Phát huy sức mạnh tổng hợp góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
1. Sau 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng và nhân dân ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để đạt những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Nền kinh tế Việt Nam đạt được mức tăng trưởng nhanh và ổn định trong một thời gian dài. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2014 đạt mức tăng 5,98%; tăng trưởng GDP năm 2019 đạt 7,02%. Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao như gạo, cà phê, cao su, hạt điều, hồ tiêu, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản… đứng nhóm hàng đầu thế giới. Năm 2020, nước ta thuộc số ít quốc gia trên thế giới đạt mức tăng trưởng dương (đạt 2,91%) bất chấp tác động của đại dịch COVID-19, kinh tế vĩ mô ổn định, nhiều sự kiện chính trị quan trọng của đất nước được tổ chức thành công, năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2020 với nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực…
Những kết quả đạt được đã minh chứng, khẳng định sự đúng đắn về đường lối đổi mới, phát triển kinh tế – xã hội của Đảng. Đó cũng là câu trả lời đanh thép, rõ ràng, cụ thể đáp trả lại những tư tưởng, ý kiến đòi “xét lại” lịch sử, xuyên tạc phủ nhận đường lối lãnh đạo của Đảng, phủ nhận những thành tựu to lớn, toàn diện, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới và cách mạng Việt Nam.
Việt Nam hiện có khoảng 62 triệu người kết nối Internet, đứng thứ 7 thế giới về số người sử dụng Internet, trong đó hơn 60 triệu tài khoản facebook, với đặc điểm đa số đối tượng kết nối, sử dụng tài khoản mạng xã hội là người trẻ, số người cao tuổi, hưu trí đọc tin bài qua mạng xã hội và Internet có xu hướng tăng nhanh. Đây vừa là thuận lợi vừa là thách thức của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Không gian thông tin được mở rộng không giới hạn thì không gian chống phá cũng mở rộng và lực lượng chống phá ngày càng đa dạng với phương thức, thủ đoạn chống phá ngày càng tinh vi, hiện đại…
2. Dù được tiến hành với “muôn hình vạn trạng”, các chiêu trò – hình thức, nhưng mục đích cuối cùng mà các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị nhắm tới vẫn là chống phá Đảng Cộng sản, xóa bỏ chế độ, xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Từ hai mục tiêu lớn này, chúng đưa ra những nội dung, triển khai “đánh” vào nền tảng, đường lối của Đảng, cơ chế chính sách của Nhà nước, vào bản chất chế độ, vào khâu yếu của cán bộ, đảng viên, “đánh” vào hạn chế của thực trạng xã hội… Nội dung và thủ đoạn đánh phá cụ thể của chúng rất đa dạng, lợi dụng diễn biến tình hình, những vụ việc phức tạp, nổi cộm, vấn đề dư luận xã hội quan tâm để suy diễn, quy chụp, khuếch đại, chống phá.
Chúng tập trung mũi đột phá tấn công, phủ định, xuyên tạc học thuyết Mác – Lênin, phủ định hoặc tuyệt đối hóa tư tưởng Hồ Chí Minh, cho rằng Hồ Chí Minh đưa chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam là một sai lầm lịch sử hoặc chỉ có tư tưởng Hồ Chí Minh là phù hợp với dân tộc Việt Nam. Chúng tấn công vào cơ sở khoa học và lý luận về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đòi bỏ Điều 4 Hiến pháp, đòi đa nguyên đa đảng, cổ xúy các hoạt động núp dưới bóng “xã hội dân sự”, “bảo vệ nhân quyền”…
Chúng triệt để khai thác thông tin sơ hở trên báo chí, truyền thông, phát ngôn của một số đại biểu Quốc hội, lãnh đạo cơ quan, bộ, ngành; khai thác khoảng trống thông tin, vụ việc phức tạp, nhạy cảm để tuyên truyền xuyên tạc, thổi phồng, bóp méo sự thật. Tận dụng không gian mạng và sự đa dạng của các loại hình dịch vụ mạng xã hội trực tuyến, chúng ra sức hoạt động tuyên truyền xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước thông qua các ứng dụng, dịch vụ website, blog, Facebook, Twitter, Youtube, Instagram… với thủ đoạn lồng ghép, pha trộn thông tin “thật – giả”, cắt ghép hình ảnh, video về các đồng chí lãnh đạo cấp cao để công kích, xuyên tạc nói xấu; trích dẫn các bài phỏng vấn, ý kiến của các nhân vật nổi tiếng, có tư tưởng bất mãn, cơ hội chính trị để dẫn dụ, thu hút dư luận.
3. Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị khóa XII về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, xác định bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân, trong đó lực lượng tuyên giáo các cấp là nòng cốt; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị – xã hội các cấp; của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu.
Trong thời gian tới, nhất là giai đoạn sau Đại hội XIII của Đảng, để công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đạt hiệu quả cao, cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Thứ nhất, các ban, bộ, ngành, địa phương, đơn vị cần đưa nhiệm vụ công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng vào trong các kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chính trị thường xuyên của cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Coi trọng công tác tư tưởng, quán triệt tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng; tăng cường giáo dục lý luận chính trị, nâng cao phẩm chất đạo đức, kỹ năng nghề nghiệp, trình độ trí tuệ cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo các cấp, cán bộ quản lý báo chí, truyền thông có đủ phẩm chất đạo đức, năng lực nghề nghiệp, bản lĩnh và kỹ năng đối thoại và phát ngôn khi có những vấn đề nổi cộm đòi hỏi sự lên tiếng và giải quyết của các cơ quan liên quan.
Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng – Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII |
Thứ hai, tăng cường xây dựng thế trận an ninh thông tin nhân dân trên không gian mạng trên cơ sở phát huy sức mạnh tổng hợp các lực lượng trong hệ thống chính trị. Nâng cao khả năng tự phòng, chống “diễn biến hòa bình”, “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến” của cán bộ, đảng viên và nhân dân trước các thủ đoạn, hoạt động tuyên truyền tán phát các thông tin xấu độc, sai sự thật, quan điểm sai trái, thù địch. Lấy giáo dục góp phần nâng cao nhận thức và báo chí, truyền thông làm nền tảng, trụ cột để xây dựng thành trì thế trận các tầng lớp nhân dân có sức đề kháng vững chắc, bồi đắp nền tảng tinh thần, lý tưởng cao đẹp, lan tỏa sâu rộng nhân lên những tấm gương, điển hình tập thể, cá nhân tiên tiến. Lấy báo chí, truyền thông làm lực lượng nòng cốt để đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; xây dựng và nhân lên sức mạnh đấu tranh từ tiếng nói chính thống; lan tỏa rộng rãi trên không gian mạng và các tầng lớp nhân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, xây dựng và bảo vệ môi trường thông tin xã hội lành mạnh, phát triển bền vững.
Thứ ba, các cơ quan, bộ, ngành, địa phương, nhất là các cơ quan nghiên cứu lý luận, chú trọng xây dựng hệ thống luận cứ sắc bén phản bác các quan điểm sai trái; bảo vệ và vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực tiễn. Nội hàm cơ bản và tính thực tiễn của lý luận sắc bén biểu hiện ở chỗ, nó phải chỉ rõ những hành vi, âm mưu chống phá, thủ đoạn xấu độc, tính chất sai trái, phản khoa học, phi lịch sử, tính chất nguy hại… của các thông tin sai lệch, tin giả, quan điểm sai trái, thù địch liên quan vấn đề, lĩnh vực quản lý của mỗi cơ quan bộ ngành, địa phương. Từ đó, làm cơ sở chủ động công tác đấu tranh, phản bác có sức thuyết phục sâu sắc.
Thứ tư, các cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến địa phương vào cuộc chỉ đạo xây dựng trận địa thông tin và hợp đồng binh chủng các lực lượng, đặc biệt là các lực lượng công tác tuyên giáo các cấp. Quan tâm xây dựng các lực lượng chuyên nghiệp nắm vững quan điểm, đường lối, được đào tạo bài bản về công nghệ, về các kỹ năng thủ thuật thông tin, truyền thông.
Phát huy vai trò của mỗi cấp, mỗi cơ quan, đơn vị trong xây dựng lực lượng và tổ chức đào tạo, tập huấn. Công tác đào tạo tập huấn bao gồm cao cấp lý luận chính trị và đào tạo đặc biệt, trang bị kiến thức lý luận và thực tiễn một cách trực tiếp và cụ thể, phải đào tạo kỹ năng phương pháp đấu tranh nhạy bén, sáng tạo trong những tình huống cụ thể, vấn đề cụ thể hoặc tiêu biểu, liên hệ và vận dụng trên thực tế.
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân, trong đó lực lượng tuyên giáo các cấp là nòng cốt. |
Thứ năm, xây dựng thế trận lòng dân trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và cơ chế bảo vệ lực lượng, bảo vệ cán bộ, đảng viên và nhân dân, bảo vệ những điều tốt đẹp, bảo vệ người tốt, việc tốt và đấu tranh phản bác các thông tin sai lệch, xấu độc. Để xây dựng thế trận lòng dân, trước hết cần phát huy vai trò cấp ủy, người đứng đầu vừa chỉ đạo thực tiễn thực hiện nhiệm vụ chính trị vừa chỉ đạo lấy công tác tuyên truyền, vận động đi tiên phong, làm nòng cốt trong xây dựng và tăng cường niềm tin của nhân dân; làm sống động và lan tỏa những mô hình hay, gương người tử tế, nhất là những tấm gương lãnh đạo các cấp, cán bộ, đảng viên hy sinh, tận tụy với công việc, gần dân, giúp đỡ dân.
Thứ sáu, Đảng cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực hiệu quả của hệ thống chính trị, chuyển đổi mạnh mẽ phương thức quản lý theo hiệu quả công việc, chất lượng và số lượng sản phẩm công việc. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị, có phẩm chất, trình độ trí tuệ và năng lực thực tiễn là nhiệm vụ “then chốt của then chốt” để xây dựng và bảo vệ Đảng trong sạch, vững mạnh và làm trụ cột gây dựng, phát triển thế trận lòng dân. Tiếp tục chỉ đạo đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ, hiệu quả công tác cán bộ; từng bước chuẩn hóa, tăng cường kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, phát triển, ủng hộ, khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Kiểm soát chặt chẽ quyền lực, sàng lọc kỹ càng, thay thế kịp thời; chấm dứt tình trạng chạy chức, chạy quyền, bổ nhiệm cán bộ vì người mà không vì công việc./.
Lê Minh/TG