Thực hiện hòa giải, hòa hợp dân tộc là một chính sách đầy tính nhân văn, hợp lòng dân của Đảng và Nhà nước Việt Nam

Lâu nay, vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc được sự quan tâm của dư luận trong nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Qua theo dõi thông tin trên các phương tiện truyền thông, các diễn đàn tranh luận ở hải ngoại cho thấy, chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc của Đảng, Nhà nước Việt Nam ngày càng được đông đảo người dân đồng tình ủng hộ.

Bên cạnh đó, có một bộ phận người Việt Nam ở nước ngoài chỉ vì thành kiến đối với Đảng và Nhà nước Việt Nam hoặc bị mặc cảm bởi những việc làm không có lợi cho quê hương, đất nước trong quá khứ mà không hưởng ứng chính sách hòa hợp dân tộc của Đảng và Nhà nước ta, không dám trở về Việt Nam để chứng kiến những đổi thay, những thành tựu đáng tự hào của đất nước. Họ vẫn bám víu vào những luận điệu lạc lõng, không đúng thực tế để biện luận, vu cáo, xuyên tạc, nói xấu Đảng, Nhà nước Việt Nam, hòng lôi kéo những người nhẹ dạ, cả tin và hầu như chưa biết một chút gì về tình hình thực tế ở Việt Nam, về chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Họ cay cú với những ai đồng thuận trở về Việt Nam và tìm mọi cách ngăn cản, phá hoại. Nhưng, họ càng ngăn cản, càng chống phá lại càng thất bại. Bởi, chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước Việt Nam dành cho người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng thể hiện rõ nét, được đông đảo người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước ủng hộ.

Chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc của Đảng và Nhà nước ta là nhất quán, có ý nghĩa nhân văn cao cả, thể hiện truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã thể hiện rất rõ quan điểm: Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước. Cơ sở của sự đoàn kết là ý thức dân tộc và lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và mục tiêu chung của mọi người Việt Nam là giữ vững nền độc lập dân tộc, thống nhất của Tổ quốc, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai. Mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu trên đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thực tiễn đã chứng minh, Đảng, Nhà nước ta luôn tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân trong nước mở rộng quan hệ, tiếp xúc với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, kể cả những người còn định kiến với Nhà nước và chế độ, khơi dậy tinh thần dân tộc và tạo điều kiện để họ được trở về quê hương. Đặc biệt, đã có bước đột phá trong tiếp xúc, thuyết phục các đối tượng chống đối và tổ chức cho một số đối tượng về nước để họ trực tiếp chứng kiến, nhìn nhận khách quan đối với sự thay đổi tích cực của Việt Nam. Nhà nước ta đã chủ động đàm phán, ký kết nhiều điều ước quốc tế, hiệp định lãnh sự, hỗ trợ tư pháp với nhiều nước, để bảo vệ lợi ích chính đáng của kiều bào, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con về địa vị pháp lý và việc làm, ổn định cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng. Nhờ đó, nhiều kiều bào ta đã hiểu rõ hơn về đất nước, dần xóa bỏ mặc cảm, định kiến, hận thù, đoàn kết, gắn bó cùng nhau trên con đường hòa hợp, đoàn kết bền vững. Đặc biệt, nhiều người Việt ở nước ngoài dù trước đây có rất nhiều hành động chống phá, nhưng Nhà nước Việt Nam vẫn mở rộng vòng tay đón họ trở về với Tổ quốc thân yêu của mình.

Có thể khẳng định rằng, thực hiện hòa hợp, hòa giải dân tộc là một chính sách đúng đắn, hợp lòng dân của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Hy vọng rằng, con dân nước Việt, nhất là bà con người Việt ở nước ngoài trong thời gian tới tiếp tục hưởng ứng và thực hiện tốt chính sách tốt đẹp này, để cùng nhau chung tay phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam  “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

(NTCS)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *