Thực hiện tái hòa nhập cộng đồng đối với người bị kết án phạt tù – Một chính sách nhân đạo, nhân văn của Nhà nước

Trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước ta luôn luôn quán triệt phương châm “trừng trị kết hợp với giáo dục” với nhiều chính sách pháp luật mang tính nhân văn, nhân đạo, khoan hồng, bảo đảm các quyền đối với người có quá khứ phạm tội.

Ảnh minh họa

Thực hiện chủ trương của Đảng, ngày 16/9/2011 Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2011/NĐ-CP “Quy định các biện pháp đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù” (gọi tắt là Nghị định số 80/CP). Đây là các biện pháp nằm trong hệ thống những biện pháp mà Nhà nước áp dụng nhằm mục đích ngăn ngừa, hạn chế, loại trừ những nguyên nhân tái phạm tội người chấp hành xong án phạt tù; trong đó, mục tiêu cao cả, mang tính nhân văn, nhân đạo đó là đề cao trách nhiệm của toàn xã hội không kỳ thị, xa lánh, phân biệt đối với người đã bị kết án phạt tù và cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ để người chấp hành xong án phạt tù xóa bỏ tự ti, mặc cảm, tạo điều kiện thuận lợi cho họ hòa nhập cộng đồng, được lao động ổn định cuộc sống, trở thành người lương thiện, có ích cho gia đình và xã hội.

Trong những năm qua, tỉnh Phú Yên đã tổ chức triển khai, thực hiện tốt Nghị định số 80/CP, và các quy định quan việc thực hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng, giúp đỡ tạo điều kiện thuận lợi cho họ tái hòa nhập cộng đồng. Đối với những người đang chấp hành án phạt tù tại Trại tạm giam, Nhà tạm giữ đều được phổ biến, giáo dục, học tập về pháp luật, trang bị kỹ năng tìm kiếm việc làm nhằm định hướng và nâng cao khả năng tự giải quyết những khó khăn, vướng mắc của bản than khi chấp hành xong án phạt tù, về nơi cư trú. Các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương thường xuyên gặp gỡ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, gần gũi, động viên những người đã chấp hành xong án phạt tù về địa phương, khắc phục những khó khăn trong cuộc sống, tu chí làm ăn để hòa nhập với cộng đồng, tạo điều kiện cho họ ổn định tâm lý, lao động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, tham gia tích cực vào các hoạt động văn hóa, xã hội ở địa phương.

Kết quả của việc triển khai thực hiện đồng bộ của các cấp, các ngành, đoàn thể đã giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, tạo điều kiện cho họ tham gia các hoạt động như Câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”, tổ Tiết kiệm – vay vốn và hoạt động sinh hoạt văn hóa ở cơ sở; tư vấn, hướng dẫn học nghề phù hợp với khả năng; bảo lãnh cho họ được vay vốn của các Ngân hàng để đầu tư sản xuất, chăn nuôi. Thời gian qua, có hàng trăm người chấp hành xong án phạt tù về địa phương được vay vốn Ngân hàng với số tiền từ 10 – 100 triệu đồng/người để làm vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh đã mang lại hiệu quả rõ nét, nhiều người làm giàu trên chính quê hương của mình. Điển hình như Ông Lê Ngọc Trân (huyện Tây Hòa) chấp hành xong án phạt tù về địa phương, được vay 30 triệu đồng, đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm cho thu nhập bình quân 200 triệu đồng/năm; tham gia Tổ bảo vệ dân phố rất tích cực, được Bộ Công an, UBND tỉnh khen thưởng. Ông Phan Đình Thế (huyện Sông Hinh) ra tù về nơi cư trú phấn đấu tốt đã từng được làm Chánh văn phòng UBND xã; mở lớp dạy văn hóa chương trình từ lớp 1 đến lớp 5 miễn phí cho 60 con em đồng bào DTTS tại địa phương; giúp đỡ cảm hóa nhiều người DTTS cùng cảnh ngộ trở thành người tốt, được Bí thư Tỉnh ủy tặng Bằng khen về Dân vận khéo. Ngoài ra, hàng trăm người chấp hành xong án phạt tù đã hòa nhập cộng đồng sinh sống trên toàn tỉnh, họ được bảo đảm các quyền bình đẳng theo quy định pháp luật; đã và đang nỗ lực phấn đấu làm giàu cho gia đình và quê hương, tham gia tích cực vào công tác xã hội, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Phú Yên.

Qua những kết quả trên có thể khẳng định, minh chứng về tính nhân đạo, nhân văn trong chính sách hình sự của Đảng, Nhà nước ta đối với người có quá khứ lầm lỗi đã đi vào thực tiễn đời sống xã hội; quyền con người dù mang “thân phận” nào cũng đều được bảo đảm theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, đó là bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam./.

Que Nguyen

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *