HRW và bổn cũ về tình hình nhân quyền của Việt Nam

Đến hẹn lại lên, cứ mỗi dịp đầu năm mới, Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW) lại tung ra cái gọi là “Phúc trình toàn cầu” để đánh giá việc thực hành nhân quyền của hơn 100 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, có lẽ điểm khác biệt duy nhất trong các bản phúc trình thường niên mà tổ chức này tung ra chính là ở thời điểm, còn lại các nội dung khác thật sự cũng không có gì mới mẻ. Và chẳng có gì ngạc nhiên khi trong bản phúc trình mới nhất của mình, HRW tiếp tục vu cáo Việt Nam nào là “gia tăng hạn chế các quyền dân sự và chính trị cơ bản của người dân”; nào là “siết chặt quyền tự do biểu đạt, tự do ngôn luận của người dân, vi phạm các quyền dân sự và chính trị cơ bản một cách có hệ thống…”. Hành động này của HRW chẳng khác nào đang bao che, dung túng cho những kẻ lợi dụng quyền tự do ngôn luận, báo chí, sử dụng mạng xã hội vi phạm an ninh quốc gia, trật tự xã hội, cổ súy tuyên truyền chống phá đất nước và những thành quả đổi mới của toàn dân tộc Việt Nam, trong đó nổi lên những cái tên “có máu mặt trong làng dân chủ” đang thụ án như: Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thuỵ, Lê Hữu Minh Tuấn, Trịnh Bá Tư, Trịnh Bá Phương, Cấn Thị Thêu…  Vi thủ đoạn “lập lờ đánh lận con đen”, đánh tráo khái niệm mà HRW sử dụng “nhẵn mặt” trong suốt thời gian hoạt động của mình, bất chấp sự thật, HRW cố tình khoác lên cho những đối tượng chống phá, vi phạm pháp luật của Việt Nam những mỹ từ như “nhà hoạt động và bất đồng chính kiến”, “những người cổ vũ cho các quyền dân sự và chính trị cơ bản”, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền hòng tạo cớ can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.

Sự thật thì ở Việt Nam không có việc “nhà hoạt động và bất đồng chính kiến”, “những người cổ vũ cho các quyền dân sự và chính trị cơ bản” bị bắt giữ và xét xử mà chỉ có những kẻ vi phạm pháp luật Việt Nam mới bị bắt giữ, truy tố và xét xử mà thôi. Những cái tên mà HRW liệt kê ở trên đều là những kẻ thường xuyên lợi dụng quyền tự do ngôn luận, lợi dụng mạng xã hội để đả kích, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kêu gọi đa nguyên, đa đảng, gây rối an ninh, trật tự… Dù là ở Việt Nam hay bất kỳ nơi nào trên thế giới thì các hành vi vi phạm pháp luật đều phải bị xử lý nghiêm minh, chẳng có gì phải bàn cãi!

Điều 29 Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền (1948) khẳng định: “Mỗi người đều có những nghĩa vụ đối với cộng đồng, trong khi hưởng thụ các quyền về tự do cá nhân, phải chịu những hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận và tôn trọng đối với các quyền tự do của người khác và phù hợp với những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”. Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (1966) cũng quy định rất cụ thể rằng: 1. Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp. 2. Mọi người có quyền tự do ngôn luận… 3. Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 của điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, có thể dẫn tới một số hạn chế nhất định. Tuy nhiên, những hạn chế này phải được pháp luật quy định và cần thiết để: a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác, b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng”. Như vậy, theo luật pháp và nguyên tắc quốc tế, nhân quyền không phải là vô hạn, mà trong các trường hợp cụ thể phải được chế định bởi luật pháp của từng quốc gia. Không thể có nhân quyền trừu tượng mang tính “toàn cầu”.

Quyền con người nói chung, quyền tự do ngôn luận nói riêng luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam bảo đảm. Quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp và các văn bản luật. Ở Việt Nam, mọi công dân có quyền bình đẳng, có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí trong khuôn khổ quy định của pháp luật. Điều này đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Tuy nhiên, thực hiện quyền con người, tự do ngôn luận không đồng nghĩa với việc tự do không hạn định, gây ảnh hưởng đến lợi ích của cá nhân, tổ chức khác và tuyên truyền chống Nhà nước, vi phạm pháp luật Việt Nam. Việc HRW cố tình đánh giá sai lệch hoàn toàn về tình hình nhân quyền Việt Nam, cố tình bao che, dung túng cho những kẻ lợi dụng quyền tự do ngôn luận, báo chí, sử dụng mạng xã hội vi phạm an ninh quốc gia, trật tự xã hội, tuyên truyền chống phá đất nước Việt Nam là đã can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia độc lập, thống nhất, có chủ quyền, vi phạm các quy chuẩn quốc tế.

Điều 1 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (1966) đã quy định rất rõ rằng: “Mọi dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hoá”. Việt Nam là một quốc gia độc lập, thống nhất, có chủ quyền. Thể chế chính trị ở Việt Nam là do lịch sử, dân tộc, nhân dân Việt Nam lựa chọn, phù hợp với Công ước Liên hợp quốc, được quốc tế, các quốc gia và các tổ chức chính thức thừa nhận, tôn trọng. Vì vậy, không một quốc gia, tổ chức nào có quyền can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Đương nhiên, HRW cũng không phải ngoại lệ! Việc HRW tung ra bản phúc trình toàn cầu năm 2021 với những luận điệu vu khống trắng trợn tình hình nhân quyền tại Việt Nam chẳng khác nào thêm một lần tổ chức này tự bôi xấu mình, làm trò cười cho thiên hạ!

Mộc An   

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *