Pháp luân công đã lợi dụng lòng tin của một bộ phận người dân, nhất là những người có vấn đề sức khỏe như thế nào?

Pháp luân công hay còn gọi là “Pháp luân đại pháp” do một người Trung Quốc tên là Lý Hồng Chí sáng lập vào năm 1992. Thời gian đầu trào lưu này đã “làm mưa làm gió” tại nước này. Tuy nhiên, trước bản chất phản khoa học và những hệ lụy về xã hội mà trào lưu tu tập theo Pháp luân công đã gây ra, từ năm 1999, Chính phủ Trung Quốc đã tiến hành nhiều biện pháp ngăn chặn, giải tán Pháp luân công và đề nghị một số quốc gia không cho Pháp luân công hoạt động, đồng thời, truy nã Lý Hồng Chí vì tổ chức hoạt động bất hợp pháp, lợi dụng tôn giáo để tiến hành các hoạt động mang màu sắc chính trị chống chế độ, gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Năm 2000, Pháp luân công du nhập vào Việt Nam. Theo thống kê sơ bộ của các cơ quan chức năng (tính đến tháng 4/2019), có trên 8.000 người tham gia Pháp luân công tại hầu khắp các tỉnh thành trên cả nước. Các đối tượng theo Pháp luân công đã sử dụng nhiều cách thức, thủ đoạn tinh vi để tuyên truyền, phổ biến về Pháp luân công, như: Len lỏi vào vùng sâu, vùng xa, lợi dụng những hoạt động từ thiện nhân đạo tiếp cận người dân để tuyên truyền, hướng dẫn luyện tập Pháp luân công; một số giáo viên theo Pháp luân công tuyên truyền, hướng dẫn học sinh luyện tập Pháp luân công trong giờ học hoặc lén lút phát tán tài liệu lẫn trong sách vở, đồ dùng của giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh ngay trong khuôn viên nhà trường; lợi dụng các khóa học hè để lồng ghép hướng dẫn học sinh luyện tập Pháp luân công… Nghiêm trọng hơn, các đối tượng còn tìm cách tiếp cận với thân nhân của lãnh đạo cấp cao để tuyên truyền, tranh thủ vận động công nhận tư cách pháp nhân cho Pháp luân công; phát tán hàng chục nghìn tài liệu (sách, đĩa, tờ rời…) ở những nơi công cộng, khu đông dân cư; lập nhiều trang web và tài khoản trên mạng xã hội để chia sẻ, hướng dẫn luyện tập Pháp luân công; gửi tài liệu qua đường bưu chính đến một số cơ quan nhà nước, tổ chức, đoàn thể xã hội, một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lập các đoàn nghệ thuật “Hồng Ân”, “Thiên quốc nhạc đoàn Việt Nam” biểu diễn miễn phí tại các sự kiện (như lễ khai trương, Tết Trung thu…) để quảng bá hình ảnh Pháp luân công; thành lập câu lạc bộ tại các điểm sinh hoạt công cộng (quảng trường, công viên, vườn hoa…) để trực tiếp hưóng dẫn luyện tập Pháp luân công, gây sự chú ý, quan tâm của người dân.

Về bản chất, Pháp luân công lợi dụng các bài tập khí công truyền thống vốn có lợi cho việc tăng cường sức khỏe, lồng ghép các yếu tố “tín ngưỡng”, “tâm linh” và “hô biến” thành của mình. Người ta thường nói “Có bệnh thì vái tứ phương”. Câu nói của người xưa vẫn còn đến ngày nay và gây ám ảnh đối với người bệnh và người nhà bệnh nhân. Những người có bệnh thường tới các cơ sở y tế để kiểm tra và điều trị, đây là cách hợp lý. Tuy nhiên, không phải lúc nào các cơ sở y tế này cũng trị được dứt bệnh nên khi đó người bệnh phải đi tìm thêm phương pháp khác, “vái tứ phương” xuất hiện từ đó. Lợi dụng tâm lý này của người bệnh và người nhà bệnh nhân, những người theo Pháp luân công đã tìm cách tiếp cận, truyền bá, khuếch đại tác dụng của việc luyện tập Pháp luân công đối với sức khỏe, cho rằng những người luyện tập Pháp luân công có thể chữa được bách bệnh, kể cả những bệnh hiểm nghèo như ung thư mà không cần dùng thuốc, chữa trị tại bệnh viện. Dù những điều này chưa được bất kỳ công trình khoa học nào chứng minh, tuy nhiên, nhiều người bệnh cả tin đã tuyệt đối tin tưởng vào những “tác dụng thần kỳ” của Pháp luân công mà không dùng thuốc, từ chối điều trị tại bệnh viện, tiếp tục luyện tập Pháp luân công đã dẫn tới tử vong.

Ngoài ra, lợi dụng nhu cầu giao tiếp giải tỏa tâm lý của những người bị bệnh, người nghỉ hưu…, Pháp luân công đưa ra “luận thuyết” nếu luyện tập đông người, luyện tập gần nhau sẽ nhanh tạo ra “công lực” để lừa gạt, mê hoặc, lôi kéo, tập hợp lực lượng của Pháp luân công. Nhiều người luyện tập đến mức mê muội, bị ảo giác, thậm chí thực hiện hành vi phạm tội, gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…

Nhà nước ta khẳng định Pháp luân công không phải là một tổ chức tôn giáo do không đáp ứng các điều kiện cần thiết theo quy định của pháp luật Việt Nam về tín ngưỡng, tôn giáo; chủ trương không công nhận, không cấp đăng ký sinh hoạt, hoạt động đối với Pháp luân công và không để Pháp luân công công khai hình thành về tổ chức dưới bất kỳ hình thức nào… Từ những hệ lụy mà Pháp luân công đã gây ra trong thời gian qua, hơn ai hết, mỗi người chúng ta cần nâng cao tinh thần cảnh giác, tăng cường công tác đấu tranh phản bác việc Pháp luân công lợi dụng các yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo, tâm linh để vi phạm pháp luật, âm mưu gây mất ổn định chính trị, xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, đi ngược lại đạo đức truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam./.

Mộc An

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *