Ngày nay, với sự bùng nổ công nghệ thông tin (CNTT) và không gian mạng, quan niệm về NNT, phạm vi hoạt động, tầm ảnh hưởng của NNT có sự chuyển đổi căn bản. Ở nước ta, chưa bao giờ NNT có môi trường tự do sáng tạo, có điều kiện khẳng định năng lực, cống hiến cho xã hội thuận lợi như ngày nay. Chính vì vậy, bên cạnh thể hiện trách nhiệm xã hội, NNT phải có bổn phận tham gia tích cực vào công tác đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng…

Người nổi tiếng – họ là ai?

NNT là một bộ phận công dân được coi là tinh hoa của xã hội. Quan niệm về NNT ở mỗi thời đại, mỗi quốc gia, dân tộc, mỗi hoàn cảnh xã hội… có sự chuyển dịch, tiếp biến riêng trong nội hàm. Chính vì vậy, quan điểm chính trị, xu hướng sáng tạo, mục tiêu cống hiến… của NNT không thể tách rời hệ tư tưởng của đảng cầm quyền và ý chí, nguyện vọng của nhân dân. “Bách khoa toàn thư mở” trên internet giải thích thuật ngữ NNT gồm hai trường nghĩa như sau: NNT hay “celeb” ý chỉ một cá nhân hay một nhóm người có danh tiếng, được công chúng thừa nhận một cách rộng rãi, được các phương tiện truyền thông đại chúng chú ý đến. Họ có thể là các danh y, danh thủ, danh họa, danh ca, danh hài… NNT hay danh nhân, nghĩa là người có danh tiếng bởi có công trạng với xã hội và được xã hội ghi nhận. Họ có thể là những nhà văn hóa, nhà quân sự, nhà khoa học…

Như vậy, nói đến NNT là nói đến những con người có danh tiếng, hoạt động và lao động nghề nghiệp của họ có sự nổi trội, vượt trội về tài năng, thành tích, hiệu quả cống hiến, có công trạng với xã hội, được đông đảo công chúng biết đến và được xã hội ghi nhận, tôn vinh.

Trong mọi hoạt động kinh tế-chính trị-văn hóa-xã hội… NNT giữ vị thế quan trọng, đặc biệt là việc quảng bá hình ảnh đất nước, xây dựng và quảng bá thương hiệu, sứ giả văn hóa, xúc tiến phát triển du lịch, thu hút đầu tư, công tác từ thiện xã hội… Trong các hoạt động, sự xuất hiện, tham gia của NNT như là một hình ảnh bảo chứng, bảo trợ cho giá trị chất lượng và mức độ lan tỏa của sự kiện, lĩnh vực được công chúng, xã hội quan tâm.

Trước đây, khi CNTT, internet chưa phát triển, trong đời sống văn hóa, tinh thần, tâm lý xã hội, NNT xuất hiện và được công chúng biết đến nhiều nhất là những lãnh tụ, anh hùng, chiến sĩ, những tên tuổi tài năng trong lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật, thể thao… Nhiều NNT đã đi vào sử sách, neo lại trong nền văn hóa dân tộc thành những hình tượng kinh điển, trở thành tấm gương sáng về đạo đức, tài năng, công trạng đối với đất nước, được xã hội vinh danh. Những tên tuổi lớn trên các lĩnh vực, có công lao đóng góp to lớn cho đất nước đều có sức sống vượt thời gian, trở thành giá trị bất biến, được hậu thế tự hào học tập, noi theo…

Trong thời đại bùng nổ CNTT và internet, quan niệm về NNT được mở rộng hơn, phạm vi xuất hiện của NNT đa dạng, phong phú hơn với tốc độ nhanh hơn. Bên cạnh những lĩnh vực truyền thống, ngày nay, có nhiều NNT trong giới doanh nghiệp, doanh nhân, những người tham gia hoạt động xã hội, người có hành động dũng cảm, phi thường… Sức lan tỏa của không gian mạng có thể làm cho một cá nhân hay một nhóm người nào đó từ chỗ vô danh đến nổi tiếng chỉ trong khoảnh khắc. Đó có thể là một anh tài xế có hành động phi thường, cứu mạng em bé rơi từ tầng cao xuống đất. Đó là anh chiến sĩ cảnh sát dũng cảm cứu được cả nhóm thanh niên đuối nước khi đi tắm biển. Đó là anh bộ đội quên mình cứu dân trong lũ quét… Cũng có những nghệ sĩ không hẳn tài năng hơn đồng nghiệp, nhưng lại nổi tiếng hơn nhiều nhờ những hoạt động từ thiện nhiệt tâm, nhiệt thành và hiệu quả…

Hội chứng “ăn theo” và mầm mống suy thoái

Cho dù ở thời đại nào, hoàn cảnh xã hội nào thì NNT được xã hội công nhận, tôn vinh phải là người có đức, có tài, có cống hiến vì sự phát triển của đất nước. Nhấn mạnh những yếu tố này để phân biệt NNT với những thành phần có thể được nhiều người biết đến, rất “nổi” nhưng không có công trạng, không đóng góp cho sự phát triển của xã hội thì đó không phải là NNT.

Trên thực tế, một bộ phận không nhỏ truyền thông và công chúng trên không gian mạng hiện nay đang có sự nhầm lẫn về vấn đề này. Câu chuyện liên quan đến bà Nguyễn Phương Hằng ở Bình Dương là một ví dụ. Trước khi bị cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự, bà Hằng là nhân vật tạo “sóng gió” trên không gian mạng bằng những buổi livestream với lượng người tương tác, theo dõi lên đến hàng chục vạn lượt. Nhiều người đã coi bà Hằng là NNT, bày tỏ thái độ ngưỡng mộ một cách cực đoan, thái quá, hùa vào cổ xúy khiến bà Hằng ngộ nhận năng lực bản thân, ngộ nhận quyền lực “ảo”, gây ra những hệ lụy không nhỏ cho môi trường văn hóa và an ninh trật tự.

Những hành vi vi phạm pháp luật của bà Hằng sẽ được điều tra, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Điều đáng tiếc là vì sự tò mò, ngộ nhận, nhận thức lệch lạc và vì một lợi ích nào đó nên đã có một số cán bộ, trí thức, trong đó có người là tiến sĩ, giảng viên, luật sư… tham gia giúp sức, tiếp tay cho hành vi sai trái này. Xét về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, hành vi tiếp tay cho việc làm sai trái này là một biểu hiện suy thoái của cán bộ, công chức. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã chỉ rõ hành vi này là: “Lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, gây chia rẽ nội bộ, nghi ngờ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân…”.

Môi trường số và đời sống không gian mạng đã sản sinh ra không ít những trường hợp tương tự, với quy mô, tính chất khác nhau. Một anh nông dân làm vườn có giọng hát nghêu ngao gây cười lập tức nổi đình nổi đám trên không gian mạng. Một thanh niên phong cách mang mặc, đầu tóc dị hợm, phát ngôn gây sốc cũng lập tức trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý. Một cán bộ có thái độ bất mãn với tổ chức, sau khi nghỉ hưu, nghỉ việc, có những phát ngôn mang tính chỉ trích cũng lập tức nổi như cồn…

Những trường hợp tương tự như đã dẫn, đúng là có “tiếng” và rất “nổi”, nhưng không thể xếp họ vào đội ngũ NNT. Thực chất, họ là những người “tai tiếng”, gây chú ý bằng chiêu trò, scandal… Những gì họ tạo ra không mang lại lợi ích cho cộng đồng, đất nước, ngược lại còn làm rối ren môi trường văn hóa và an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, gây chia rẽ nội bộ, nghi ngờ trong cán bộ, đảng viên và quần chúng. Đáng bàn là một bộ phận công chúng lại coi họ là NNT, trong đó có cả đảng viên, trí thức, công chức, đoàn viên, thanh niên… trong hệ thống chính trị. Do nhận thức lệch lạc, tư duy lệch chuẩn nên không ít người đã hùa theo những hành vi lập dị, sai trái, góp thêm tác nhân làm phức tạp đời sống xã hội, tạo cớ cho thế lực thù địch thực hiện các chiến dịch tuyên truyền chống phá đất nước.

Trong bối cảnh Đảng ta quyết liệt xây dựng, chỉnh đốn đội ngũ và đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị cần có nhận thức thấu đáo, đầy đủ về nguy cơ, biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Từ Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, Đảng ta đã mở rộng phạm vi xây dựng, chỉnh đốn, phòng, chống suy thoái không chỉ trong tổ chức đảng các cấp mà cả trong hệ thống chính trị, không chỉ cán bộ, đảng viên mà cả tầng lớp công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống chính trị. Đảng xác định phải kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực… Tại cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực diễn ra ngày 27-4-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Tiêu cực ở đây chủ yếu là sự suy thoái về phẩm chất, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…

Việc cán bộ, trí thức, công chức, viên chức… dù trực tiếp hay gián tiếp cổ súy cho các hành vi sai trái, tiếp tay cho những thành phần tai tiếng trong đời sống xã hội, lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân… là hành vi tiêu cực, biểu hiện của suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần có nhận thức đúng, không có bất cứ cá nhân, tổ chức nào, dù nổi tiếng đến đâu, có quyền đứng trên luật pháp, đứng ngoài những quy chuẩn đạo đức xã hội. Tiếp tay cho cái sai vừa là biểu hiện suy thoái, vừa là hành vi vi phạm pháp luật. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức… cần có thái độ đấu tranh thẳng thắn với những hành vi sai trái ngay trong môi trường công sở, góp phần phòng ngừa, xử lý từ gốc các biểu hiện suy thoái trong hệ thống chính trị các cấp.

(còn nữa)

THANH KIM TÙNG/QĐND