TÔN GIÁO KHÔNG THỂ TÁCH RỜI VẬN MỆNH DÂN TỘC, ĐẤT NƯỚC!
Mối quan hệ giữa dân tộc và tôn giáo là một nội dung quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về tín ngưỡng tôn giáo. Theo Người, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là cơ sở vững chắc nhất để thực hiện các quyền cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Vì tôn giáo tồn tại trên mảnh đất dân tộc nên tôn giáo không thể nằm ngoài mối quan hệ với dân tộc, không thể tách rời vận mệnh dân tộc, đất nước; đấu tranh cho độc lập dân tộc chính là đấu tranh cho quyền độc lập của các tôn giáo, giải phóng đất nước cũng chính là giải phóng mảnh đất mà trên đó các tôn giáo tồn tại trong mối quan hệ chặt chẽ với dân tộc. Việc xem xét và giải quyết vấn đề tôn giáo trong mối quan hệ với vấn đề dân tộc cũng như gắn quyền độc lập dân tộc với quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh là hoàn toàn phù hợp với mục tiêu hành đạo của các tôn giáo chân chính. Đó là xoá bỏ tình trạng áp bức, bóc lột, bất công và mong muốn cho tất thảy mọi người được sống trong hoà bình, hữu nghị và bình đẳng – một thế giới đại đồng, không có chế độ người bóc lột người, như lời Đức Phật dạy: “Lợi lạc quần sinh, vô ngã vị tha” (đem lại lợi ích và vui sướng cho mọi người, quên mình vì người khác), hay lời răn của Thiên Chúa “Chúa Cơ đốc sinh ra làm gương mọi giống phúc đức như: hy sinh vì nước vì dân, làm gương lao động, công bằng ruộng đất, tin thờ Chúa bằng tinh thần”…
Ấy vậy mà, vẫn có những tổ chức, cá nhân cố tình tuyệt đối hóa tự do tôn giáo mà lờ đi nghĩa vụ công dân. Họ vì những động cơ, lợi ích khác nhau đã cố tình lợi dụng sự hiểu biết chưa đầy đủ của một bộ phận đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo, cùng với sự hà hơi, tiếp sức của các thế lực thù địch trong và ngoài nước trắng trợn xuyên tạc, bịa đặt về tình hình tôn giáo ở Việt Nam, xuyên tạc chính sách của Đảng, Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, một số người có chức sắc trong tôn giáo còn kích động giáo dân thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây phức tạp tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc… Những việc làm này đã làm trái lại giáo lý, đi ngược lại nguyện vọng, ý chí của đại đa số chức sắc, tín đồ và bị các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá, cổ súy cho cái gọi là tự do tôn giáo một cách vô thiên vô pháp, đòi tôn giáo đứng ngoài pháp luật, độc lập với Nhà nước…
Cần nhớ rằng, để có thể thực hiện được quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, trước hết mỗi người phải tồn tại với tư cách là một công dân của một đất nước. Điều này đồng nghĩa với việc mọi người trong khi thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo phải đồng thời thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của một công dân đối với nhà nước và xã hội. Cũng giống như ở nhiều quốc gia khác, ở Việt Nam tôn giáo được tự do hoạt động nhưng phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Cùng với việc tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, Việt Nam cũng nghiêm cấm việc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật, ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, đến sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, xâm hại đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm và danh dự của công dân, trái với thuần phong mỹ tục, cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân… Tuyệt đối hóa tự do tín ngưỡng, tôn giáo, lợi dụng chính sách của Đảng, Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, tự cho mình có quyền không thực hiện nghĩa vụ công dân thực chất là hành động vi phạm pháp luật. Điều đó cũng đồng nghĩa với tự tước đi quyền làm người, tự loại mình ra khỏi đời sống cộng đồng, xã hội. Chỉ có kẻ bất trí mới làm như vậy!
Mộc An