NHẬN DIỆN THÔNG TIN XẤU, ĐỘC VỀ VIỆC TRUYỀN BÁ HOẠT ĐỘNG MUA BÁN, SỬ DỤNG TRANG PHỤC LÍNH VIỆT NAM CỘNG HÒA TRÁI PHÉP
Trang phục của các lực lượng vũ trang đó là điều thiêng liêng, gắn với quốc gia, dân tộc, là niềm tự hào của mỗi công dân của đất nước. Việc sử dụng trang phục của quân đội được các quốc gia quy định bằng pháp luật rất chặt chẽ. Tại Việt Nam, việc sử dụng trang phục của Quân đội nhân dân Việt Nam được quy định tại Nghị định số: 82/2016/NĐ-CP, ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và trang phục của quân đội nhân dân Việt Nam. Nghị định số: 114/2020/NĐ-CP, ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định về hoạt động biểu diễn nghệ thuật đã nghiêm cấm việc sử dụng trang phục trái quy định tại các hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Nghị định số: 15/NĐ-CP, ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện và giao dịch điện tử, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm. Do đó, việc mua bán, sử dụng trái phép trang phục quân đội Nhân dân Việt Nam và các trang phục cấm khác đều là hành vi vi phạm pháp luật, tùy theo tính chất, mực độ sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự như theo quy định tại Điều 190 Bộ luật Hình sự về tội sản xuất, mua bán hàng cấm, Điều 191 về tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm, Điều 192 về tội sản xuất, buôn bán hàng giả với mức hình phạt cao nhất có thể đến 15 năm tù.
Tục ngữ Việt Nam có câu: Cọp chết để da, người chết để tiếng. Tuy nhiên, trong thời gian qua, một số đối tượng đã bất chấp danh dự cá nhân có những việc làm kệch cỡm, lố bịch. Trong đó nổi lên việc một số đối tượng đã tham gia mua bán, cổ súy việc mặc trang phục lính Việt Nam Cộng Hòa và trang phục giống quân đội của các quốc gia khác, đăng tải video, hình ảnh tuyên truyền việc này lên mạng xã hội và thậm chí các đối tượng còn lập ra các hội, nhóm trái phép để tập hợp các thành phần bất hảo, thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Những ngày 30 tháng 4 năm 1975 lịch sử, chính những quân nhân Việt Nam Cộng Hòa đã tự cởi bỏ những bộ trang phục lính vứt bừa bãi trên đường phố, cầu cống, bến tàu, sân bay… để giẫm đạp, tháo chạy, lẫn trốn và trà trộn vào đám đông quần chúng Nhân dân lương thiện. Nay một số đối tượng lại công khai mặc những bộ trang phục này với thái độ kệch cỡm, lố bịch đi lại trên đường phố, tụ tập ăn nhậu với những hình ảnh vô cùng phản cảm, đi ngược lại quan điểm về hòa hợp, hòa giải dân tộc của Đảng, vi phạm quy định pháp luật của Nhà nước.
Trong thời gian qua, việc mua bán, sử dụng đồ lính Việt Nam Cộng Hòa đã xảy ra ở một số địa phương như Nghệ An, Quảng Ninh, Đắc Nông, Phú Yên… gây ra dư luận không tốt và ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự xã hội. Các thế lực thù địch và các đối tượng trong và ngoài nước đã lợi dụng việc này để tuyên truyền tư tưởng, quan điểm lệch lạc về chính trị, tâng bốc các đối tượng chống đối, nói xấu chế độ ta. Được biết, cơ quan chức năng của tỉnh Nghệ An đã xử phạt các trường hợp mặc trang phục đồ lính sử dụng xe Jeap của Câu lạc bộ mô tô thị xã Cửa Lò, chở thí sinh tham gia Lễ hội áo dài hoa cúc biển Cửa Lò 2023 diễu hành trên phố gây phản cảm và vi phạm về an toàn giao thông. Qua sự việc này cho thấy Ban Tổ chức Lễ hội đã không làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, để sự việc xảy ra, gây phản cảm tại một sự kiện văn hóa.
Khoác lên người bộ trang phục đã bị một quân đội vứt bỏ thì đó niềm tự hào bệnh hoạn, đáng bị lên án. Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi mua bán, sử dụng trang phục đồ lính Việt Nam Cộng Hòa trái phép để những đối tượng vi phạm biết xấu hổ về danh dự và bị xử lý nghiêm khắc về pháp luật, qua đó góp phần giữ gìn và làm trong sạch môi trường văn hóa Việt Nam.
Mr. Lê