Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền chính trị trong học sinh, sinh viên
Để góp phần hình thành những thế hệ học sinh, sinh viên có nhân cách, lối sống đẹp, với các phẩm chất yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo, song song với việc trang bị, trao truyền tri thức, kinh nghiệm thì việc tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho họ được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng, hướng đến mục tiêu phát triển con người toàn diện để làm chủ vận mệnh, tương lai nước nhà.
Theo báo cáo của ngành giáo dục và Tổng cục Thống kê, năm 2020, tổng số sinh viên tại các cơ sở giáo dục đại học là 1.906 nghìn sinh viên; số học sinh năm học 2022 – 2023 của cả nước là gần 23 triệu học sinh. Dự báo con số này sẽ không ngừng gia tăng qua các năm.
Là lực lượng đông đảo chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu dân số của cả nước, học sinh, sinh viên sẽ là chủ nhân tương lai của nước nhà, có vai trò, sứ mệnh quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặt trọn niềm tin và kỳ vọng vào thế hệ trẻ sẽ làm rạng danh non sông, đất nước, trong Thư gửi các học sinh (1945) nhân ngày khai trường đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em. Trong Thư gửi các bạn Thanh niên (ngày 17-8-1947), Người nhấn mạnh: Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên.
Để góp phần giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ “vừa hồng, vừa chuyên”, kế tục xứng đáng truyền thống cha anh, đáp ứng tốt yêu cầu của thực tiễn, các cấp, các ngành, nhất là ngành giáo dục và đào tạo đã không ngừng quan tâm, đầu tư, chăm lo phát triển sự nghiệp “trồng người”. Những thay đổi về nội dung chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá; đổi mới tư duy lãnh đạo, quản trị nền giáo dục theo hướng hiện đại, lấy người học làm trung tâm, nhà trường là nền tảng, thầy cô là động lực, là người truyền cảm hứng, đã tạo những chuyển biến quan trọng, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên bên cạnh những điều kiện thuận lợi và kết quả đạt được thì việc giáo dục, đào tạo cũng như công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên những năm gần đây đứng trước những khó khăn, thách thức.
Học sinh, sinh viên là lứa tuổi đẹp nhất của đời người, lứa tuổi của những ước mơ, hoài bão, khát khao cống hiến. Tuy nhiên ở vào tuổi mới lớn, những suy nghĩ đầu đời còn non nớt, bồng bột, thiếu chín chắn, nhiều em hành động theo cảm tính, bản năng và đôi khi chạy theo tâm lí đám đông. Với nhiều sinh viên, việc thay đổi không gian, môi trường sống, từ làng quê, nông thôn ra thành thị; những tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, giao lưu hội nhập toàn cầu, nhịp sống đô thị, nhiều sinh viên phải đối diện nhiều vấn đề mới, phức tạp, đứng trước những lựa chọn, quyết định khó khăn. Một số em thiếu vốn sống, kinh nghiệm và khả năng thích ứng chậm đã rơi vào trạng thái bất an, hoang mang, lo lắng.
Bên cạnh những khó khăn của cuộc sống thực tại thì hiện nay trong xu thế phát triển, bùng nổ của các phương tiện truyền thông, internet, mạng xã hội, thiết bị di động, những vấn đề đặt ra trên không gian mạng cũng đã và đang chi phối lớn đến nhận thức, hành động của không ít học sinh, sinh viên.
Học sinh, sinh viên là nhóm đối tượng được sử dụng và tham gia mạng xã hội chiếm tỷ lệ lớn. Trên không gian mạng, bên cạnh những thông tin, tri thức tích cực, tiến bộ, đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin, phục vụ việc học tập, nghiên cứu, giải trí, thư giãn, kết nối, là sự xuất hiện của những thông tin, hình ảnh xấu độc, tiêu cực đang hàng ngày hàng giờ tấn công, tiêm nhiễm và lôi kéo học sinh, sinh viên tham gia vào các trào lưu, hội nhóm lạ mang màu sắc mê tín dị đoan, tà đạo nhưng lại được che đậy, núp bóng dưới những tên gọi mỹ miều, hấp dẫn. Đó là những tư tưởng cổ vũ cho lối sống hưởng thụ, đề cao vật chất, chạy theo hư danh, thích thể hiện mình mà xem nhẹ những giá trị đạo đức, truyền thống văn hóa dân tộc, cố tình tạo ra lối sống dị biệt. Một số học sinh, sinh viên vì những lí do cá nhân bị dụ dỗ bởi những lời đường mật, bị những kẻ xấu lôi kéo, sa vào tệ nạn xã hội…
Để khắc phục những “lỗ hổng” trong nhận thức chính trị, hình thành những con người mới xã hội chủ nghĩa, việc tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thế hệ trẻ là việc làm cần thiết, có ý nghĩa chiến lược, lâu dài, tạo cho họ “sức đề kháng” để chống lại cái xấu, cái xác, cái lạc hậu, chậm tiến, đồng thời biết bảo vệ lẽ phải, sự công bằng, hướng đến chân, thiện, mỹ.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính trị trong học sinh, sinh viên là một nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục và hệ thống chính trị nhằm cung cấp, trang bị một cách đầy đủ, kịp thời những thông tin, tri thức mang tính nền tảng, cơ bản về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về đường lối lãnh đạo của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước để thế hệ trẻ thấm nhuần sâu sắc lý tưởng cách mạng và con đường, mục tiêu mà Đảng, Nhà nước, Nhân dân kiên trì lựa chọn và quyết tâm thực hiện.
Việc nâng cao ý thức chính trị phải gắn liền với trách nhiệm, nghĩa vụ công dân. Mỗi học sinh, sinh viên thấy được bổn phận, trách nhiệm cá nhân với cội nguồn lịch sử, với truyền thống lịch sử cha anh, gắn bó mật thiết với cộng đồng, xã hội; xác định đúng đắn động cơ, mục tiêu trong học tập, nghiên cứu, không ngừng phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng để trở thành những công dân hữu ích cho xã hội.
Việc nâng cao ý thức chính trị cần được tiến hành thường xuyên, lâu dài qua những hình thức tuyên truyền, giáo dục đa dạng, sinh động, phù hợp với từng lứa tuổi, cấp học, tránh sự áp đặt, gượng ép. Nội dung tuyên truyền chính trị cần được lồng ghép một cách hài hòa, hợp lý trong nội dung chương trình đào tạo của một số môn học gần gũi như giáo dục công dân, lịch sử, ngữ văn ở cấp phổ thông, các chuyên ngành đào tạo chuyên sâu ở bậc đại học. Tổ chức tốt các đợt sinh hoạt, học tập chính trị tập trung, các phong trào văn hóa văn nghệ, các hội thi, các hoạt động xã hội thiện nguyện vì cộng đồng, từ đó khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, bồi đắp lý tưởng, đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ.
Phát huy tinh thần nêu gương sáng và sứ mệnh truyền cảm hứng của đội ngũ thầy cô giáo; vai trò xung kích của các cơ quan, hội đoàn, nhất là Đoàn Thanh niên trong việc tập hợp lực lượng, tổ chức các phong trào có ý nghĩa, thiết thực. Phát hiện, trọng dụng và bồi dưỡng nhân tài; tôn vinh và lan tỏa những tấm gương sáng, điển hình trong học tập, lao động, nghiên cứu khoa học, hoạt động xã hội; những hành động đẹp, dũng cảm; những việc làm tử tế, ý nghĩa của các em học sinh, sinh viên để nhân lên những giá trị tốt đẹp trong cộng đồng, xã hội.
Để giới thiệu trên 2 triệu đoàn viên ưu tú cho Đảng, trong đó đến năm 2025 ít nhất 850 nghìn và đến năm 2030 ít nhất 1 triệu đoàn viên ưu tú được kết nạp vào Đảng như mục tiêu Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021 – 2030” mà Chính phủ đề ra, việc quan tâm, phát hiện và bồi dưỡng “mầm xanh” cho Đảng là việc làm cần thiết, có ý nghĩa lớn. Được đứng trong hàng ngũ của Đảng khi còn là học sinh, sinh viên sẽ là động lực vô cùng lớn, tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để thế hệ trẻ không ngừng nỗ lực phấn đấu, tu dưỡng, cống hiến hết mình cho mục tiêu, lý tưởng cao đẹp của Đảng, đem hết sức mình để phụng sự Tổ quốc, nhân dân. Việc kết nạp Đảng cho học sinh, sinh viên trong bối cảnh hiện nay cần được đẩy mạnh, tăng cường hơn nữa về cả số lượng lẫn chất lượng trong các cơ sở giáo dục đào tạo. Các cấp ủy đảng, các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội cần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển Đảng trong học sinh, sinh viên, tạo niềm hứng khởi, lan tỏa những thông điệp tích cực trong đời sống văn hóa học đường.
Song song với nhiệm vụ xây dựng, kiến tạo môi trường văn hóa nhà trường thật sự trong sạch, lành mạnh, nhân văn, dân chủ, đề cao và tôn vinh truyền thống hiếu học, trọng hiền tài, tôn sư trọng đạo, các cơ sở giáo dục đào tạo cần trang bị cho học sinh, sinh viên những kỹ năng mềm trong việc xử lý các thông tin, tình huống phức tạp trên không gian mạng. Cung cấp cho họ những thông tin, tri thức pháp luật, các quy định của Nhà nước khi tham gia cung cấp, chia sẻ thông tin, hình ảnh trên các diễn đàn truyền thông, mạng xã hội; hình thành lối ứng xử văn hóa, văn minh khi tương tác, bình luận trước những vấn đề, sự kiện mang tính chính trị – lịch sử – xã hội. Chủ động, bình tĩnh, tỉnh táo và biết lựa chọn, phân loại thông tin; có tinh thần bảo vệ cái mới, cái tiến bộ, tích cực, đồng thời phê phán, đẩy lùi những thông tin xấu độc, tin giả, tin rác và những âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch.
Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho thế hệ trẻ là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài, quan trọng, đòi hỏi sự chung tay vào cuộc, sự quan tâm phối kết hợp của các cơ quan, bộ ngành; vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, các cơ quan truyền thông báo chí, xuất bản, các cơ quan, đơn vị chức năng cần tạo ra những sản phẩm, hoạt động văn hóa phong phú, đa dạng, có chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, thị hiếu thẩm mỹ của học sinh, sinh viên. Đồng thời có cơ chế kiểm soát, thẩm định tốt thông tin và những xuất bản phẩm văn hóa, nhất là những ấn phẩm nhập khẩu từ nước ngoài. Phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh những hành vi vi phạm, đảm bảo môi trường văn hóa lành mạnh, nhân văn, góp phần hình thành những con người mới để hiện thực khát vọng xây dựng quốc gia phồn vinh, hạnh phúc./.