TẦM VÓC, GIÁ TRỊ, Ý NGHĨA LỊCH SỬ TO LỚN CỦA BẢN TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP NĂM 1945 CỦA VIỆT NAM LÀ KHÔNG THỂ XUYÊN TẠC
Thời gian gần đây, các tổ chức, nhà đài có quan điểm thù địch với nước ta như VOA, RFA, RFI, BBC… đã tán phát nhiều thông tin, bài viết xuyên tạc tầm vóc, giá trị, ý nghĩa lịch sử to lớn của bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo và đọc tại Quảng trường Ba Đình, Thủ đô Hà Nội vào ngày 02/9/1945. Chúng cho rằng, Bản Tuyên ngôn độc lập không mang giá trị nhân văn, là sự “vay mượn ý tưởng” Tuyên ngôn của nước Mỹ, nước Pháp… Đây là luận điệu hoàn toàn sai trái, cố tình xuyên tạc sự thật lịch sử nhằm hạ thấp tầm vóc trí tuệ, vai trò, uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phủ nhận thành quả cách mạng của Đảng và Nhân dân Việt Nam.
Với bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và đồng bào cả nước trịnh trọng tuyên bố trước toàn thế giới về sự ra đời của một Nhà nước mới: Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Bản Tuyên ngôn Độc lập là văn kiện lịch sử, pháp lý có tầm quan trọng đặc biệt của nước Việt Nam, nó chấm dứt ách đô hộ của thực dân Pháp, phát xít Nhật và chế độ phong kiến tồn tại trên đất nước ta hàng nghìn năm. Từ đó đã mở ra một thời kỳ phát triển mới cho dân tộc Việt Nam, đó là kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Mở đầu Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện tầm tư duy sâu sắc khi trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ năm 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 rằng: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”; “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Với lập luận này, Người đi đến khẳng định: “Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” và “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”. Vì thế, mỗi người dân Việt Nam và dân tộc Việt Nam đều có những quyền chính đáng ấy, không ai có thể tước đoạt được; và nếu bị tước đoạt, cả dân tộc Việt Nam sẽ kiên cường, đoàn kết, kiên trì chiến đấu để giành lại và quyết tâm bảo vệ.
Đánh giá về Bản Tuyên ngôn Độc lập 1945, Giáo sư Singô Sibata (Nhật Bản) nhận định rằng: “Cống hiến nổi tiếng của Cụ Hồ Chí Minh là ở chỗ Người đã phát triển quyền lợi của con người thành quyền lợi của dân tộc. Như vậy, tất cả mọi dân tộc đều có quyền tự quyết định lấy vận mệnh của mình”. Nhà sử học Na Uy Tonnesson đánh giá rằng: “Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 của Việt Nam nằm trong những nguồn cảm hứng chủ yếu của một đường lối đấu tranh lớn khác sau chiến tranh, đó là quá trình phi thực dân hóa. Trong các cuộc cách mạng cộng sản, cách mạng của người Việt Nam nổi lên như là một trong những cuộc cách mạng có sức sống và làm đảo lộn nhiều nhất”. Nhà sử học, nhà văn Lady Borton (Mỹ) cho rằng: “Cách chọn chữ rất hay của Hồ Chủ tịch “nó khiến ta liên tưởng đến huyền thoại gốc gác của Việt Nam trong đó Âu Cơ đẻ một bọc trăm trứng… “Đồng bào” ở đây có nghĩa là tất cả Nhân dân Việt Nam. Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 còn rất nhiều từ ngữ mang tính tập hợp toàn dân như “dân”, “nhân dân”, “dân tộc”. Không có một sự phân biệt nào…”.
Như vậy, từ những vấn đề trên cho thấy, Bản Tuyên ngôn độc lập 1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp soạn thảo và công bố trước toàn thế giới đã thể hiện trí tuệ sắc sảo và lỗi lạc của Người. Điều này càng khẳng định rằng: Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã và mãi mãi soi sáng con đường của dân tộc Việt Nam. Do vậy, không thể xuyên tạc, phủ nhận và cho rằng Bản Tuyên ngôn độc lập 1945 là sự ‘vay mượn ý tưởng’.
(QUANG MINH)