BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG – VẤN ĐỀ ĐÁNG BÁO ĐỘNG

Trong những năm qua, tình trạng bạo lực học đường đang diễn ra phức tạp, chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt thường ngày mà các em đã ứng xử với nhau thiếu lòng nhân ái, trái với chuẩn mực đạo đức xã hội, truyền thống đạo lý của dân tộc Việt Nam.

Không chỉ là các em học sinh nam đánh nhau, mà còn xảy ra nhiều vụ học sinh nữ đánh nhau hội đồng, với những cử chỉ thô bạo. Điều đáng nói, các vụ đánh nhau còn được chia sẻ, phát trực tiếp trên các trang mạng xã hội như Facebook, gây ảnh hưởng đến tâm lý của các nạn nhân, làm phức tạp tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

Trên địa bàn thị xã Sông Cầu, những năm gần đây cũng đã xảy ra các vụ bạo lực học đường, như tháng 12/2021, chỉ vì mâu thuẫn trong việc nhắn tin trên mạng xã hội Facebook mà hai nữ học sinh trường của 2 trường ở xã Xuân Thịnh đã hẹn gặp đánh nhau để giải quyết mâu thuẫn. Đồng thời, rủ thêm bạn bè sử dụng điện thoại phát trực tiếp lên mạng xã hội Facebook… Đáng nói, nhiều học sinh chứng kiến không can ngăn, thậm chí còn cổ vũ.

Việc các em học sinh sử dụng nắm đấm, giải quyết mẫu thuẫn với nhau bằng bạo lực có thể xuất phát từ một số nguyên nhân sau:

Thứ nhất, hầu hết các bậc phụ huynh lo tập trung vào kiếm tiền, chăm lo đời sống kinh tế; khoán trắng việc giáo dục cho nhà trường mà ít quan tâm đến việc giáo dục cho con em của mình. Đa số, các vụ bạo lực học đường xảy ra mà các em tham gia có hoàn cảnh gia đình có vấn đề.

Thứ hai, do đặc điểm tâm sinh lý của lứa tuổi và tác động của xã hội: Lứa tuổi từ 11 – 17 tuổi là độ tuổi đang hình thành nhân cách, dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài, chỉ cần có những tác động kích thích xấu các em sẽ học theo. Đặc biệt, việc bùng nổ của mạng xã hội, tiếp cận thông tin dễ dàng, trên mạng thì nhan nhản những video clip vụ học sinh đánh nhau, nhiều trò chơi có xu hướng bạo lực, các bộ phim hành động kinh dị, xã hội đen… ngày càng nhiều.

Để ngăn chặn, đẩy lùi và từng bước chấm dứt tình trạng bạo lực học đường rất cần sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội, nhất là sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể xã hội:

– Các cơ quan quản lý nhà nước cần thắt chặt kiểm soát những thông tin, nội dung đăng tải trên internet để hạn chế, ngăn ngừa những phim ảnh và trò chơi mang tính kích động bạo lực, những hội nhóm được thành lập với mục đích lôi kéo giới trẻ vào những hoạt động tiêu cực.

– Về phía gia đình, các bậc làm cha, mẹ nên quan tâm hơn nữa đến con em của mình. Quan tâm không chỉ là cung cấp đầy đủ nhu cầu vật chất mà biết lắng nghe, chia sẻ, làm bạn với con, nắm bắt tâm tư, tình cảm để điều chỉnh, định hướng nâng cao ý thức đạo đức của con.

– Để góp phần giải quyết vấn đề bạo lực học đường thì vai trò của nhà trường cực kỳ quan trọng. Nhà trường cần chủ động trong trao đổi thông tin với gia đình học sinh để có thể nắm bắt tình hình cũng như biểu hiện của các em học sinh. Mặt khác, cần chú trọng giảng dạy một số môn học như kỹ năng sống, kỹ năng xử lý tình huống, giáo dục công dân, trang bị kiến thức đúng đắn cho học sinh về hành động đẹp, đẩy lùi bạo lực học đường. Hơn nữa, cần có các chương trình giáo dục cụ thể hơn, đưa ra các hình ảnh người tốt việc tốt, chỉ ra đâu là cái tốt, đâu là cái xấu, những việc không nên làm để định hướng nhận thức và hành vi của các em.

(TTYN)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.