NÚP BÓNG BẢO VỆ QUYỀN PHỤ NỮ ĐỂ XUYÊN TẠC CHỐNG PHÁ VIỆT NAM – THỦ ĐOẠN NGUY HIỂM!
Mới đây, nhà đài RFA loan tin tổ chức “Liên minh Dân chủ Việt Nam” – một tổ chức chống cộng ở hải ngoại vừa mới tổ chức một buổi hội thảo trực tuyến với đề tài “Nữ quyền dưới chế độ Cộng sản Việt Nam”, thu hút sự tham gia của “những đại diện văn phòng các dân biểu Mỹ”. Và quả đúng như dự đoán, trong vỏ bọc của một buổi hội thảo, các đại biểu tham dự đã chẳng đề cập mấy đến tình hình quyền phụ nữ tại Việt Nam mà thay vào đó, họ chỉ lấy hội thảo về nữ quyền để làm cái cớ đả phá Đảng, Nhà nước, chế độ và phủ nhận mọi tiến bộ về nữ quyền ở Việt Nam. Theo đó, các đại biểu đã vu cáo nào là “100 triệu người Việt Nam không hề tự do, vì Việt Nam không cho phép bầu cử tự do và công bằng. Hệ thống đóng kín này gây ra nhiều bất công với phụ nữ”, nào là “phụ nữ Việt Nam vẫn chịu nhiều bất công trong luật thuế thu nhập doanh nghiệp và luật bảo hiểm xã hội, và theo một nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế, họ vẫn nhận nhiều thiệt thòi trong lương bổng và chịu nhiều rủi ro thất nghiệp” và “những con số thống kê trong báo cáo nêu trên đều do Đảng Cộng sản cung cấp nên có khả năng không đáng tin cậy”… Tóm lại, thông qua hội thảo này, chẳng có một giải pháp nào được nêu ra ngoài việc xin cấp tiền cho các tổ chức chống cộng và đòi áp dụng Đạo luật Magnitsky với Việt Nam…Thật là thủ đoạn nguy hiểm của các thế lực thù địch, bất chấp thực tế về thành tựu mà Việt Nam đạt được trên lĩnh vực bảo đảm quyền con người nói chung và quyền phụ nữ nói riêng hòng chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm giảm sút niềm tin của nhân dân cũng như phụ nữ Việt Nam vào Đảng, Nhà nước và chế độ! Thực tế thì sao?
Công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới là nhiệm vụ thường xuyên được Đảng, Nhà nước ta quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, bảo đảm thông qua các quy định cụ thể trong Hiến pháp và pháp luật, nhất là Luật Bình đẳng giới năm 2006; Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2007; Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 cùng nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, như: Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH”; Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư về “Tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới”; Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020; Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030… Báo cáo Chính trị tại Đại hội XIII của Đảng cũng chỉ rõ: “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế…” Đây chính là cơ sở pháp lý, cụ thể hoá quyền bình đẳng giới của phụ nữ ở Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội để phụ nữ tham gia ngày càng tích cực, hiệu quả vào các hoạt động trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Tại Việt Nam, vai trò của người phụ nữ trong đời sống chính trị ngày càng tăng. Ngày càng có nhiều phụ nữ đảm nhiệm các vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị. Hiện tại, Bộ Chính trị, Ban Bí thư có 2 thành viên là nữ; Ban Chấp hành Trung ương hiện có 18 Ủy viên chính thức và 01 Ủy viên dự khuyết là nữ. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV chiếm 30,26%, tăng đáng kể so với các nhiệm kỳ trước. Nhiều nhiệm kỳ, Việt Nam có Chủ tịch, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch nước là nữ…
Trong lĩnh vực kinh tế, ngày càng có nhiều nữ doanh nhân có tiếng tăm trên thương trường, với sự kiên trì, bền bỉ, siêng năng, bằng tài trí của mình đã tạo nên chỗ đứng vững chắc trong giới kinh doanh, trở thành những nữ tỷ phú nổi danh khắp trong, ngoài nước…
Bình đẳng về giáo dục giữa nam giới và nữ giới ngày càng được bảo đảm. Đến năm 2021, tỷ lệ biết chữ của phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi đạt hơn 97%; tỷ lệ nữ là người dân tộc thiểu số biết chữ trong độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi đạt 92,6%. Tỷ lệ lao động nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật đạt 17,5%. Đội ngũ nữ trí thức ngày càng đông đảo, tỷ lệ nữ có học vị thạc sĩ đạt 44,2%, có học vị tiến sĩ đạt gần 30%; có 753 người được phong chức danh giáo sư, phó giáo sư…
Công tác chăm sóc sức khỏe phụ nữ ngày càng được quan tâm. Tại Việt Nam, thời gian nghỉ sinh thai sản của phụ nữ là 6 tháng, vượt mức thời gian quy định tối thiểu 12 tuần trong Công ước bảo vệ thai sản của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Tỷ lệ xã, phường có y sỹ sản nhi hoặc nữ hộ sinh đạt trên 95%. Tỷ lệ sản phụ được cán bộ y tế chăm sóc hiện đạt hơn 98%. Tuổi thọ trung bình của phụ nữ Việt Nam là 76,3 tuổi, cao hơn 5,3 tuổi so với nam giới…
Những kết quả nêu trên đã khẳng định, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã thường xuyên quan tâm và có nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm thúc đẩy, bảo vệ quyền phụ nữ, nâng cao địa vị phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực. Đó cũng là minh chứng cho thấy những luận điệu mà các thế lực thù địch rêu rao về bảo đảm quyền phụ nữ ở Việt Nam là hoàn toàn sai trái, bịa đặt. Chúng ta cần hết sức cảnh giác, nhận diện và đấu tranh với những âm mưu, thủ đoạn núp bóng bảo vệ quyền phụ nữ để xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước ta!
Quỳnh An