Nhận diện căn bệnh “Tư duy nhiệm kỳ”

Thời gian gần đây, cụm từ “tư duy nhiệm kỳ” thường xuyên được nhắc đến trên các phương tiện thông tin đại chúng bởi những người cán bộ, đảng viên luôn đau đáu, trăn trở đối với sự phát triển bền vững của quê hương, đất nước. Vậy “tư duy nhiệm kỳ” là gì?

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

“Tư duy nhiệm kỳ” được hiểu là tư duy của tập thể, cá nhân theo thời hạn nhiệm kỳ (của tổ chức đảng, chính quyền, hội đồng nhân dân, đoàn thể quần chúng). Trong nhiệm kỳ đó (thường là 5 năm), tập thể, cá nhân vạch ra chương trình, kế hoạch hành động để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ được giao. Theo nghĩa này thì tư duy nhiệm kỳ không có gì xấu nhưng “tư duy nhiệm kỳ” được nhắc đến hiện nay là cách hiểu theo nghĩa tiêu cực như mua quan bán chức, bán quyền nhằm trục lợi; tranh thủ trục lợi trong khi đương chức, đương quyền, lộ liễu nhất là giai đoạn “hoàng hôn” nhiệm kỳ. Có thể nói, “tư duy nhiệm kỳ” được hiểu là lối suy nghĩ, hành động không đúng, nhằm theo đuổi mục tiêu, lợi ích trước mắt trong ngắn hạn để thu lợi nhiều nhất cả về vật chất và tinh thần cho bản thân, cho nhóm lợi ích hoặc cho tập thể mà bỏ qua những mục tiêu, lợi ích dài hạn, có thể gây ra những hệ lụy xấu cho tập thể, cộng đồng, đất nước. Có thể nhận diện người có “tư duy nhiệm kỳ” trên các biểu hiện sau đây:

Một là, thể hiện tầm nhìn ngắn hạn trong các nghị quyết, chương trình, dự án, kế hoạch, chỉ nhằm làm rõ dấu ấn cá nhân lãnh đạo trong nhiệm kỳ đó mà có hại cho các nhiệm kỳ sau.

Hai là, tư tưởng thể hiện tính vụ lợi, hẹp hòi, cục bộ, cá nhân chủ nghĩa hoặc có tư tưởng cầu an, ngại va chạm, “chợ chiều, cuối vụ”.

Ba là, hành động không phù hợp thực tế, bất chấp quy luật khách quan, trái với quy định của cấp trên nhưng có lợi cho cá nhân hoặc nhóm người; gây thiệt hại cho lợi ích chung của cộng đồng, của xã hội; lách quy định của Đảng, lách luật.

Những biểu hiện trên thể hiện rõ vào giai đoạn sắp hết nhiệm kỳ, chuyển sang bệnh “cuối nhiệm kỳ”. Lúc này, người mắc bệnh “cuối nhiệm kỳ” có biểu hiện phê duyệt, thông qua quyết định đầu tư những chương trình, kế hoạch, dự án, công trình không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp; quyết định điều chuyển, bổ nhiệm, đề bạt ồ ạt cán bộ… Người mắc bệnh “cuối nhiệm kỳ” đương nhiên phải là người có chức quyền, khi chuẩn bị nghỉ hưu theo quy định hoặc biết chắc chắn là hết nhiệm kỳ sẽ không đủ điều kiện được bổ nhiệm lại hoặc không đủ tuổi công tác để tái cử khóa tới thì tranh thủ thời gian còn lại để chăm lo, vun vén lợi ích cho bản thân, gia đình; đồng thời, tìm mọi cách “chạy” để được nâng lương, tặng danh hiệu, huân chương, khen thưởng sớm nhằm cầu an, hưởng lạc trước khi nghỉ công tác…

Vì vậy, mọi tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị và toàn xã cần phê phán, lên án mạnh mẽ những người có tư tưởng “tư duy nhiệm kỳ”, đồng thời, cần quan tâm hiến kế, đề ra các giải pháp để chữa trị dứt điểm căn bệnh này.

(NV)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *