Để thực hiện mục tiêu đó, chúng thường lợi dụng khó khăn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào tôn giáo, những tồn tại do lịch sử để lại và những khuyết điểm trong thực hiện các chính sách dân tộc, tôn giáo của một bộ phận cán bộ, đảng viên để kích động tư tưởng, tập hợp lực lượng chống đối. Mặt khác, ngay trong chính nội bộ ta đã xuất hiện những nhận thức lệch lạc về đường lối, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là “tư tưởng dân tộc hẹp hòi, tôn giáo cực đoan”. Một số người mang tư tưởng ấy đã bị các thế lực thù địch, phản động bên ngoài móc nối nhằm phá hoại đất nước ta. Đây thực sự là những nhân tố bên trong rất nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến khối đại đoàn kết dân tộc mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta dày công xây dựng.

Lịch sử dựng nước và giữ nước đã chứng tỏ sức mạnh tinh thần đại đoàn kết, ý thức độc lập, tự chủ của cư dân đất Việt. Đặc biệt trong thời đại Hồ Chí Minh, tinh thần đại đoàn kết dân tộc chính là cội nguồn sức mạnh để toàn Đảng, toàn dân ta vượt lên mọi gian khổ, hy sinh trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà. Đại đoàn kết dân tộc là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Đoàn kết là một lực lượng vô địch của chúng ta để khắc phục khó khăn, giành lấy thắng lợi”(1). Cũng chính Người đã tổng kết và khẳng định chân lý: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”(2). Tư tưởng ấy của Người đã trở thành tài sản tinh thần vô giá cho Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Vận dụng và phát huy sáng tạo tư tưởng của Người trong điều kiện hoàn cảnh mới, tại nhiều văn kiện, Đảng ta đã chỉ rõ vai trò, vị trí quan trọng của khối đại đoàn kết dân tộc. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Đại đoàn kết dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Ngăn chặn những nhân tố bên trong phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc
Đại đoàn kết dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. (Ảnh minh họa. Nguồn hanoimoi.com.vn)

Thế nhưng, các thế lực thù địch đâu dễ để ta yên. Chiêu trò kích động, chia rẽ, chống phá ta từ bên trong không phải bây giờ mới có. Ngay từ thuở bình minh dựng nước và giữ nước, khi không thể khuất phục nhân dân ta bằng quân sự trong các cuộc chiến tranh xâm lược, các thế lực ngoại bang đã lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin, lơ là, chủ quan, mất cảnh giác và thoái hóa, biến chất ở một số phần tử trong nước để móc nối, kích động, chia rẽ đoàn kết nội bộ, chống phá làm ta suy yếu từ bên trong. Ngày nay, trong điều kiện, hoàn cảnh mới, trong khi chúng ta luôn trân trọng giữ gìn và phát huy giá trị của tài sản tinh thần vô giá ấy thì các thế lực thù địch, phản động lại mưu toan thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” bằng tổng hợp các phương thức, thủ đoạn để chống phá ta, trong đó móc nối với những người có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc là một âm mưu, thủ đoạn rất nguy hiểm.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã chỉ rõ, một trong những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là: “Có tư tưởng dân tộc hẹp hòi, tôn giáo cực đoan”. Tư tưởng “dân tộc hẹp hòi, tôn giáo cực đoan” thực chất là tư tưởng khép kín, biệt lập; tạo sự ngờ vực, đố kỵ giữa dân tộc này, tôn giáo này với dân tộc khác, tôn giáo khác; chỉ nhấn mạnh đặc điểm riêng biệt, đề cao lợi ích của dân tộc mình, tôn giáo mình mà không thấy được lợi ích của dân tộc khác, tôn giáo khác và lợi ích đại cục của quốc gia; từ chỗ đề cao dân tộc mình, tôn giáo mình dẫn đến tư tưởng coi thường, tỏ thái độ miệt thị, xúc phạm các dân tộc khác, tôn giáo khác và những người không theo tôn giáo, làm nảy sinh và gia tăng mối hận thù giữa dân tộc mình, tôn giáo mình với các dân tộc, tôn giáo khác… Trong thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng và thúc đẩy, kích động tư tưởng “dân tộc hẹp hòi, tôn giáo cực đoan” là nhằm mục đích tạo dựng lực lượng phản động bên trong chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Dư luận đồng tình với cách đặt vấn đề của Ban Chấp hành Trung ương, bởi lẽ nhằm phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc ở Việt Nam, các thế lực thù địch thường lợi dụng vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, dân tộc, tôn giáo để gây chia rẽ nội bộ, chia rẽ giữa các dân tộc, giữa các tôn giáo, giữa dân tộc và tôn giáo, giữa các dân tộc, tôn giáo với Đảng và Nhà nước. Mặt khác, trên thực tế ở nước ta đã xảy ra những vụ lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để gây rối tại các khu vực nhạy cảm như: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Trong bối cảnh các thế lực thù địch đang triệt để khoét sâu vấn đề này thì sự xuất hiện thêm những nhân tố bên trong, tạo cơ hội cho việc kích động, gây chia rẽ nội bộ là hết sức nguy hại… Chính sự xuất hiện của tư tưởng dân tộc hẹp hòi, tôn giáo cực đoan là mầm mống dẫn đến sự ra đời của các tổ chức phản động ở trong nước để các lực lượng phản động bên ngoài móc nối, kết hợp “nội công, ngoại kích”. Thủ đoạn mà các thế lực thù địch thường tiến hành là: Lợi dụng một số thiếu sót trong giải quyết vấn đề đất đai của các cấp chính quyền để kích động đồng bào dân tộc, tôn giáo đòi đất sản xuất; lôi kéo, tập hợp một số phần tử xấu, lợi dụng sự thiếu hiểu biết về tôn giáo và chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta trong một bộ phận người theo đạo lôi kéo họ vào các hoạt động tôn giáo trái pháp luật, chống đối chính quyền; kích động tạo ra sự mâu thuẫn giữa các dân tộc, lừa bịp đồng bào dân tộc thiểu số dưới chiêu bài đòi đất đai, đòi tự trị… Cuộc tụ tập gây rối do cái gọi là “tổ chức người Thượng” tiến hành vào năm 2001 và 2004 ở các tỉnh Tây Nguyên theo đó là việc đòi thành lập “nhà nước Đề Ga” và cuộc tụ tập tại Mường Nhé (Điện Biên) đòi thành lập “vương quốc Mông” đã cho thấy rõ điều đó.

Đấu tranh có hiệu quả với tư tưởng dân tộc hẹp hòi, tôn giáo cực đoan là việc làm thiết thực nhằm góp phần đập tan âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo của các thế lực thù địch trong chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng Việt Nam. Để đấu tranh đúng đối tượng, đạt hiệu quả cao, chúng ta cần tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp. Trước hết, ngay trong sinh hoạt Đảng, thông qua tự phê bình và phê bình, từng đảng viên và tổ chức đảng cần khắc phục, xóa bỏ mọi suy nghĩ và việc làm mang dấu hiệu của tư tưởng dân tộc hẹp hòi, tôn giáo cực đoan. Cùng với thường xuyên xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chúng ta cần phát huy sức mạnh tổng hợp bằng sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng, các tổ chức đoàn thể từ Trung ương đến cơ sở trong việc kiểm tra, giám sát, phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm những biểu hiện của tư tưởng dân tộc hẹp hòi, tôn giáo cực đoan trong nội bộ; loại bỏ ngay những nguy cơ phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đấu tranh với mọi suy nghĩ và hành động phân biệt, kỳ thị với các dân tộc, tôn giáo…

Những việc làm cơ bản ấy là quan trọng, cần thiết nhưng có lẽ biện pháp căn cốt nhất vẫn là làm cho “cơ thể” chúng ta thêm mạnh, thêm cường tráng, có sức đề kháng cao hơn trước những chiêu trò chống phá của các thế lực thù địch. Núp dưới nhiều chiêu bài, vỏ bọc khác nhau, đặc biệt là chiêu bài “bảo vệ dân chủ, nhân quyền”, “bảo vệ tự do tôn giáo”, “bảo vệ quyền tự quyết của các dân tộc”, các thế lực thù địch thường tiến hành móc nối, mua chuộc, lôi kéo, khống chế, kích động, lợi dụng các phần tử cơ hội, có dấu hiệu bất mãn, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”… để đào tạo, nuôi dưỡng, làm tay sai hòng tạo dựng ra các tổ chức phản động chống phá Việt Nam ngay từ trong nước. Có thể nói đây là chiêu trò hết sức tinh vi, cực kỳ nguy hiểm. Nhưng nó sẽ bị vô hiệu hóa nếu mỗi tổ chức của chúng ta vững mạnh, nếu mỗi cán bộ, đảng viên và người dân chúng ta tỉnh táo, sáng suốt, có tinh thần cảnh giác cao, có sức đề kháng mạnh. Muốn vậy chúng ta phải thường xuyên đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, định hướng làm cho mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân, nhất là đồng bào vùng dân tộc thiểu số, đồng bào vùng tôn giáo, để mọi người hiểu đúng bản chất của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, tôn giáo cực đoan cũng như thấy rõ sự nguy hại của nó đối với mỗi dân tộc, mỗi tôn giáo và cộng đồng các dân tộc, tôn giáo Việt Nam. Mặt khác, thông qua tuyên truyền phải làm cho nhân dân nhận rõ âm mưu, thủ đoạn tinh vi, ý đồ đen tối sử dụng chiêu bài kích động chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, tôn giáo cực đoan nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta của các thế lực thù địch, phản động. Chỉ có hiểu đúng bản chất vấn đề, nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chúng ta mới có thể nêu cao tinh thần cảnh giác, mài sắc ý chí, quyết tâm, chủ động phát hiện, phòng ngừa và đấu tranh hiệu quả với những biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, tôn giáo cực đoan.

———————————

(1), (2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 13, trang 119, Nxb Chính trị Quốc gia-Sự Thật, Hà Nội, 2011

QĐND