyên tạc, xảo trá như: “Chính họ là những người hiểu hơn ai hết về chế độ cộng sản. Họ biết rõ ngày nào đất nước còn bị cai trị bởi một chế độ độc tài cộng sản thì người dân sẽ không bao giờ được hưởng các quyền căn bản của con người, và chủ quyền đất nước sẽ bị lâm nguy. Chính vì vậy mà họ đã hành động”…
Trên mạng, ông Thụy tung ra các bài viết, các luận điệu đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc, câu kết với các tổ chức chống phá bên ngoài, gây bất ổn cho xã hội. Trước đây, ông từng tự ứng cử tham gia đại biểu Quốc hội, tuy nhiên lai lịch của ông thì nhân dân địa phương không lạ.
Chính quyền địa phương nơi cư trú trước đây (xã Vĩnh Quỳnh) nhận xét vào lý lịch như sau:“UBND xã Vĩnh Quỳnh xác nhận: ông Nguyễn Tường Thụy có hộ khẩu thường trú tại xã Vĩnh Quỳnh. Trong thời gian sinh sống tại xã không tham gia sinh hoạt bất kỳ các tổ chức chính trị xã hội nào của xã. Bản thân ông Nguyễn Tường Thụy năm 2012 đã 2 lần bị Công an quận Hoàn Kiếm ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính mức phạt cảnh cáo, đồng thời có lời nói và việc làm không ủng hộ chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước”.
Thứ tư, với ông Nguyễn Tường Thụy, ở cái tuổi ông bà, chứng kiến những người cùng trang lứa cống hiến, hy sinh cho Tổ quốc, cho dân tộc này giữ được độc lập, hoà bình, lẽ ra hơn ai hết, ông phải là người hiểu phải làm gì cho phải đạo. Mới đây, tại lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, người xem buổi truyền hình trực tiếp thực sự xúc động trước phát biểu của ông Nguyễn Văn Đoàn, nguyên cận vệ Bác Hồ.
Ông Đoàn sinh năm 1947, hơn ông Thụy 5 tuổi. Ông Đoàn chia sẻ: “Những tháng năm cùng đồng đội được phục vụ, bảo vệ Bác Hồ, cũng là ngần ấy thời gian với những kỷ niệm thiêng liêng của tôi về Người, là những trang đẹp nhất, may mắn và hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi… Hơn nữa, là một trong số ít người may mắn được lựa chọn vào làm cảnh vệ cho Bác Hồ, tôi luôn tự nhủ mình phải không ngừng rèn luyện, xứng đáng với sự tin cậy của cấp trên, xứng đáng với Bác và xứng đáng với truyền thống của những người con cố đô nghìn năm văn hiến”.
Cùng một thế hệ như ông Đoàn, cũng ở mảnh đất kinh kỳ, trải qua những năm tháng gian nan thử thách của đất nước do chiến tranh, rồi thời kỳ bao cấp đói khổ, vậy mà ông Thụy lại tự chuyển hoá, rẽ ngược lối, ngược đường, chống lại sự nghiệp phát triển đất nước, chống lại chính những tâm huyết của những người từng đồng cam cộng khổ.
Chớ nên nguỵ biện, ông Thuỵ hay những người có tư tưởng, hành động như ông cần phải lấy gương ở chính cuộc sống, chính thực tiễn mà những lời tâm huyết trên của ông Nguyễn Văn Đoàn là minh chứng sống động.
Học hỏi đó, chứ đâu xa!
(CAND)