Phát huy tinh thần dân chủ và lá phiếu của niềm tin
Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (HÐND) các cấp là sự kiện chính trị – xã hội quan trọng của đất nước, luôn được cử tri cả nước quan tâm, cũng như nghiêm túc thể hiện trách nhiệm công dân qua từng lá phiếu. Song đối với các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí, thì đó lại được coi là cơ hội để thực hiện nhiều âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, vu khống, nhằm tiến công vào hoạt động thực thi dân chủ ở Việt Nam.
Theo dự kiến, ngày 23-5-2021 cử tri trên cả nước sẽ tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Ðể chuẩn bị cho sự kiện chính trị – xã hội quan trọng này, thời gian qua công tác chuẩn bị được nhiều cấp, ngành tích cực triển khai. Mới đây, ngày 19-6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 118/2020/QH14 về việc thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia, và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã ký ban hành Nghị quyết này. Nhiệm vụ của Hội đồng Bầu cử quốc gia là: tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV; chỉ đạo, hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 theo quy định của pháp luật; phối hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ðoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các cơ quan, tổ chức hữu quan thực hiện nhiệm vụ được giao. Các thông tin nêu trên nhanh chóng thu hút sự quan tâm của dư luận, vì đây là hoạt động biểu thị cho quyền làm chủ của nhân dân. Cử tri được trực tiếp lựa chọn các đại biểu xứng đáng đại diện cho quyền lợi của mình tham gia hệ thống cơ quan quyền lực nhà nước từ Quốc hội tới HÐND các cấp. Nhân cơ hội này, các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí lập tức khuếch trương cái lô-gích ngụy tạo “muốn xã hội phát triển phải có dân chủ – muốn có dân chủ phải thực hiện tam quyền phân lập – muốn có tam quyền phân lập phải thực hiện đa đảng” qua nhiều dị bản khác nhau nhằm tiến công vào cơ chế “Ðảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”, qua đó kích động, làm cho cử tri mơ hồ về quyền bầu cử của mình.
Về lý luận và thực tiễn, bầu cử là một trong những hoạt động quan trọng, biểu hiện cụ thể, rõ nét nhất việc thực hành dân chủ ở Việt Nam, luôn được tổ chức công khai, minh bạch. Mọi người dân trong xã hội đều được thực hiện quyền công dân qua việc được tự do tham gia bầu cử, bình đẳng trong sử dụng phiếu bầu. Ðây cũng được xem là một trong các quyền cơ bản về chính trị của công dân trong một xã hội luôn tôn trọng quyền con người. Không chỉ được trực tiếp tham gia bầu cử, công dân còn có quyền tự ứng cử. Như tại Ðiều 27, Hiến pháp 2013 quy định: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HÐND”. Qua đó, mọi người Việt Nam không phân biệt dân tộc, tín ngưỡng, vùng miền, nghề nghiệp, địa vị xã hội, giới tính đều có quyền bình đẳng như nhau, được tự do tham gia ứng cử nếu trên 21 tuổi và bầu cử nếu trên 18 tuổi. Chỉ những người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự mới không được ghi tên vào danh sách cử tri (Ðiều 30, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HÐND năm 2015). Ðó là các quy định quan trọng, là thể hiện của dân chủ, giúp bảo đảm quyền tự do, bình đẳng trong hoạt động bầu cử.
Sau Cách mạng Tháng 8-1945, Việt Nam đã trở thành một nước tự do, độc lập. Từ ngày đó, Ðảng và Nhà nước ta đã xác định mục tiêu duy nhất xây dựng nước Việt Nam dựa trên nền tảng cốt lõi là thực thi nguyên tắc dân chủ, tôn trọng mọi quyền lợi chính đáng của nhân dân. Vì chỉ có dân chủ mới thật sự phát huy được vai trò của mọi tầng lớp nhân dân vào sự phát triển đất nước. Chỉ một ngày sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc TỔNG TUYỂN CỬ với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật, H.2011, tập 4, tr.7). Ba tháng sau, ngày 6-1-1946 cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được tổ chức. Ðây là sự kiện trọng đại, là dấu mốc quan trọng trong lịch sử Việt Nam, khẳng định mọi người dân Việt Nam đã thật sự được làm chủ xã hội, được tự do lựa chọn người đại diện của mình để điều hành đất nước. Như Lời nói đầu bản Hiến pháp đầu tiên (năm 1946) của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa khẳng định: “Nước nhà đã bước sang một quãng đường mới. Nhiệm vụ của dân tộc ta trong giai đoạn này là bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ”. Hiến pháp năm 1946 cũng đồng thời xác lập các nguyên tắc quan trọng và rất tiến bộ của công tác bầu cử, đó là chế độ bầu cử phổ thông đầu phiếu, bỏ phiếu tự do, trực tiếp và kín (Ðiều 17); nhân dân có quyền bãi miễn các đại biểu mình đã bầu ra (Ðiều 20).
Từ Hiến pháp năm 1946 đến Hiến pháp năm 2013, các nội dung trên luôn được tiếp tục duy trì, bổ sung, hoàn thiện. Ðể bảo đảm nguyên tắc dân chủ trong hoạt động bầu cử, vai trò của MTTQ Việt Nam với tư cách là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, các dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã phát huy hiệu quả, đặc biệt trong việc thực hiện hiệp thương dân chủ, phối hợp, thống nhất hành động giữa mọi thành viên trong Mặt trận. Hiệp thương dân chủ luôn giữ vai trò rất quan trọng, vì chỉ dựa trên cơ sở hiệp thương dân chủ mới tập hợp được ý chí, nguyện vọng của mọi thành viên xã hội, giúp các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước thật sự phát huy vai trò trong cuộc sống. Nếu không có hiệp thương dân chủ thì sự phối hợp, thống nhất hành động giữa các thành viên chỉ mang tính hình thức. Riêng trong công tác bầu cử, MTTQ Việt Nam có trách nhiệm tổ chức hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HÐND; tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử; phối hợp với các cơ quan nhà nước hữu quan tổ chức hội nghị cử tri cấp xã, các cuộc tiếp xúc giữa cử tri với người ứng cử; tham gia tuyên truyền, vận động cử tri thực hiện pháp luật về bầu cử (theo Ðiều 19, Luật MTTQ Việt Nam). Ðây là giai đoạn quan trọng của quá trình thực hiện thủ tục bầu cử, giúp lựa chọn ứng cử viên bảo đảm đủ số lượng, chất lượng, đáp ứng đủ cơ cấu, thành phần để phân bổ theo địa phương, vùng miền phù hợp với thực tế. Theo đó, sẽ có ba hội nghị hiệp thương được tổ chức ở các cấp khác nhau, nhằm bảo đảm không bị sót lọt, chồng chéo.
Thực tế cho thấy công tác bầu cử ở Việt Nam được tổ chức khoa học, chặt chẽ, tuân thủ nguyên tắc dân chủ, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của cả xã hội, cũng như phát huy quyền làm chủ của mọi tầng lớp nhân dân. Người dân không chỉ thể hiện trách nhiệm công dân khi bầu người đại diện, mà còn có thể tự ứng cử. Việc tự ứng cử của cử tri là một biểu hiện rõ nét cho việc thực hành dân chủ. Từ kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội sau khi đất nước giành được độc lập, chủ trương này đã được triển khai. Qua 14 kỳ bầu cử từ năm 1946 đến nay, nhiều người tự ứng cử đã được lựa chọn, đưa vào danh sách chính thức (như: bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII năm 2011 có 82 người tự ứng cử; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV năm 2016 có 162 người tự ứng cử,…) và nhiều người đã trúng cử. Ðiểm cần nhấn mạnh nữa là để thực hiện dân chủ trong bầu cử, công dân Việt Nam không chỉ có quyền bầu cử, ứng cử, mà luật pháp Việt Nam còn tôn trọng và thực hiện quyền bãi miễn của nhân dân với đại biểu không còn xứng đáng với sự tín nhiệm, như khoản 2, Ðiều 7, Hiến pháp (2013) quy định: “Ðại biểu Quốc hội, đại biểu HÐND bị cử tri hoặc Quốc hội, HÐND bãi nhiệm khi không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân”. Và thực tế, nếu chỉ tính trong các khóa gần đây, cũng đã có một số đại biểu Quốc hội bị bãi nhiệm vì lý do này. Quy định nêu trên đòi hỏi đại biểu Quốc hội, HÐND các cấp do nhân dân bầu ra phải không ngừng trau dồi phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn, đạo đức cách mạng, nỗ lực cống hiến, xứng đáng với tín nhiệm của cử tri. Quy định về bãi nhiệm cũng tạo cơ chế kiểm soát quyền lực, thể hiện vai trò của nhân dân trong giám sát thực thi quyền lực nhà nước. Ðó là một biểu hiện cụ thể của dân chủ, nhân dân được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra mọi hoạt động của xã hội, và quyền lực nhà nước luôn nằm trong tay nhân dân.
Không ai có thể phủ nhận ở Việt Nam, việc thực hiện có hiệu quả nguyên tắc dân chủ trong bầu cử đã giúp tập hợp, phát huy tinh hoa của dân tộc trong mọi lĩnh vực hoạt động của xã hội, huy động được các tầng lớp nhân dân tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, kịp thời phát hiện các biểu hiện thiếu lành mạnh trong quá trình vận hành của bộ máy công quyền. Ðây là cơ sở giúp thúc đẩy sự phát triển của xã hội, tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam đạt những thành tựu đáng tự hào về mọi mặt. Sự thật hiển nhiên, sinh động ấy là câu trả lời xác đáng đối với các luận điệu, thủ đoạn chống phá của những kẻ lợi dụng dân chủ để xuyên tạc bản chất xã hội. Vì thế, tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HÐND các cấp không chỉ là thể hiện ý thức về dân chủ, mà còn thể hiện cả niềm tin vào tính ưu việt của cơ chế “Ðảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”, và thực hiện quyền bầu cử là một nỗ lực để mỗi người cùng với mọi người phấn đấu vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
(Nhân Dân)