Sẽ xem xét xử lý hình sự việc thông tin sai sự thật và khai báo y tế không trung thực trong phòng, chống dịch Covid-19

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 (bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra), trong thời gian qua, các cấp, các ngành từ Trung ương, Thủ tướng Chính phủ đến cấp cơ sở đã vào cuộc với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, đề cao cảnh giác, không lơ là, chủ quan trước dịch bệnh. Chúng ta bình tĩnh, chủ động, tích cực để chống nguy cơ bùng phát dịch. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn không ít đối tượng thiếu ý thức, chưa trung thực trong việc khai báo y tế dẫn đến hậu quả nghiêm trọng; có kẻ lợi dụng dịch bệnh để trục lợi hoặc một số đối tượng khác lại xuyên tạc thông tin gây hoang mang trong xã hội… Những hành vi này sắp tới sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Theo đó, trong Văn bản hướng dẫn về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng chống dịch bệnh Covid-19, gửi tới các chánh án toà dân sự và quân sự trên cả nước, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ghi rõ:

Những người mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh, người trở về từ vùng dịch nhưng trốn khỏi nơi cách ly, không tuân thủ quy định cách ly, không khai báo hoặc khai báo y tế gian dối… dẫn tới lây bệnh cho người khác sẽ bị coi có dấu hiệu phạm tội Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người, điều 240 Bộ luật Hình sự.

Người chưa bị xác định mắc Covid-19 và sống trong khu vực cách ly, phong tỏa nếu bỏ trốn hoặc từ chối áp dụng biện pháp cách ly… dẫn tới thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do chi phí phát sinh phòng chống dịch bệnh sẽ bị xử lý về tội Vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người, điều 295 Bộ luật Hình sự.

Chủ quán bar, vũ trường, karaoke, massager, thẩm mỹ viện… nếu cố tình kinh doanh khi đã có lệnh đình chỉ, dẫn tới thiệt hại trên 100 triệu đồng chi phí phòng chống dịch bệnh cũng bị xử lý theo điều 295.

Người có hành vi đưa thông tin thất thiệt lên mạng máy tính, viễn thông nhằm xuyên tạc về tình hình dịch bệnh hoặc đưa trái phép thông tin đời tư nhân viên y tế, người mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh… có thể bị xử lý về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, viễn thông (điều 288) hoặc tội Làm nhục người khác (điều 155).

Người có hành vi gian dối về công dụng của thuốc, vật tư y tế về phòng chống dịch Covid-19 để chiếm đoạt tài sản của người khác sẽ bị xử lý về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo điều 174.

Hành vi kiếm lời bằng cách lợi dụng khan hiếm hoặc tạo khan hiếm giả trong tình hình dịch bệnh để mua vét loại hàng hóa đã được Nhà nước định giá hoặc công bố là hàng bình ổn giá sẽ bị xử lý về tội Đầu cơ, điều 196.

Cũng theo TAND Tối cao, người có trách nhiệm phòng, chống Covid-19 nhưng không triển khai hoặc triển khai không đầy đủ, kịp thời các biện pháp phòng chống dịch bệnh dẫn tới hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử lý về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, điều 360.

Với các vụ án liên quan Covid-19, các tòa án cần phối hợp với VKSND cùng cấp nhằm áp dụng thủ tục rút gọn hoặc đưa ra xét xử không quá 1/2 thời hạn quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Như vậy, với hướng dẫn cụ thể như trên, chắc chắn những đối tượng cố tình không chấp hành và vi phạm pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 sẽ phải nói lời ăn năn, hối lỗi trước Tòa và đó chỉ là vấn đề thời gian mà thôi.

(NQ)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.