“Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, bước điều chỉnh chiến lược trong phòng, chống dịch
Trong các đợt dịch lần thứ nhất, thứ hai, thứ ba, Việt Nam trở thành một trong những nước khống chế hiệu quả dịch bệnh COVID-19, là hình mẫu trong công tác phòng, chống dịch của thế giới với phương châm “chống dịch như chống giặc”; “phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình”.
Tuy nhiên, sau khi biến chủng Delta xuất hiện đã làm thay đổi tất cả, khiến cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 của thế giới thêm muôn phần khó khăn, làm thay đổi nhanh chóng tình hình tại nhiều quốc gia lớn trên thế giới như Ấn Độ, Nga, Mỹ và các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Từ tháng 4/2021 đến nay, tình hình dịch bệnh trên cả nước, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam diễn ra hết sức phức tạp; dịch bệnh thấm sâu trong cộng đồng và gây hậu quả nghiêm trọng trên tất cả các mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Cuộc sống của người dân bị đảo lộn hoàn toàn; hàng triệu người mất việc, điêu đứng vì dịch bệnh; nhiều địa phương thiệt hại lớn về kinh tế, thu ngân sách giảm sâu, đưa Việt Nam đối mặt với nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất.
Sau thời gian điều chỉnh trạng thái phòng, chống dịch từ “phòng ngự” sang “chủ động tấn công”; chính quyền nhiều địa phương đã tổ chức thực hiện hiệu quả các biện pháp chống dịch, đến nay dịch bệnh trên cả nước tuy vẫn còn ở mức cao, nhưng về cơ bản nước ta đã dần kiểm soát được dịch. Tỷ lệ tử vong đã giảm đáng kể; số ca bệnh được điều trị khỏi ngày càng tăng.
Từ thực tiễn tình hình và xu hướng chung của thế giới, yêu cầu tất yếu xây dựng xã hội an toàn, thích ứng, linh hoạt với COVID-19, ngày 11/10/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, có hiệu lực từ ngày 11/10/2021. Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ra đời đánh dấu bước chuyển lớn trong tư duy, nhận thức, quan điểm chống dịch của Việt Nam; là bước điều chỉnh chiến lược kịp thời, đúng đắn; là tiền đề, động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, đưa cuộc sống của người dân sớm trở lại trạng thái bình thường mới. Xác định quan điểm chung sống an toàn với dịch, xem COVID-19 như một phần của tự nhiên, dù không mong muốn vẫn không thể tránh khỏi, giống như không thể tránh bão lũ, hạn hán hay nhiều loại bệnh tật khác. Với mục tiêu “Bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do COVID-19; khôi phục và phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, phấn đấu trong năm 2021”, dựa trên 03 tiêu chí (gồm tỉ lệ ca mắc mới tại cộng đồng/số dân/thời gian; độ bao phủ vaccine; đảm bảo khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến) để đánh giá 04 cấp độ dịch bệnh khác nhau (nguy cơ thấp; nguy cơ trung bình; nguy cơ cao; nguy cơ rất cao), từ đó từng địa phương có biện pháp áp dụng thích ứng phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh.
Việc thay đổi quan điểm từ không có COVID-19 sang sống chung với COVID-19 sẽ không dễ dàng và thích ứng nhanh chóng trong hành động của mỗi người. Tuy nhiên, điều này là xu thế tất yếu, phù hợp với điều kiện thực tế và xu hướng chung của thế giới, góp phần đưa đất nước sớm phục hồi, bắt kịp đà phục hồi kinh tế của thế giới; đưa cuộc sống của người dân trở về trạng thái bình thường mới.
Cuộc chiến chống COVID-19 phía trước vẫn còn đang tiếp diễn, trong đó công tác phòng, chống dịch là cơ bản, lâu dài, đòi hỏi sự tham gia của tất cả các lực lượng, tầng lớp Nhân dân trong xã hội. Mọi người hãy thay đổi tư duy, chung tay hành động, cùng nhau đoàn kết thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tuân thủ đúng các quy định, hướng dẫn, chỉ dẫn về phòng, chống dịch, xây dựng xã hội an toàn với COVID-19 trong bối cảnh hoàn toàn mới.
(V)