NHẬN DIỆN VÀ ĐẤU TRANH PHẢN BÁC CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH, BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG HIỆN NAY
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trai, thù địch là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Nghị quyết đã nêu rõ: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ Nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”.
Trong những năm qua, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi các âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động chưa bao giờ từ bỏ ý đồ chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng ta, chúng luôn tìm cách tạo ra “khoảng trống” về tư tưởng, lý luận trong đời sống chính trị – xã hội, với âm mưu cơ bản, lâu dài và rất thâm độc là xoay chuyển quỹ đạo phát triển của đất nước ta đi chệch hướng xã hội chủ nghĩa…
Nhận diện các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch
Một trong những điều kiện tiên quyết trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đó là việc nhận diện được các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, từ đó có những biện pháp đấu tranh, bảo vệ một cách hiệu quả nhất. Từ thực tiễn có thể chỉ ra một số âm mưu, thủ đoạn sau:
Thư nhất, các thế lực thì địch tìm mọi cách để hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng và thể chế chính trị xã hội chủ nghĩa; xuyên tạc các sự kiện lịch sử của cách mạng Việt Nam; cổ súy “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang, đòi từ bỏ sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang; phủ nhận kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xuyên tạc tình hình đất nước, lợi dụng các vấn đề xã hội, tôn giáo, dân tộc, nhân quyền, đất đai để phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thứ hai, chúng khoét sâu vào những điểm yếu kém trong thực thi công vụ của một số cơ quan, cán bộ lãnh đạo, quản lý, hòng chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân, âm mưu cô lập, tách các tổ chức đảng, đảng viên ra khỏi quần chúng, hướng lái tạo ra những tư tưởng, tâm lý nghi kỵ, hẹp hòi, hành động sai trái, chống đối, bạo lực và bạo động trong cộng đồng và xã hội.
Thứ ba, tiến hành móc nối, xâm nhập vào nội bộ của ta, tìm cách phân hóa tổ chức, hòng dựng lên “ngọn cờ” tập hợp lực lượng, tìm kiếm những phần tử thoái hóa, biến chất trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là những kẻ bất mãn, cơ hội chính trị, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để tán phát tư tưởng phản động, chống phá Đảng, Nhà nước.
Phương thức chống phá chủ yếu
Sử dụng truyền thông đại chúng, đặc biệt là xuất bản báo chí ở nước ngoài, sản xuất băng, đĩa hình chuyển về trong nước; tài trợ cho một số cơ quan báo chí nước ngoài chuyên chống phá Việt Nam (như VOA tiếng Việt, RFA, RFI, BBC Việt ngữ) để vu cáo, bôi đen tình hình Việt Nam; triệt để sử dụng Internet và các trang mạng xã hội để tán phát các luận điệu chống phá; lợi dụng các sai sót trong quản lý để kích động biểu tình trái phép; tổ chức các diễn đàn, hội thảo để xem xét lại các vấn đề liên quan đến lịch sử; tấn công vào nội bộ, phủ nhận các thành tựu đã đạt được của đất nước, kích động để tấn công vào quá khứ…
Giải pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá trên, để tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình hiện nay, cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
– Một là, nâng cao cảnh giác, nhận diện đúng các quan điểm sai trái, thù địch. Trong mỗi giai đoạn, nội dung, hình thức, thủ đoạn đấu tranh chống phá của các thế lực thù địch đối với Cương lĩnh, đường lối của Đảng là không giống nhau và ngày càng tinh vi. Do đó, trong nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch đòi hỏi chúng ta cần nhận rõ mục đích, âm mưu, thủ đoạn mà lực lượng phản động, cơ hội chính trị sử dụng để từ đó ta có đối sách phù hợp, hiệu quả.
– Hai là, xây dựng lực lượng tham gia đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch. Tổ chức lực lượng và có sự chỉ đạo tập trung thống nhất từ Trung ương đến địa phương, huy động lực lượng các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị – xã hội và các tầng lớp nhân dân cùng tham gia để chủ động phòng và chống, tạo ra hiệu ứng rộng lớn và mạnh mẽ, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch và các quan điểm sai trái, thù địch.
– Ba là, tăng cường quản lý, chủ động sử dụng các giải pháp kỹ thuật, ngăn chặn các thông tin xấu, độc một cách có hiệu quả. Chủ động phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ, sử dụng các giải pháp về công nghệ thông tin để ngăn chặn một cách triệt để các tin tức xấu độc trên các trang mạng. Kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm Cương lĩnh chính trị, Ðiều lệ Ðảng, quy định của Ðảng. Siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong Ðảng; thực hiện nghiêm kỷ luật phát ngôn; nghiêm cấm các hành vi để lộ bí mật của Ðảng, Nhà nước, lan truyền những thông tin sai lệch, xuyên tạc, vu khống, kích động.
– Bốn là phát huy vai trò của người đúng đầu cơ quan, đơn vị. Mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải xác định công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là trách nhiệm, là lương tâm của mình trước Đảng, trước vận mệnh của đất nước và Nhân dân. Thường xuyên chú trọng việc kết hợp đấu tranh chống lại các luận điệu phản động, sai trái với ngăn ngừa và khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “ tự chuyển hóa” trong nội bộ. Kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp nói, viết và làm trái Cương lĩnh, điều lệ, nghị quyết của Đảng.
(NHM)