Tăng trưởng ấn tượng nhưng không chủ quan

Kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong năm 2019 với tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 6,8%, nợ công giảm gần 8 điểm % GDP so với năm 2016 và thương mại thặng dư liên tiếp bốn năm qua. Đây là những kết quả ấn tượng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chững lại. Đó là thông tin được Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam vừa đưa ra tại buổi công bố Báo cáo Điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam năm 2019.

Đưa ra những nhận định lạc quan về kinh tế Việt Nam không chỉ có Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam mà 1 tuần trước, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thậm chí còn dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2019 sẽ đạt 6,9%. Mới đây nhất, theo nhận định của Bộ Công thương, tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt khoảng 7% bởi kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) đã lần đầu tiên cán đích 500 tỷ USD sau đúng 2 năm sau khi đạt thành tích 400 tỷ USD. Đây là thành tích có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới suy giảm XNK. Điều này giúp Việt Nam xuất siêu năm thứ 4 liên tiếp và chỉ qua 11 tháng đầu năm, cả nước đã xuất siêu gần 11 tỷ USD, mức xuất siêu kỷ lục từ trước tới nay.

Góp điểm vào sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam là nhờ thành tích xuất khẩu. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng GDP của Việt Nam được duy trì nhờ vào khu vực kinh tế đối ngoại vững mạnh, với xuất khẩu dự kiến tăng 8% trong năm 2019 – cao hơn gần 4 lần so với bình quân trên thế giới. Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, bình quân dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cam kết gần 3 tỷ USD mỗi tháng. Bên cạnh đó, tiêu dùng cá nhân của các hộ gia đình là một yếu tố ngày càng quan trọng đóng góp cho tăng trưởng GDP, khi tầng lớp trung lưu đang lớn mạnh và mức lương tăng lên.

Dù đã đạt được những thành tích đặc biệt ấn tượng như vậy nhưng nền kinh tế của chúng ta cũng đang đứng trước những thách thức không nhỏ, nhất là nền kinh tế tăng trưởng quá phụ thuộc vào các tập đoàn nước ngoài. Chúng ta vẫn biết, hội nhập đang tạo điều kiện để Việt Nam thu hút nguồn vốn FDI thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Doanh nghiệp (DN) FDI cũng đánh giá tích cực về môi trường đầu tư ở Việt Nam và ồ ạt rót vốn. Sự lớn mạnh của DN FDI thể hiện rõ qua kim ngạch xuất nhập khẩu. Năm 2018 là năm kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,08%, cao nhất trong vòng hơn một thập niên vừa qua. Động lực đóng góp chính vào tăng trưởng, về phía sản xuất là khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) với ngành công nghiệp chế biến chế tạo và tiêu dùng nội địa, thặng dư thương mại.

Tuy nhiên, với độ mở lớn cùng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi các diễn biến kinh tế quốc tế. Trong khi đó, nhiều dự báo không mấy lạc quan về kinh tế thế giới với mức tăng trưởng chậm lại và tiềm ẩn yếu tố khó lường. Không chỉ là tác động từ kinh tế thế giới, việc tăng trưởng trong nước phụ thuộc vào khối FDI mà chủ yếu là các tập đoàn nước ngoài cũng là thách thức lớn cho tăng trưởng kinh tế năm 2019.

Chính vì vậy, cần tổ chức thực thi các cam kết hội nhập, từ việc nội luật hóa những cam kết trong các FTA cho đến việc đảm bảo tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng cho phù hợp với yêu cầu và thách thức trong các khung khổ hội nhập. Đặc biệt, tiếp tục nỗ lực trong hợp tác với các đối tác thương mại, nhất là đối tác có FTA để khai thác thị trường. Nếu không đồng bộ hóa các biện pháp đó bằng nỗ lực chung của tất cả các bộ, các ngành, cơ quan chức năng thì ta sẽ đánh rơi mất những lợi thế, cơ hội.

Một vấn đề nữa cũng ý nghĩa quyết định đó là khung khổ hợp tác công tư giữa cơ quan nhà nước với cộng đồng DN. Bởi chủ thể của hội nhập kinh tế cũng như hoạt động xuất khẩu chính là cộng đồng DN và cồng đồng DN phải lớn lên, mạnh lên đủ sức cạnh tranh để khẳng định thương hiệu Việt.

Như vậy có thể thấy, mặc dù các nhà dự báo lạc quan về tăng trưởng trong năm nay vẫn trong khả năng đạt được nhưng theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, nhiều khó khăn vẫn đang chờ đón ở phía trước. Để đạt được mục tiêu đề ra không có con đường nào khác là phải phân tích đúng những khó khăn, trở ngại, từng bước tìm giải pháp khắc phục, tránh lệ thuộc mà nên hướng tới một nền kinh tế phát triển thực sự từ nội lực. Muốn kinh tế tăng trưởng bền vững, tránh phụ thuộc cần xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh, công khai và minh bạch. Tất cả các thành phần kinh tế đều được đối xử như nhau, tránh tình trạng bên trọng, bên khinh làm ảnh hưởng đến quá trình hình thành, phát triển và đóng góp của cộng đồng DN.

daidoanket.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *