Thực tiễn cách mạng Việt Nam góp phần bác bỏ sự xuyên tạc, phủ nhận giá trị của Cách mạng Tháng Mười Nga

Một trong những giá trị to lớn, có ý nghĩa thời đại mà Cách mạng Tháng Mười Nga để lại là mở ra thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Giá trị đó tồn tại mãi với thời gian, nhưng cũng đứng trước nhiều mưu toan xuyên tạc, phủ nhận của các thế lực thù địch. Mặc dù vậy, những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của cách mạng Việt Nam là thực tiễn sinh động, góp phần bác bỏ mọi xuyên tạc, phủ nhận giá trị của Cách mạng Tháng Mười.

Lãnh tụ Đảng Bolshevich V. I. Lenin tuyên bố thành lập chính quyền Xô Viết tại Đại hội Xô Viết toàn Nga ngày 07-11-1917 tại điện Smolnya. (Ảnh tư liệu)

Đánh giá ý nghĩa và giá trị to lớn của Cách mạng Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cách mạng Tháng Mười mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc và cả loài người, mở đầu một thời đại mới trong lịch sử, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới”1. Ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười đã cổ vũ hàng triệu triệu người bị áp bức, bóc lột trên thế giới vùng lên đấu tranh giành độc lập, tự do và mưu cầu hạnh phúc, dẫn tới thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc ở nhiều nước trên các lục địa Á, Phi, Mỹ La-tinh và sự ra đời của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới trong thế kỷ XX.

Tuy nhiên, sự kiện Liên Xô tan rã vào cuối thế kỷ trước đã được các thế lực thù địch, cơ hội chính trị tận dụng để ra sức xuyên tạc, phủ nhận ý nghĩa và giá trị của Cuộc Cách mạng này; qua đó, phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của các dân tộc. Họ cho rằng: “Sự sụp đổ chủ nghĩa xã hội tại cái nôi của Cách mạng Tháng Mười là tất yếu, chứng tỏ sự lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là sai lầm, ảo tưởng”; và do đó, “các dân tộc cần nói “không” với con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội” (!). Đối với Việt Nam, họ khuyến cáo chúng ta “không nên định hướng xã hội chủ nghĩa, bởi đó là con đường không có tương lai” (!). Thế nhưng, thực tiễn lịch sử và hiện tại, trong đó có thực tiễn của cách mạng Việt Nam đã bác bỏ sự xuyên tạc, phủ nhận đó.

Nói về sự tan rã của Liên Xô, chúng ta coi đó là một tổn thất to lớn của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, nhưng không phải là tất yếu. Nguyên nhân chính, trực tiếp, có tính quyết định dẫn đến sự tan rã đó là do những sai lầm trong đường lối chính trị, tư tưởng và tổ chức của Đảng Cộng sản cầm quyền, cùng sự phản bội của một số người lãnh đạo cao nhất ở đó đối với những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin. Đúng như V.I. Lênin đã khẳng định: “Không ai có thể tiêu diệt được chúng ta, ngoài những sai lầm của bản thân chúng ta”2. Do đó, đây chỉ là sự sụp đổ một mô hình chủ nghĩa xã hội cụ thể, không đồng nghĩa với “sự cáo chung của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội” như xuyên tạc, phủ nhận của các thế lực thù địch.

Đối với cách mạng Việt Nam, thực tiễn hơn 90 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng đã chứng minh: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”3. Đúng vậy, nhìn lại bối cảnh lịch sử Việt Nam những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX có thể thấy, trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, con đường giải phóng dân tộc “đen tối như không có đường ra”. Chỉ đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, với chủ trương “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”4, nghĩa là đặt cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân ta trong trào lưu của cách mạng vô sản, thì cách mạng Việt Nam mới chấm dứt được thời kỳ khủng hoảng đường lối cứu nước. Từ đó, “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội” luôn là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam. Với đường lối đó, Đảng ta đã quy tụ được sức mạnh của toàn dân tộc, dẫn dắt cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đưa đất nước Việt Nam bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, “Nước ta từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa; nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội”5.

Vào những năm cuối của thế kỷ XX, đứng trước sự khủng hoảng của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa. Trên cơ sở kiên định mục tiêu “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã đưa cách mạng Việt Nam vượt qua khủng hoảng, lập nên những thành tựu “to lớn, có ý nghĩa lịch sử”. Trên lĩnh vực kinh tế, trong suốt 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, kinh tế nước ta phát triển liên tục với tốc độ tương đối cao, đạt mức tăng trưởng trung bình khoảng 07% mỗi năm. Từ một nền kinh tế nông nghiệp, lạc hậu, quy mô nhỏ bé, với GDP chỉ 14 tỉ USD và GDP bình quân đầu người khoảng 250 USD trong những năm đầu đổi mới, ngày nay Việt Nam đã thoát khỏi tình trạng đói nghèo, trở thành nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình. Quy mô và tiềm lực kinh tế của đất nước không ngừng mở rộng, đạt 342,7 tỉ USD vào năm 2020, đứng trong top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và đứng thứ tư trong ASEAN; thu nhập bình quân đầu người đạt 3.521 USD vào năm 2020, đứng thứ sáu trong ASEAN. Từ một nước phải nhập khẩu lương thực, đến nay Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo và nhiều hàng nông sản khác đứng hàng đầu thế giới. Công nghiệp phát triển khá nhanh, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ liên tục tăng và hiện nay chiếm khoảng 85% GDP. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh, năm 2020 đạt 543,9 tỉ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt trên 280 tỉ USD; xuất siêu liên tục từ 2016 – 2020, nhờ đó cán cân thanh toán quốc tế thặng dư, dự trữ ngoại hối tăng từ 12,4 tỉ USD năm 2010 lên 100 tỉ USD vào năm 2020. Đến nay, Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), được 79 nước công nhận là nền kinh tế thị trường, có quan hệ kinh tế – thương mại và đầu tư với 230 nước và vùng lãnh thổ; đã ký 16 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Do tác động của đại dịch Covid-19, năm 2020 là năm ghi nhận những suy giảm mạnh về tăng trưởng của tất cả các nước trên thế giới, song Việt Nam vẫn là một trong số ít nền kinh tế có tăng trưởng dương; được các chuyên gia trên thế giới đánh giá tích cực về triển vọng phát triển. Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19, năm 2021, kinh tế Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Song, Đảng, Nhà nước Việt Nam đang triển khai đồng bộ các biện pháp vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, được quốc tế đánh giá cao.

Trên lĩnh vực chính trị, nước ta có quan hệ ngoại giao với hầu hết các quốc gia thành viên Liên hợp quốc; đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với 16 nước; Đối tác toàn diện với 11 nước, bao gồm cả 05 nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Việt Nam đã 02 lần đảm nhận vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng này (nhiệm kỳ 2008 – 2009, 2020 – 2021) và còn đảm nhận nhiều trọng trách quan trọng trong các tổ chức quốc tế khác, như: Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA, Ủy viên Hội đồng Nhân quyền thế giới, Ủy viên Ủy ban Luật pháp quốc tế và Ủy viên Ủy ban Luật Thương mại quốc tế của Liên hợp quốc, v.v. Với vị thế và uy tín của mình, Việt Nam trở thành địa điểm tin cậy của nhiều sự kiện quốc tế. Sự kiện ngày 07/12/2020, Liên hợp quốc nhanh chóng thông qua Nghị quyết về tổ chức “Ngày thế giới sẵn sàng phòng, chống dịch bệnh” do Việt Nam đề xuất, đã khẳng định vị thế chính trị ngày càng tăng của Việt Nam trên trường quốc tế.

Các lĩnh vực: y tế, giáo dục – đào tạo, văn hóa, xã hội, khoa học – công nghệ của đất nước tiếp tục phát triển và có nhiều thành tựu quan trọng. Năm 2020, nước ta đã có 09 bác sĩ và 28 giường bệnh trên một vạn dân; 91% dân số đã tham gia bảo hiểm y tế. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em và tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm gần 03 lần trong 35 năm qua. Tuổi thọ trung bình của người dân tăng từ 62 tuổi (năm 1990) lên 73,7 tuổi (năm 2020). Theo Báo cáo cập nhật tháng 4/2021 của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam: chỉ số bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân của Việt Nam là 73 – cao hơn mức trung bình của khu vực và thế giới. Sự nghiệp giáo dục, đào tạo đạt được những kết quả tích cực. Nước ta đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học (năm 2000) và trung học cơ sở (năm 2010); 95% người lớn biết đọc, biết viết; số sinh viên đại học, cao đẳng tăng gần 17 lần trong 35 năm qua. Nhiều đoàn học sinh Việt Nam đã đoạt huy chương vàng, bạc trong các kỳ thi quốc tế. Đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân được cải thiện đáng kể; sinh hoạt văn hóa phát triển phong phú, đa dạng. Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tiện nghi sinh hoạt của hộ dân cư đã được cải thiện với 91,9% hộ có sử dụng ti vi; 91,7% hộ có sử dụng điện thoại (cố định, di động) hoặc máy tính bảng; 30,7% hộ có sử dụng máy vi tính (gồm máy để bàn, laptop). Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ phát triển công nghệ tin học cao nhất thế giới, có khoảng 70% dân số sử dụng internet; thể thao nước nhà cũng đã vượt khỏi phạm vi châu lục để vươn ra sân đấu tầm thế giới, như World Cup, Olympic. Nhờ kinh tế có bước phát triển, chúng ta có điều kiện để làm tốt hơn công tác an sinh xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 5,8% năm 2016 theo chuẩn nghèo của Chính phủ và dưới 03% năm 2020 theo chuẩn nghèo đa chiều (tiêu chí cao hơn trước); người nghèo và trẻ em dưới 06 tuổi được cấp bảo hiểm y tế miễn phí. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam năm 2019 đạt mức 0,704, thuộc nhóm nước có HDI cao của thế giới, nhất là so với các nước có cùng trình độ phát triển. Việt Nam được Liên hợp quốc công nhận là một trong những nước đi đầu trong việc hiện thực hóa các Mục tiêu thiên niên kỷ. Các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ, tranh thủ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được tạo điều kiện phát triển. Nhiều dự án công nghệ cao được triển khai thực hiện thành công trên nhiều lĩnh vực, nhất là trong y tế, giáo dục, đào tạo, thương mại điện tử, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, v.v. Nhờ đó, năm 2020, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam được xếp thứ 42/131 nước, đứng đầu nhóm 29 quốc gia có cùng mức thu nhập.

Quốc phòng và an ninh của đất nước không ngừng được tăng cường; chủ quyền quốc gia, môi trường hòa bình, ổn định được giữ vững, tạo thuận lợi cho phát triển đất nước. Đến nay nước ta có quan hệ quốc phòng với hơn 80 nước theo nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, cùng có lợi,… từ năm 2014, nước ta bắt đầu cử lực lượng tham gia vào sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Điều đó thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong việc xây dựng lòng tin, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Với những thành tựu của 35 năm đổi mới, có thể tự hào rằng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay6. Đây là kết quả phấn đấu bền bỉ, liên tục của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta dưới ngọn cờ “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”. Thực tiễn đó tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta là đúng đắn; đồng thời, là minh chứng bác bỏ mọi sự xuyên tạc, phủ nhận giá trị của Cách mạng Tháng Mười Nga.

PGS, TS. NGUYỄN NGỌC HỒI/TCQPTD
___________________

1 – Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 15, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 388.

2 – V.I. Lênin – Toàn tập, Tập 42, Nxb CTQG, H. 2005, tr. 310.

3  – ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG. H. 2011, tr. 69 – 70.

4 – Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 3, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 01.

5 – ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 64.

6 – ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 104.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *