Nền kinh tế Việt Nam đang đi đúng hướng (Tiếp theo và hết)
Hiện nay, các thế lực thù địch cố tình xuyên tạc, bóp méo, cho rằng nền kinh tế thị trường (KTTT) tại Việt Nam là một mô hình méo mó, “không giống ai”, đang thủ tiêu cạnh tranh khi Nhà nước vẫn o bế cho doanh nghiệp nhà nước, ngăn cản sự phát triển của kinh tế tư nhân (KTTN). Họ còn cho rằng khi xây dựng KTTT, Việt Nam thực chất đã chệch hướng, đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Thực tế xây dựng đất nước trong gần 35 năm đổi mới vừa qua và định hướng trong thời gian tới đã vạch trần những sự xuyên tạc, những nhận thức sai lầm nói trên.
Không hề có chuyện nợ định nghĩa
Đầu tiên cần phải giải thích cho một số ý kiến gần đây nêu ra: “Nền KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Việt Nam” là nền KTTT như thế nào? Liệu có hay không việc chưa có định nghĩa, nợ định nghĩa về KTTT định hướng XHCN?
Về vấn đề này, trong nhiều năm qua, Đảng ta liên tục hoàn thiện nhận thức về KTTT định hướng XHCN. Mới nhất, tại Nghị quyết số 11-NQ/TW về hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã nêu rõ: Nền KTTT định hướng XHCN mà nước ta xây dựng là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của KTTT, đồng thời bảo đảm định hướng XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước; là nền KTTT hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Nền KTTT định hướng XHCN Việt Nam có quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước (KTNN) giữ vai trò chủ đạo, KTTN là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Doanh nghiệp nhà nước giữ vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của KTNN. KTNN, kinh tế tập thể cùng với KTTN là nòng cốt để phát triển một nền kinh tế độc lập, tự chủ. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác, cạnh tranh cùng phát triển theo pháp luật.
Như vậy là định nghĩa đã khá rõ ràng, khá cụ thể, chứ không có chuyện mù mờ trong định nghĩa hay còn nợ định nghĩa. Tuy nhiên, KTTT định hướng XHCN là một mô hình mới, chưa có tiền lệ nên ngay trong Nghị quyết số 11-NQ/TW, Đảng ta xác định cần phải “vừa làm vừa tổng kết, rút kinh nghiệm để tiếp tục hoàn thiện”.
Nền kinh tế hội nhập, hiệu quả cao
Thực tế cho thấy, việc phát triển KTTT định hướng XHCN tại Việt Nam đã mang lại hiệu quả cao. Qua gần 35 năm đổi mới, đất nước ta đã phát triển nhanh chóng. Từ chỗ nghèo nàn, lạc hậu do hậu quả của thời kỳ là thuộc địa, nông nghiệp lúa nước là chủ đạo, bị chiến tranh tàn phá mấy chục năm và một phần do những sai lầm của cơ chế quản lý kinh tế tập trung, bao cấp, hiện nay kinh tế nước ta đã vươn lên thành một trong những nền kinh tế năng động hàng đầu khu vực, có độ mở lớn hàng đầu thế giới và cũng có tốc độ tăng trưởng nhanh hàng đầu thế giới. Đáng chú ý là ngay cả khi kinh tế thế giới gặp khó khăn, thậm chí suy thoái, thì kinh tế Việt Nam vẫn nằm trong tốp những nước tăng trưởng tốt nhất. Trong hai năm 2018, 2019, mặc dù kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nặng nề do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc nhưng kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng hơn 7%. Cũng vì thế, Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra nhận định: “Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng ở Việt Nam”. Hiện nay, khi kinh tế toàn cầu chao đảo vì Covid-19, các nền kinh tế nhìn chung đều suy thoái, tăng trưởng âm thì WB vẫn lạc quan dự báo kinh tế Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng đứng thứ 5 trên thế giới trong năm 2020 (tăng trưởng khoảng 2,8%) và có thể lên mức 6,8% trong năm 2021.
Nhờ những định hướng đúng đắn, sự chủ động, linh hoạt trong điều hành mà cơ hội phát triển cho nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn. Việt Nam đã tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, tham gia 13 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có những FTA thế hệ mới rất chất lượng với các khối kinh tế mạnh (các hiệp định CPTPP, EVFTA), nên thị trường của nền kinh tế Việt Nam được mở ra rất rộng lớn. Cả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đều coi Việt Nam là đối tác thương mại rất quan trọng ở châu Á-Thái Bình Dương. Các nhà đầu tư quốc tế đều thấy rằng Việt Nam là thị trường mới nổi hấp dẫn hàng đầu, là cánh cửa để vào nhiều thị trường lớn. Do đó, đang có một xu hướng dịch chuyển đầu tư quốc tế tới Việt Nam. Cũng vì sức đề kháng của nền kinh tế đã tốt hơn trước nhiều nên nhìn chung việc tham gia các FTA của Việt Nam đều đạt được hiệu quả tốt.
Tiếp thu tất cả thành tựu của kinh tế thị trường
Ý kiến cho rằng nền KTTT của Việt Nam không tôn trọng và không áp dụng các tính chất, quy luật khách quan của KTTT là ý kiến hoàn toàn sai lầm. Bởi tại Nghị quyết số 11-NQ/TW, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã khẳng định: “Hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN là quá trình phát triển liên tục; kế thừa có chọn lọc thành tựu phát triển KTTT của nhân loại và kinh nghiệm tổng kết từ thực tiễn đổi mới ở nước ta. Nhận thức đầy đủ, tôn trọng và vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan của KTTT, thông lệ quốc tế, đồng thời bảo đảm định hướng XHCN phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước trong từng giai đoạn”.
Theo công bố của Chính phủ, vào tháng 2-2020, đã có 71 nước công nhận Việt Nam là một nền KTTT. Đây là minh chứng cho thấy, nền KTTT định hướng XHCN mà Việt Nam đang xây dựng là theo thông lệ quốc tế. Trong các quy luật KTTT mà Việt Nam tiếp thu có các quy luật về cạnh tranh, về lợi nhuận. Để bảo đảm có một môi trường cạnh tranh công bằng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XII của Đảng, Trung ương Đảng đã thông qua đồng thời 3 nghị quyết. Đó là, cùng với việc có Nghị quyết số 11-NQ/TW về hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN, Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền KTTT định hướng XHCN, Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. 3 nghị quyết này đã thể hiện rõ quan điểm của Đảng về việc xây dựng một nền KTTT mang tính cạnh tranh cao, cạnh tranh công bằng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Doanh nghiệp tư nhân được khuyến khích phát triển, được sản xuất, kinh doanh ở tất cả lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Đồng thời, doanh nghiệp nhà nước được định hướng hoạt động theo cơ chế thị trường, lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu, cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp nhà nước tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư. Doanh nghiệp nhà nước được xác định “là một lực lượng vật chất quan trọng của KTNN, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội”.
Chúng ta có thể thấy hiện nay các doanh nghiệp tư nhân phát triển rất nhanh, trở thành các tập đoàn kinh tế có nguồn lực mạnh, như: Vingroup, Sun Group, Vietjet Air, THACO Trường Hải, Hòa Phát, FPT… Nhà nước rất khuyến khích sự phát triển lành mạnh, đúng pháp luật của các doanh nghiệp tư nhân. Tại hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 30-12-2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng rút ra các bài học để kinh tế Việt Nam phát triển tốt trong thời gian qua, một trong số đó chính là: “Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho KTTN phát triển, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, cùng với KTNN và kinh tế tập thể trở thành lực lượng nòng cốt để nâng cao năng lực nội sinh, tính tự chủ của nền kinh tế và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong phiên trả lời chất vấn tại Quốc hội ngày 8-11-2019 đã nhấn mạnh rằng: “Chúng ta không phân biệt KTTN, mà bình đẳng các thành phần kinh tế trong nền KTTT định hướng XHCN. Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện tốt nghị quyết của Đảng về phát triển KTTN trong thời gian tới”. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã nhiều lần tổ chức các cuộc gặp đối với các doanh nghiệp tư nhân để lắng nghe ý kiến, nguyện vọng, từ đó áp dụng ngay các chính sách phù hợp để thúc đẩy sự phát triển của KTTN. Việc không phân biệt KTTN còn thể hiện ở chỗ lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có chủ trương tặng thưởng huân chương đối với các lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân có nhiều đóng góp tích cực; ví dụ như doanh nhân Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn T&T đã được trao Huân chương Lao động hạng Nhất.
Như vậy, trong nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam hiện nay hoàn toàn không có sự kỳ thị, ngăn trở KTTN, mà ngược lại Đảng, Nhà nước ta còn đang khuyến khích KTTN phát triển, khuyến khích người dân làm giàu chính đáng, ích nước, lợi nhà. Theo công bố của Tạp chí Forbes ngày 7-4-2020, Việt Nam có 4 tỷ phú lọt vào danh sách các tỷ phú của thế giới, đó là: Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup, với tài sản 5,6 tỷ USD, đứng thứ 286 trên bảng xếp hạng; bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet Air, cổ đông sáng lập Sovico Holdings, với tài sản 2,1 tỷ USD; ông Trần Bá Dương, Chủ tịch THACO Trường Hải, với tài sản 1,5 tỷ USD và ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank, với tài sản 1 tỷ USD. Ngoài những người được vào danh sách tỷ phú của thế giới, các doanh nhân Việt Nam thành đạt, giàu có ngày càng nhiều, đời sống xã hội đi lên. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung năm 2011) nêu rõ 8 đặc trưng, trong đó đặc trưng số 1 của xã hội XHCN là “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Như thế, làm sao để “dân giàu” là một trong những mục tiêu hàng đầu của đất nước ta, của việc xây dựng nền KTTT định hướng XHCN.
Luôn bám sát định hướng XHCN
Tuy nhiên, việc phát triển nền KTTT tại Việt Nam phải mang định hướng XHCN để xây dựng CNXH, chứ đây không phải là một nền KTTT theo kiểu tư bản, để xây dựng chế độ tư bản chủ nghĩa. Trong nền KTTT mà chúng ta đang xây dựng, thì “định hướng xã hội chủ nghĩa” của nền kinh tế được nhất quán xác lập và tăng cường thông qua sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, lấy con người làm trung tâm, vì mọi người và do con người; phát huy đầy đủ vai trò làm chủ của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển. Gắn kết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, nền kinh tế của Việt Nam đã khắc phục được rất nhiều hạn chế của KTTT tự do. Kết quả phòng, chống dịch Covid-19 đã cho thấy rõ hiệu quả định hướng, điều hành của Nhà nước ta trong nền kinh tế-xã hội so với nhiều quốc gia khác.
Nền KTTT định hướng XHCN của Việt Nam là một nền kinh tế thượng tôn pháp luật. Những doanh nhân làm ăn đúng pháp luật, có nhiều người rất thành đạt như đã nêu ở trên. Nhưng những doanh nhân vi phạm pháp luật như Phạm Nhật Vũ (cựu Chủ tịch HĐQT AVG), Trầm Bê (cựu Phó chủ tịch HĐQT Sacombank)… những “đại ca” xã hội đen núp bóng doanh nhân như Đường “Nhuệ” ở Thái Bình đều bị xử lý nghiêm. Định hướng XHCN sẽ phải luôn bài trừ những biểu hiện sai phạm pháp luật và xã hội đen trong nền KTTT.
Hiện nay, nước ta không chỉ quan tâm đến tốc độ tăng trưởng kinh tế mà còn rất coi trọng chất lượng tăng trưởng, tăng trưởng theo chiều sâu, tăng trưởng bền vững. Động lực tăng trưởng kinh tế dần chuyển từ việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản thô sang các lĩnh vực kinh tế chất xám. Việt Nam đang đẩy mạnh theo hướng chọn lọc kỹ càng, chỉ đồng ý với những nhà đầu tư có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, quan tâm tới người lao động, còn doanh nghiệp có công nghệ lạc hậu, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường sẽ dần bị thải loại. Đó chính là tính chất của một nền KTTT định hướng XHCN, hướng tới tính bền vững, chứ không vì lợi nhuận trước mắt.
Hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị. Chúng ta đang xây dựng một nền KTTT tiếp thu tinh hoa của nhân loại, nhưng mang đậm bản sắc chính trị, văn hóa của Việt Nam, phù hợp với Việt Nam. Do vậy, không lạ lẫm khi nền KTTT mà chúng ta đang xây dựng không hoàn toàn giống nền KTTT của bất kỳ nước nào. Nền kinh tế của chúng ta vẫn còn những mặt hạn chế cần sớm khắc phục. Tuy nhiên, với những thành tựu đã đạt được và những triển vọng đang mở ra, có thể khẳng định việc Việt Nam xây dựng nền KTTT định hướng XHCN là hoàn toàn đúng đắn trên con đường đi lên CNXH.
HỒ QUANG PHƯƠNG/QĐND