Quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta là không thể phủ nhận!

Trong những năm qua, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của nước ta đã và đang đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, giúp củng cố, gia tăng niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Tuy nhiên, với bản chất thù địch của mình, các thế lực thù địch, phản động dùng mọi thủ đoạn để bôi nhọ, phủ nhận và chống lại quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước Việt Nam, hòng hạ uy tín đội ngũ cán bộ, đảng viên, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội; gây tâm lý hoài nghi, dao động, thiếu niềm tin, đặc biệt là niềm tin vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta trong nhân dân… Nhất là khi mới đây, tại Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII, một lần nữa Trung ương thống nhất cao cần tiếp tục đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi, kiên quyết đấu tranh, xử lý thật nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong toàn Đảng… càng khiến các thế lực xấu tức tối. Chúng lại tiếp tục rêu rao những luận điệu cũ không biết chán rằng: Việt Nam duy trì chế độ “độc đảng” sẽ không bao giờ chống được tham nhũng, chỉ khi nào thực hiện chế độ “tam quyền phân lập” để kiểm soát quyền lực thì mới có thể chống được tham nhũng; Đảng Cộng sản Việt Nam không thể đấu tranh chống tham nhũng, suy thoái, thoái hóa, biến chất trong đội ngũ cán bộ vì Đảng cũng tham nhũng, suy thoái… Thật là những luận điệu xảo trá, lố bịch của phường phản động! Sự thật thì sao?

Tham nhũng, suy thoái, thoái hóa, biến chất là hiện tượng mang tính xã hội, tồn tại ở mọi chế độ và bất cứ quốc gia nào vì nó luôn gắn với nhà nước và quyền lực khi bị tha hóa. Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, tham nhũng là tệ nạn nhức nhối, xảy ra với nhiều quốc gia trên thế giới, trong số đó đa số là các quốc gia thực hiện chế độ đa đảng, “tam quyền phân lập”, do giai cấp tư sản lãnh đạo, thậm chí ở một số quốc gia như Hàn Quốc, Malaysia, tình trạng tham nhũng còn xảy ra ở cấp nguyên thủ. Cũng theo đánh giá của tổ chức này, một số nước theo thể chế đa đảng, không do Đảng Cộng sản cầm quyền như: Colombia, Brazil, Malaysia…thuộc nhóm “nước tham nhũng nghiêm trọng”. Điều đó lý giải vì sao Liên hợp quốc có hẳn Công ước về chống tham nhũng và lấy ngày 09/12 hằng năm làm Ngày Quốc tế chống tham nhũng (International Anti-Corruption Day – IACD). Vậy mà các thế lực thù địch vẫn u mê không chịu thừa nhận thực tế mà suốt ngày ra rả luận điệu sai trái, chống phá Việt Nam, cho rằng “Việt Nam duy trì chế độ “độc đảng” sẽ không bao giờ chống được tham nhũng mà chỉ khi nào thực hiện chế độ “tam quyền phân lập” để kiểm soát quyền lực thì mới có thể chống được tham nhũng”.

Ở Việt Nam, tại nhiệm kỳ Đại hội XI, từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, toàn Đảng đã xử lý kỷ luật gần 1.400 tổ chức đảng và hơn 74.000 đảng viên ở các cấp. Trong số bị kỷ luật, có 82 tỉnh ủy viên và tương đương; hơn 1.500 huyện ủy viên và tương đương; gần 3.000 đảng viên bị kỷ luật bằng hình thức cách chức; hơn 8.700 bị khai trừ ra khỏi Đảng và hơn 4.300 cán bộ, đảng viên phải xử lý bằng pháp luật. Tiếp đó, đến nhiệm kỳ Đại hội XII, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 1.300 tổ chức đảng và 87.000 đảng viên; ngành Thanh tra, Kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 580.000 tỷ đồng, gần 9.000 ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm hơn 9.700 tập thể, cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hơn 480 vụ việc có dấu hiệu phạm tội; các cơ quan tố tụng cả nước đã phát hiện, khởi tố mới hơn 375.000 vụ án hình sự; đã kết thúc điều tra, ban hành cáo trạng truy tố, đưa ra xét xử sơ thẩm hơn 300.000 vụ án hình sự với hơn 500.000 bị cáo. Ngành Tòa án còn giải quyết, xét xử hơn 1.800.000 vụ việc dân sự, 32.000 vụ án hành chính… Những con số trên là minh chứng cụ thể cho quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước Việt Nam, một lần nữa phản bác luận điệu xuyên tạc cho rằng “Đảng Cộng sản Việt Nam không thể đấu tranh chống tham nhũng, suy thoái, thoái hóa, biến chất trong đội ngũ cán bộ vì Đảng cũng tham nhũng, suy thoái” của các thế lực thù địch.

Thực tế đã chứng minh, dù cho các thế lực thù địch có tung ra bao nhiêu luận điệu xảo trá, xuyên tạc đi chăng nữa thì vẫn chẳng thể nào làm mờ đi quyết tâm và thành quả chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta mà càng khiến công cuộc này thêm mạnh mẽ, quyết liệt và niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và sự phồn vinh của chế độ ngày càng bền vững hơn.

Mộc An

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *