Thực hiện thắng lợi sứ mệnh tuyên giáo “đi trước, mở đường” (Tiếp theo và hết)
Trong điều kiện mới, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) mang đến nhiều cơ hội, đồng thời đặt ra không ít thách thức, ảnh hưởng trực tiếp đến ngành tuyên giáo và công tác tuyên giáo (CTTG).
Làm gì để CTTG “đi trước, mở đường” là bài toán không chỉ của riêng ngành tuyên giáo mà còn thuộc trách nhiệm của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong đó, trước hết phải nhận diện, tẩy bỏ được những sai lệch, thiển cận trong tư duy, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên về vai trò, sứ mệnh của CTTG và công tác tư tưởng (CTTT) trong kỷ nguyên số.
1. Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, dù tuổi đã cao, sức yếu, nhưng niềm trăn trở của vị tướng dạn dày trận mạc và giàu kinh nghiệm tiến hành CTTT lại rất thấm thía và nóng hổi tính thời sự. Rằng nếu như ngày trước, trong những năm tháng chiến tranh, mỗi lời hiệu triệu của Đảng đưa ra ngay lập tức được toàn dân, toàn quân đồng lòng thực hiện, vì mục tiêu chung là đánh thắng kẻ thù xâm lược, thì trong điều kiện hiện nay, trước ảnh hưởng bởi những toan tính lợi ích vật chất đơn thuần và tác động của mặt trái kinh tế thị trường, CTTT gặp không ít khó khăn, vướng mắc nảy sinh, đòi hỏi tìm tòi về những cách làm sáng tạo, khác biệt. Hơn thế, sự phát triển của công nghệ thông tin (CNTT), công nghệ số đã hình thành thêm một kiểu xã hội mới-xã hội ảo, tồn tại song song với xã hội hiện thực. Chính điều đó càng đặt ra những khó khăn mới cho CTTT.
Trong xã hội ảo lại đang hình thành một kiểu sống mới-kiểu sống ảo. Mỗi ngày, người dân thường bắt đầu và kết thúc bằng những tin nhắn thông báo từ tài khoản Facebook, Zalo, Viber… trên những chiếc điện thoại thông minh. Thậm chí, một bộ phận người dân lại thích sống ảo trong xã hội ảo hơn là xã hội thật. Dù là xã hội ảo, nhưng CTTT bắt buộc phải được tiến hành “thật” trong xã hội ảo-nơi mà các vấn đề về dư luận, tin đồn, tâm lý a dua, thích phán xét, cổ xúy… là những biểu hiện tư tưởng, tâm lý rất khó dự đoán, nhận diện, phân tích, tổng hợp, khống chế, định hướng một cách hiệu quả.
Hơn thế, khi nắm bắt rõ những tác động tiêu cực khách quan của xã hội ảo, thời gian qua, lực lượng thù địch, chống phá không ngừng “biến đổi”, “cách tân” phương thức tác chiến và thủ đoạn chiến tranh tâm lý; đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng với nhiều chiêu trò, âm mưu, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, thâm độc; nhất là thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở một bộ phận cán bộ, đảng viên thông qua quá trình khai thác, sử dụng, tương tác mạng xã hội; sử dụng lực lượng này như một loại công cụ đắc lực, chĩa mũi nhọn vào chống phá quyết liệt, hòng mục tiêu gây rối từ bên trong. Bài học từ các vụ việc tụ tập đông người gây rối trật tự an ninh xã hội… ở nhiều tỉnh, thành phố diễn ra vào cùng một thời điểm (năm 2019) đã cho thấy những tác hại khôn lường do âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng trên lĩnh vực tư tưởng và các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên được phơi bày trên không gian mạng.
Bởi thế, hơn lúc nào hết, hơn ai hết, ngành tuyên giáo cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chiến lược đi trước, đón đầu về xây dựng con người và phương tiện, trang bị CNTT hiện đại, phục vụ hiệu quả vào hoạt động nghiệp vụ tuyên giáo. Phải nhanh chóng khắc phục, đẩy lùi thực trạng về cán bộ tuyên giáo (CBTG) ở một số nơi chưa thật sự chủ động, hòa nhập, chưa bắt kịp yêu cầu cao về nghiệp vụ tuyên giáo trong kỷ nguyên số. Khắc phục triệt để tình trạng người làm tuyên giáo phải “chạy theo” thông tin trên mạng xã hội một cách thụ động, bị lạc hậu thông tin.
Cùng với đó, CTTT cần phải được tiến hành bình tĩnh, thận trọng và tuyệt đối không chủ quan, buông lỏng. Cần “chà đi xát lại” thông tin trên không gian mạng, bám sát đường lối, quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để định hướng tư tưởng, dư luận. Phải hết sức thận trọng trong bối cảnh các thế lực thù địch trắng trợn bịa đặt, hoặc làm lệch lạc thông tin chính thống, đánh lạc hướng dư luận, gây hoang mang, rối bận, nhiễu loạn tư tưởng, dư luận trong dân.
Để hoàn thành sứ mệnh được phó thác, đội ngũ CBTG cần đặt lên hàng đầu việc rèn luyện tư duy chính trị, bản lĩnh chính trị, nhãn quan chính trị; nhận diện và tuyên truyền, vận động cán bộ, quần chúng tỉnh táo, không a dua, “theo đóm ăn tàn”, “chạy theo” dư luận tiêu cực; đồng thời chủ động đấu tranh, khêu gợi, định hướng tư tưởng và dư luận cộng đồng mạng. Cấp ủy đảng các cấp, mọi tổ chức, cá nhân không được phép buông lỏng CTTT; phải đẩy mạnh nắm bắt, giữ vững ổn định chính trị, tư tưởng toàn xã hội và trên không gian mạng; kịp thời ngăn chặn và đẩy lùi nguy cơ xâm lăng, xâm lấn về hệ tư tưởng, văn hóa ngoại lai, đồi trụy… huy động toàn dân tham gia vào cuộc chiến trên không gian mạng, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.
2. Việt Nam là một trong những quốc gia được đánh giá hàng đầu về sự ổn định chính trị, tư tưởng. Song, CTTT cần phải sớm đổi mới đồng bộ, toàn diện. Trước hết, phải quyết liệt thay đổi tư duy và nhận thức của một số cấp ủy và ngay cả những người làm CTTG; nhất là việc nhận thức thiếu thống nhất về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của CTTG. Thậm chí còn có sự nhầm lẫn giữa CTTG với CTTT; CTTG với cơ quan tuyên giáo. Sự thiếu thống nhất này gây nhiều trở ngại trong nhận thức và thực hiện CTTG cũng như tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng nguồn lực tiến hành CTTG. Cùng với đó, ở nhiều nơi vẫn còn tình trạng phó thác, khoán trắng CTTT cho ngành tuyên giáo và đội ngũ CBTG. Nhiều cán bộ công tác trong bộ máy chính quyền và tổ chức xã hội ở cơ sở hiện nay vẫn vô tư “đứng ngoài cuộc”, chưa nhận thức được trách nhiệm trong tham gia vào CTTG nói chung, công tác vận động, tuyên truyền, định hướng tư tưởng cho người dân nói riêng.
Những biểu hiện nêu trên là rất nguy hại, cũng chính là mầm mống của “tự chuyển hóa” trong hàng ngũ cán bộ và tổ chức. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “lãnh đạo tư tưởng là việc quan trọng nhất của Đảng, phải kiên quyết chống cái thói xem nhẹ tư tưởng”. Trong buổi làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương (ngày 1-8-2018), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (nay là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước) cũng yêu cầu cơ quan chức năng phải quyết liệt phát hiện, đẩy lùi tình trạng “khoán trắng” CTTT cho ban tuyên giáo các cấp, mà các cấp ủy, chính quyền, mặt trận đoàn thể phải có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ quan trọng này.
Nhận thức rõ những tồn tại và bám sát chỉ đạo trên, Ban Tuyên giáo Trung ương đã nhiều lần thể hiện rõ quan điểm trong các văn bản, thẳng thắn phê bình: Sự phối hợp giữa ban tuyên giáo các cấp và các cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp chưa thường xuyên, liên tục, có lúc, có nơi thiếu chủ động, chưa chặt chẽ, nên công tác tuyên truyền còn hạn chế, chưa tạo được sự thống nhất cao trong tổ chức thực hiện hiệu quả một số chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nguyên nhân của thực tế này được xác định là do tâm lý xem nhẹ CTTT, mặc định và trông chờ sự chỉ đạo, phối hợp từ phía cơ quan tuyên giáo.
Cùng với đó, một bộ phận không nhỏ nhân dân cho rằng CTTG là của Đảng, của hệ thống chính trị, của cơ quan tuyên giáo, CBTG. Vì vậy, ở nhiều nơi, người dân đã và đang hiện hữu một dạng tâm lý bị động, trông chờ được cán bộ đến tuyên truyền, giáo dục, mà chưa thấy hết trách nhiệm của mình là phải đi vận động những người xung quanh, làm tư tưởng lẫn nhau trong cuộc sống thường nhật; nhắc nhở, tháo gỡ cùng nhau những khuất tất trong suy nghĩ, tâm lý; thông tin tới cơ quan chức năng những nảy sinh tư tưởng, dư luận tiêu cực, tin đồn thất thiệt… Thực tế đó càng đòi hỏi đội ngũ CBTG phải gần dân, sát dân nhiều hơn nữa; cần tuyên truyền, giáo dục và định hướng nhân dân cùng tham gia CTTT, làm sao để mỗi người dân phải thật sự là một chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng.
3. Thực tiễn cho thấy, CTTT hay CTTG luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Đảng trong các giai đoạn cách mạng, nhất là trong thời kỳ chiến tranh giải phóng dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Công tác lãnh đạo tư tưởng là quan trọng nhất. Trong Đảng và ngoài Đảng có nhận rõ tình hình mới, hiểu rõ nhiệm vụ mới, thì tư tưởng mới thống nhất, tư tưởng thống nhất thì hành động mới thống nhất”.
Trong bối cảnh hiện nay, tình hình đang đặt ngành tuyên giáo và CTTT của Đảng đứng trước “cuộc chiến” gay go, phức tạp, với yêu cầu đòi hỏi cao hơn về trình độ tiến hành, chất lượng đạt được. Điều này đòi hỏi sự huy động nguồn lực đầu tư cho ngành tuyên giáo phải có những điều chỉnh mạnh mẽ, chuyển biến cả về “lượng” và “chất” thì mới có thể giúp ngành đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao trong điều kiện mới.
Ngay từ Nghị quyết Trung ương 5, khóa X (năm 2007), Trung ương đã thẳng thắn chỉ rõ: “Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với CTTT, lý luận chưa đúng tầm trong điều kiện Đảng cầm quyền”. Cho đến nay, dù CTTG đã được chú trọng, nhưng công bằng mà nói, nguồn lực nói chung, ngân sách nói riêng đầu tư chưa đúng mức, đúng tầm và tương xứng để ngành tuyên giáo hoạt động thuận tiện, hiệu quả trong kỷ nguyên số hiện nay và thời gian tới. Đáng ngại hơn là nhận thức của một bộ phận cấp ủy, người đứng đầu về tác hại, nguy hiểm của chiến tranh tâm lý, đấu tranh tư tưởng trên không gian mạng chưa theo kịp sự phát triển của tình hình, dẫn đến biểu hiện chủ quan, bị động trong đầu tư cho CTTG. Vì vậy, nhất thiết phải có sự thay đổi đồng bộ, từ trên xuống về mặt nhận thức và hành động để dành nguồn lực lớn hơn, kịp thời và đầy đủ hơn cho CTTT của Đảng.
Đặc biệt, với vai trò là nhân tố quyết định chất lượng CTTG và CTTT, nhưng đội ngũ CBTG các cấp, nhất là ở cấp cơ sở thời gian qua chưa được thật sự quan tâm bồi dưỡng, xây dựng đồng bộ, toàn diện. Thực tế cho thấy, chất lượng đội ngũ CBTG cấp huyện, xã… ở một số nơi còn nhiều hạn chế. Ở không ít địa phương, CBTG cấp xã chủ yếu là kiêm nhiệm hoặc bán chuyên trách. Hơn nữa, từ sau khi thực hiện Nghị quyết 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), với tinh thần tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đội ngũ CBTG ở cấp cơ sở càng thu gọn lại, ít hơn, trong khi CTTG trong thực tiễn và trên không gian mạng càng mở rộng, phức tạp hơn so với trước. Bên cạnh đó, công tác điều động, luân chuyển CBTG còn nhiều bất cập; việc “chiêu hiền đãi sĩ” cho ngành tuyên giáo còn nhiều vướng mắc, rào cản vô hình không dễ giải quyết một sớm, một chiều.
Trước tác động của cuộc CMCN 4.0, yêu cầu phải nâng cao chất lượng đội ngũ CBTG đang đặt ra cấp thiết, nhất là phải có những chuyên gia hàng đầu trên lĩnh vực này. Để giải quyết vấn đề nêu trên, cần xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu, chất lượng cao cho ngành tuyên giáo, đúng như mong muốn và chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBTG để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới hiện nay; tuyệt đối trung thành, kiên định, vững vàng, biết cách tổ chức công việc, có dũng khí đấu tranh… phải nói được, làm được, thuyết phục được, không để bị mua chuộc bởi các thế lực xấu, thù địch. Phương pháp phải dân chủ, chân thành, không thể gò ép, áp đặt, mệnh lệnh; phải rất tinh tế, đi vào lòng người”.
Ngành tuyên giáo, CBTG phải là lực lượng tiên phong trong ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ; xung kích, mở đường để đưa một quốc gia đang phát triển năng động như Việt Nam chủ động đón bắt thời cơ của cuộc CMCN 4.0, phục vụ công cuộc đổi mới và phát triển. Sớm hiện đại hóa hoạt động trong tất cả lĩnh vực CTTG để đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả, tạo sự thống nhất cao trong Đảng và sự đồng thuận trong toàn xã hội.
Với bề dày truyền thống 90 năm, với thực lực đội ngũ sẵn có, cùng nền tảng thành quả to lớn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chắc chắn ngành tuyên giáo sẽ vững vàng vượt qua mọi thách thức, tận dụng nhiều thời cơ, hoàn thành thắng lợi sứ mệnh “đi trước, mở đường”, góp phần đưa dân tộc Việt Nam bước sang một thời kỳ mới, đạt nhiều thành quả cách mạng mới!
TẤN TUÂN – QUANG THẮNG – TRẦN CHIẾN/QĐND