Thành quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là không thể phủ nhận

Hằng năm, vào dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, các thế lực thù địch, phản động bằng mọi âm mưu, thủ đoạn, với nhiều hình thức đã bóp méo sự thật, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành quả cách mạng của dân tộc.

Nhân dân Hà Nội chiếm Phủ Khâm sai , Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội tháng 8/1945. (Ảnh tư liệu)

Các thế lực đó cho rằng, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công không phải là do sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, không phải là sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc đứng lên làm cách mạng mà là nhờ một sự “may mắn” của hoàn cảnh lịch sử. Thậm chí, còn trắng trợn vu cáo, xuyên tạc lịch sử rằng “dù không có Đảng Cộng sản, nhiều thuộc địa vẫn giành được độc lập mà ít tốn xương máu. Sự hao tổn xương máu là do Đảng Cộng sản Việt Nam gây ra”.

Những luận điệu thiếu khách quan, sai sự thật, xuyên tạc lịch sử đó của là nhằm hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, hạ thấp, coi nhẹ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xem nhẹ vai trò và giá trị thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, từ đó làm cho nhân dân ta mất niềm tin vào Đảng và chế độ. Do đó, chúng ta cần tỉnh táo nhận diện, nâng cao tinh thần cảnh giác, sức đề kháng để tăng cường đấu tranh phản bác các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là kỳ tích vĩ đại có một không hai trong lịch sử Việt Nam thế kỷ XX, không phải là một cuộc cách mạng vội vàng, ngẫu nhiên, “ăn may” như các thế lực thù địch, phản động xuyên tạc, bóp méo. Để có được thành quả đó, toàn dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phải nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, kể cả sự hy sinh, mất mát cho việc chuẩn bị mọi mặt trong suốt 15 năm kể từ khi Đảng ta ra đời. Đó là sự chuẩn bị về chủ trương, đường lối; về xây dựng lực lượng chính trị; về xây dựng lực lượng vũ trang; về xây dựng căn cứ địa cách mạng; về xác định, lựa chọn thời cơ khởi nghĩa…

Về chủ trương, đường lối: Để có thành quả cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng ta đã có sự điều chỉnh về đường lối chiến lược và sách lược phù hợp. Từ việc tiến hành song song hai nhiệm vụ cách mạng là phản đế và phản phong, đến việc xác định nhiệm vụ trước mắt là giải phóng dân tộc. Thực hiện chủ trương kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, tiến từ khởi nghĩa từng phần đến Tổng khởi nghĩa với phương pháp đấu tranh phù hợp, chuyển từ đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ sang đấu tranh trực tiếp đánh đổ chính quyền của đế quốc và tay sai; từ hoạt động hợp pháp, nửa hợp pháp sang hoạt động bí mật và bất hợp pháp… Các quan điểm này được thể hiện nhất quán, xuyên suốt qua các cao trào cách mạng 1930 – 1931, 1936 – 1939, 1939 – 1945, mà đỉnh cao là cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945.

Về xây dựng lực lượng chính trị: Đảng ta xác định lực lượng chính trị quần chúng có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp cách mạng. Để xây dựng lực lượng chính trị quần chúng đông đảo, mạnh mẽ, cần có đội ngũ cán bộ nắm giữ các vị trí chủ chốt trong bộ máy lãnh đạo để liên kết các phong trào đấu tranh. Chính vì thế, ngay từ những ngày đầu thành lập, Đảng ta đã chú trọng xây dựng lực lượng chính trị. Đảng đã cử nhiều thanh niên ưu tú đi học tập, đào tạo tại các trường của Quốc tế Cộng sản để sau này về nước nắm giữ các chức vụ chủ chốt trong Đảng, trong các tổ chức cách mạng, truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào trong nước, trang bị lý luận cách mạng cho các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, Đảng đã thành lập một số tổ chức quần chúng để lập nên khối đại đoàn kết toàn dân đứng lên làm cách mạng cứu nước.

Về xây dựng lực lượng vũ trang: Để giành chính quyền cách mạng, Đảng chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang và xác định đây là lực lượng nòng cốt, trực tiếp tham gia chiến đấu, có vị trí vô cùng quan trọng, quyết định sự thành công của cách mạng.

 Hà Nội giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 qua tài liệu ảnh tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia.

Từ thực tiễn tình hình đầu những năm 1930, lực lượng vũ trang phát triển còn nhỏ lẻ, chưa có tổ chức, Đảng ta đã từng bước thành lập các đội du kích. Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5/1941) đã ra nghị quyết thành lập các đội tự vệ cứu quốc, tự vệ chiến đấu làm cơ sở cho đấu tranh ở địa phương cũng như Tổng khởi nghĩa trên phạm vi cả nước. Tháng 12 năm 1941, lãnh tụ Hồ Chí Minh quyết định thành lập Đội vũ trang Cao Bằng. Đây là quá trình thúc đẩy việc xây dựng lực lượng quân sự, bước đầu xác định những nguyên tắc cơ bản để tiến tới thành lập lực lượng vũ trang tập trung, làm nòng cốt cho toàn dân khởi nghĩa. Khi phong trào cách mạng phát triển, với chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, nhằm đẩy mạnh hình thức đấu tranh quân sự, tháng 12 năm 1944, Hồ Chí Minh ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, lực lượng nòng cốt cho các tổ chức vũ trang đánh giặc. Đây là sự kiện lịch sử quan trọng đánh dấu bước khởi đầu công cuộc xây dựng và phát triển quân đội cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Về xây dựng căn cứ địa cách mạng: từ so sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch, từ kinh nghiệm truyền thống của ông cha ta trong lịch sử giữ nước, Đảng ta đã tổ chức xây dựng các căn cứ địa cách mạng để tập hợp, xây dựng các tổ chức, lực lượng cách mạng và huấn luyện lực lượng này để chuẩn bị cho khởi nghĩa. Trên thực tế, các căn cứ địa cách mạng của ta đã phát huy tốt vai trò là nơi tổ chức, giữ gìn, phát triển lực lượng cách mạng và đảm bảo yếu tố thông tin liên lạc dễ dàng với cách mạng thế giới, đặc biệt là với Liên Xô và Trung Quốc. Từ năm 1940 đến năm 1945, Đảng ta đã tích cực chỉ đạo xây dựng và củng cố các căn cứ địa cách mạng. Hội nghị Trung ương 7 của Đảng (tháng 11/1940) chủ trương thành lập các căn cứ du kích, lấy Bắc Sơn – Võ Nhai làm trung tâm. Cuối năm 1940, Trung ương Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh lựa chọn Cao Bằng để xây dựng căn cứ địa cách mạng. Đến Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5/1941) quyết định duy trì và phát triển các căn cứ du kích Bắc Sơn, Võ Nhai, đồng thời mở rộng căn cứ địa Cao Bằng. Chỉ trong một thời gian ngắn, chúng ta đã xây dựng được một vùng căn cứ địa Việt Bắc rộng lớn cùng nhiều chiến khu và căn cứ vũ trang khác. Đây thực sự là những nơi trọng yếu chỉ đạo quá trình xây dựng, phát triển lực lượng cách mạng, là những trung tâm đầu não lãnh đạo lực lượng khởi nghĩa trên phạm vi toàn quốc.

Về xác định, lựa chọn thời cơ khởi nghĩa: Sự chỉ đạo tài tình của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh là đã nhạy bén nắm bắt sự biến đổi nhanh chóng và mau lẹ của tình hình thế giới để chờ cơ hội chín muồi tiến hành tổng khởi nghĩa. Việc chọn đúng thời cơ, ra quyết định Tổng khởi nghĩa đúng lúc thể hiện cụ thể trong Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” tháng 3 năm 1945 của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, bản Quân lệnh số 1 của Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc phát đi đêm 13/8/1945. Với sự chuẩn bị chu đáo, đầy đủ mọi yếu tố cho khởi nghĩa trong thời gian lâu dài và biết chọn đúng thời cơ khởi nghĩa mà sức mạnh của nhân dân ta trong Cách mạng Tháng Tám được nhân lên gấp bội, cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945 của dân tộc đã thắng lợi to lớn, triệt để, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

Từ những vấn đề trên, một lần nữa khẳng định, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố. Ngoài bối cảnh thế giới có những chuyển biến mau lẹ, thuận lợi thì yếu tố chủ quan vẫn là cơ bản, quyết định. Đặc biệt là vai trò lãnh đạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cách mạng Tháng Tám nổ ra và thành công là minh chứng hùng hồn khẳng định, Đảng ta đã nghiên cứu và vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin một cách linh hoạt, sáng tạo vào điều kiện cụ thể của đất nước, tình thế cách mạng để đề ra đường lối cách mạng đúng đắn, lựa chọn phương pháp cách mạng phù hợp. Cách mạng Tháng Tám thắng lợi hoàn toàn không phải là một sự “ăn may” mà là kết quả tất yếu của quá trình đấu tranh lâu dài, đầy gian khổ, hy sinh của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc cách mạng vĩ đại đó là một biểu tượng của tinh thần quật cường “đem sức ta mà giải phóng cho ta”, đó là sự kết tinh và toả sáng của sức mạnh nội lực Việt Nam.

Bên cạnh đó, Cách mạng Tháng Tám diễn ra dưới hình thức tổng khởi nghĩa nhưng hầu như không có đổ máu. Đó là do Đảng ta đã lãnh đạo sử dụng bạo lực cách mạng một cách hợp lý, bao gồm cả bạo lực chính trị và bạo lực vũ trang, kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng chính trị của toàn dân tộc và lực lượng vũ trang cách mạng, giữa đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị, trong đó đấu tranh chính trị là chủ yếu, làm nền cho đấu tranh vũ trang. Đến lượt mình, đấu tranh vũ trang làm chỗ dựa vững chắc và thúc đẩy đấu tranh chính trị đến cao trào, tiến tới một cuộc tổng khởi nghĩa toàn diện. Chính lực lượng chính trị của quần chúng, của toàn dân kết hợp với lực lượng vũ trang cách mạng, trong đó lực lượng chính trị đóng vai trò quyết định chủ yếu đã tạo nên sức mạnh to lớn của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, làm nên cuộc cách mạng ít đổ máu. Đảng Cộng sản Việt Nam và toàn thể dân tộc Việt Nam xứng đáng được hưởng thành quả trọng đại đó.

Những luận điệu xuyên tạc mà các thế lực thù địch, phản động nêu ra đối với cách mạng tháng Tám không gì khác vẫn là nhằm phủ nhận những thành quả, ý nghĩa lịch sử, giá trị thời đại, sức sống mãnh liệt của cuộc cách mạng và xa hơn là phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, phủ nhận sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, từ đó phủ nhận toàn bộ sự nghiệp cách mạng vĩ đại của nhân dân ta dưới dự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng. Giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Tám là không thể phủ nhận. Vì vậy, mọi mưu toan chống phá, sự suy diễn chủ quan, xuyên tạc, vu cáo về cuộc cách mạng này đều không có giá trị./.

TS Tống Thị Nga, Học viện Chính trị CAND

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *