Một hiện tượng lệch chuẩn
Đối tượng có thành tích bất hảo, hoặc là tội phạm thay vì bị lên án, phê phán lại được tung hô trên mạng xã hội, trở thành người có “ảnh hưởng”, được quan tâm chào đón không khác gì một “thần tượng”…, đối với rất nhiều người tưởng chừng như khó hiểu và khó tin nhưng lại là một thực tế đang diễn ra hiện nay. Đáng nói, hiện tượng “sùng bái giang hồ mạng” xuất hiện thời gian gần đây đang gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng lệch chuẩn đạo đức, khủng hoảng giá trị sống của một bộ phận công chúng, đặc biệt là trong giới trẻ. Đã đến lúc không thể chậm trễ hơn, gia đình, nhà trường và toàn xã hội cần phải vào cuộc một cách tích cực để giải quyết, ngăn chặn tình trạng đáng lo ngại này.
Ngày 25-8 vừa qua tại TP Thái Bình, Hội đồng xét xử (HĐXX) phiên tòa sơ thẩm của TAND tỉnh Thái Bình đã ra phán quyết đối với bị cáo Nguyễn Xuân Đường (tức Đường “Nhuệ”) và các đồng phạm về tội cố ý gây thương tích (Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015). Tại phiên tòa, HĐXX khẳng định, hành vi của vợ chồng bị cáo Đường – Dương (Nguyễn Thị Dương, vợ Đường) và đồng phạm là nghiêm trọng vì trực tiếp xâm hại đến nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng của người khác, gây mất trật tự xã hội, khiến người bị hại và dư luận rất bức xúc, cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc đủ sức răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung trong xã hội. Trên cơ sở đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Đường 3 năm 6 tháng tù; bị cáo Dương 3 năm tù. Các bị cáo đồng phạm tùy theo mức độ phạm tội mà bị tuyên phạt từ 2 năm đến 3 năm tù.
Có thể thấy đây là vụ án có khung hình phạt thấp, nhưng lại thu hút sự quan tâm theo dõi của nhiều người. Một trong những nguyên nhân là bởi trước đó Đường “Nhuệ” và vợ khá nổi danh trên mạng xã hội. Cụ thể, Đường “Nhuệ” từng tham gia đóng một số phim về đề tài giang hồ được phát trên YouTube như “Chạm mặt giang hồ”, “Gã giang hồ”, “Luật lệ giang hồ”, “Tỷ phú đè đại gia”… Trong hầu hết các bộ phim có sự xuất hiện của Đường “Nhuệ”, người này thường vào vai đại ca xã hội đen, đại gia,… trượng nghĩa, hết lòng bảo vệ kẻ yếu thế.
Với chủ đề gây tò mò cho không ít người, nhất là giới trẻ cho nên dù chất lượng nghệ thuật yếu kém, nội dung thiếu thuyết phục, đôi chỗ ngô nghê, sống sượng nhưng các bộ phim này đều có lượng truy cập (view) rất lớn. Nhờ đó, Đường “Nhuệ” ngày càng nổi danh trên mạng xã hội như một trùm giang hồ có tầm ảnh hưởng. Nguyễn Thị Dương cũng tỏ ra không thua kém chồng, thể hiện qua việc thường xuyên truyền phát trực tiếp (livestream) chia sẻ trên mạng xã hội những màn gây náo loạn nơi công cộng, đấu khẩu, thách thức lực lượng chức năng, thậm chí đi hàng trăm cây số chỉ để dằn mặt người bình luận trên trang Facebook của mình. Bằng những cách thức gây hấn như thế, Đường – Dương “vụt sáng” trên nhiều trang mạng, được một số người tung hô như “thần tượng”. Ngay cả khi cơ quan chức năng vào cuộc, điều tra sai phạm của cặp vợ chồng này, không ít người vẫn cố bênh vực, bào chữa.
Sự việc nêu trên nhắc chúng ta nhớ đến các hiện tượng hàng loạt “giang hồ” nổi danh trên mạng bị sa lưới pháp luật thời gian gần đây. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2020 đến nay đã có tới ba “giang hồ mạng” được xếp vào hàng “có máu mặt” bị bắt. Đầu tiên phải kể tới Huấn “hoa hồng” (tên thật là Bùi Xuân Huấn). Sở hữu fanpage trên Facebook có tới hơn 9 nghìn người thích, gần 1,3 triệu người theo dõi, Huấn “hoa hồng” nổi lên như một tay giang hồ có đai đẳng với việc thường xuyên phô diễn hình ảnh, video ăn chơi, khoe của, ngông nghênh bất cần, xem thường pháp luật, thách thức cơ quan chức năng. Người này cũng có quan hệ mật thiết với các “giang hồ mạng” đình đám khác như Quang “Rambo”, Khá “Bảnh”. Khôi hài là trên trang fanpage của mình, Huấn tự xưng là diễn viên – nghệ sĩ và thường xuyên rao giảng đạo đức, khoe mác doanh nhân thành đạt. Đầu tháng 3-2020, Huấn “hoa hồng” bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy. Cuối tháng 4-2020, trên trang cá nhân Huấn “hoa hồng” livestream để giới thiệu hai “cuốn sách” của mình có tên là “Bí kíp kinh doanh online” và “Đệ nhất kiếm tiền”. Sau đó hai cuốn sách in lậu đã được Huấn rao bán công khai. Với hành vi này, Huấn bị cơ quan chức năng xử phạt 17,5 triệu đồng. Đáng chú ý, giữa tháng 5-2020, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hồ Chí Minh ra thông báo truy tìm Huấn “hoa hồng” để làm rõ những dấu hiệu vi phạm liên quan bán hàng đa cấp, kinh doanh trên mạng xã hội. Ngày 20-8 mới đây, Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) đã triệu tập Bùi Xuân Huấn vì có hành vi sử dụng tài khoản Facebook cá nhân, livestream vu khống cán bộ, công chức, thanh niên TP Hồ Chí Minh sử dụng ma túy. Đồng thời Huấn “hoa hồng” còn bị tố cáo về việc trong đoạn phim ca nhạc (MV) có tên “Muôn kiếp là anh em” đăng tải trên YouTube, Huấn quảng cáo cho một số trò chơi cờ bạc trực tuyến như: Go88, Debet.com, 789 Club… Từ những bằng chứng thu được cơ quan chức năng đã xử phạt Huấn “hoa hồng” 7,5 triệu đồng, theo Điều 101, Nghị định số 15 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Tương tự, Phú Lê (tức Lê Văn Phú) sở hữu kênh YouTube và trang Facebook có khá đông lượt người theo dõi. Nhiều đoạn phim (video clip) của Phú Lê đã thu hút được hàng triệu lượt view. Với vẻ ngoài bặm trợn, xăm trổ đầy mình, khi xuất hiện trên kênh YouTube cá nhân, Phú Lê không ngần ngại rao giảng nhân nghĩa, phô trương khả năng ca hát và đóng phim. Điểm chung trong nhiều sản phẩm “nghệ thuật” của Phú Lê như “Chạm mặt giang hồ”, “Đời là thế thôi”… là nội dung nhảm nhí, có tính bạo lực, kích động hành xử theo kiểu giang hồ. Để phô trương thanh thế, Phú Lê thu nạp dưới trướng một số đối tượng bất hảo làm đàn em, đồng thời không ngừng xây dựng hình ảnh về một giang hồ có số má. Không ít người, nhất là thanh thiếu niên vì thiếu hiểu biết, tò mò đã lập tức tung hô, coi y là “thần tượng”. Tuy nhiên mới đây, Phú Lê được xác định là kẻ chủ mưu, cầm đầu trong vụ án hành hung, gây thương tích cho người khác. Với mục đích “đòi lại lẽ phải” cho vợ, Phú Lê đã kêu gọi đàn em ở khắp nơi tìm “xử lý” Đào Chile – người có xích mích với Lã Thúy Kiều (vợ của Phú Lê). Ngày 9-8, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, đồng thời tạm giữ hình sự đối với Phú Lê và đàn em để điều tra. Trước đó, Phú Lê đã từng có hai tiền án: Năm 1997, bị TAND tỉnh Yên Bái xử 6 năm tù giam về tội “mua bán trái phép chất ma túy”; năm 2000, bị TAND tỉnh Yên Bái kết án 2 năm tù về tội “gây rối trật tự công cộng”.
Trước Đường “Nhuệ”, Huấn “hoa hồng” và Phú Lê, đã có nhiều “giang hồ” được tung hô trên mạng như: “thánh chửi” Dương Minh Tuyền, Quang “Rambo”, Khá “Bảnh”, Giang “Rồng”, Dũng “trọc”, Khánh Sky,… và nhiều người trong số đó đã sa lưới pháp luật. Hiện tượng đáng lo ngại này đặt ra những vấn đề cần phải suy nghĩ. Tại sao những đối tượng “xã hội đen” ngoài đời lại trở thành hiện tượng trên mạng xã hội, lợi dụng, mê hoặc được không ít người tin và nghe theo? Tại sao những video clip có nội dung nhảm nhí, đầy tính côn đồ của các đối tượng này lại thu hút hàng nghìn lượt người xem với các bình luận (comment) tung hô, cổ xúy như vậy? Năm 2019, nhiều phụ huynh không khỏi sốc khi chứng kiến cảnh Khá “Bảnh” lúc ra hầu tòa với tư cách một tội phạm lại được khá đông người trẻ reo hò, chào đón không kém gì một sao showbiz (giới giải trí). Chưa kể, trước đó điệu múa kiểu xòe quạt của Khá “Bảnh” được không ít thanh thiếu niên học theo, thậm chí không ngần ngại khoe khoang, tỏ vẻ hãnh diện. Rõ ràng đây là hiện tượng lệch chuẩn đáng báo động trong đời sống của giới trẻ. Thay vì hướng đến các giá trị có tính chuẩn mực, tích cực, một số thanh thiếu niên lại có chiều hướng đi vào việc tung hô, ủng hộ, cổ xúy những việc làm, lối sống phản cảm, đáng lên án, thậm chí coi những cá nhân có lối sống suy đồi, lệch lạc là “thần tượng”. Thay vì thưởng thức những sản phẩm nghệ thuật hướng tới Chân – Thiện – Mỹ, nhiều người đang dành sự quan tâm cho các bộ phim nhảm nhí, kích động bạo lực, vi phạm đạo đức xã hội, thách thức pháp luật đã phát trên mạng. Càng đáng sợ hơn khi từ tò mò, xem cho biết, không ít người trẻ đã nhiễm dần những thói hư, tật xấu, trở nên sùng bái, học theo cách sống như vậy. Có thể thấy ở đây, từ sự non nớt về nhận thức, một số thanh thiếu niên đang có nguy cơ bị đầu độc bởi các sản phẩm độc hại trên mạng, để rồi dễ bị dẫn đến nguy cơ phát triển lệch lạc về nhân cách. Theo nhiều chuyên gia, sự hào hứng của một bộ phận giới trẻ đối với “giang hồ mạng” cho thấy sự khủng hoảng giá trị sống của họ, nếu không kịp thời điều chỉnh sẽ gây ra những hiểm họa khó lường trong tương lai gần.
Có thể thấy thời gian qua trên các diễn đàn xã hội cũng như các phương tiện truyền thông đã có rất nhiều tiếng nói tích cực trong việc phê phán các hiện tượng, hành vi lệch chuẩn. Tuy nhiên việc nghiên cứu, làm rõ một cách sâu sát cũng như có hình thức xử lý, ngăn chặn kịp thời từ các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội lại chưa được chú trọng, thực hiện quyết liệt. Phần lớn vẫn chỉ trông chờ vào sự giáo dục từ phía nhà trường và bản thân từng gia đình. Trong khi đó, những nội dung thiếu lành mạnh vẫn xuất hiện hằng ngày, hằng giờ trên mạng xã hội, và lan truyền với tốc độ nhanh chóng đã kéo theo một lượng lớn người quan tâm theo dõi. Không ít đối tượng “xã hội đen” đã lợi dụng điều này để phát huy ảnh hưởng, cấu kết bè phái, trục lợi bất chính và ngày càng tác oai tác quái. Hậu quả nhãn tiền là không ít người trẻ đang mất phương hướng trong việc xác định giá trị sống đích thực, dễ a dua theo những lối sống lệch lạc. Chưa kể, ở lứa tuổi thanh thiếu niên dễ bị tác động bởi yếu tố bên ngoài, thích những thứ mới lạ, thích nổi loạn. Do đó cần được thường xuyên quan tâm, gần gũi, hướng đến những giá trị đích thực, biết phân biệt và tránh xa lối sống tiêu cực.
Giới trẻ ngày nay đang sống trong thời đại bùng nổ thông tin, kinh tế tri thức phát triển mạnh mẽ, giao lưu quốc tế ngày càng mở rộng, chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng cả mặt tích cực lẫn mặt tiêu cực từ môi trường kinh tế, xã hội. Trước thực trạng trên, hơn lúc nào hết chúng ta phải nâng cao nhận thức, tìm ra những biện pháp thích hợp để kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục, rèn luyện đạo đức, lối sống cho giới trẻ. Đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng cùng chăm lo giáo dục, rèn luyện đạo đức, lối sống cho giới trẻ, hình thành phẩm chất cao đẹp, khát vọng hoài bão lập thân, lập nghiệp, có ý thức cống hiến cho đất nước, xã hội. Đạo đức của từng con người nói riêng, của toàn xã hội nói chung sẽ được nâng cao nếu mỗi trụ cột nói trên làm tốt chức năng của mình.
Số liệu nghiên cứu thời gian qua cho thấy, ở Việt Nam chỉ số rối loạn tâm thần ở giới trẻ đang tăng (phổ biến là các bệnh trầm cảm, rối loạn lo âu, sợ cô đơn, tăng động giảm chú ý…). Khi các đối tượng thanh thiếu niên gặp các vấn đề về sức khỏe tinh thần cũng sẽ có nguy cơ dẫn đến sự lệch lạc trong nhận thức, hành vi. Do đó bên cạnh sự nỗ lực của gia đình, nhà trường thì sự vào cuộc của toàn xã hội cũng có vai trò hết sức quan trọng. Cộng đồng cần lên án lối sống, phong cách sống sa đọa, cực đoan, cổ xúy bạo lực và tệ nạn xã hội. Cần tích cực tuyên truyền những tấm gương người tốt việc tốt, lan rộng những điển hình tích cực trong đời sống, tạo môi trường lành mạnh cho trẻ phát huy khả năng và sở thích. Trên cơ sở đó sẽ giúp giới trẻ từng bước tự mình xây dựng các chuẩn mực đạo đức, kỹ năng sống tích cực, hướng đến những giá trị tốt đẹp, trở thành công dân có ích cho đất nước.