Thực tiễn sinh động về tự do báo chí ở Việt Nam bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc
Với thái độ định kiến cố hữu, đầu tháng 5 vừa qua, Tổ chức Phóng viên không biên giới tiếp tục đưa ra các luận điệu của những năm trước, khi cho rằng: “Ở Việt Nam không có tự do báo chí, người dân không được thực hiện quyền tự do ngôn luận”(!). Đó là sự xuyên tạc trắng trợn về tình hình bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam.
Ngày 03/5/2023, Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) công bố “Bảng xếp hạng tự do báo chí năm 2023”, trong đó xếp ba nước châu Á là Việt Nam, Trung Quốc và Triều Tiên đứng cuối bảng (với thứ tự lần lượt là 178, 179 và 180). Giải thích lý do tụt hạng của Việt Nam so với năm 2022 (hạng 174), Tổ chức này cho rằng: “Do chính quyền Hà Nội gần như hoàn tất việc truy bắt các nhà báo độc lập và các nhà bình luận trên mạng xã hội”; còn ông Daniel Bastard – Giám đốc Ban châu Á – Thái Bình Dương của RSF, thì xuyên tạc: “Đó là kết quả của cuộc đàn áp không ngừng đối với báo chí độc lập dưới nhiệm kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”(!). “Nhà báo độc lập” mà RSF nhắc đến ở đây là Đường Văn Thái1, một đối tượng phản động thường xuyên sử dụng mạng xã hội để đăng tải, phát tán thông tin xuyên tạc, bịa đặt sai sự thật với mục đích chống phá Đảng, Nhà nước, đã bị bắt giữ ngày 14/4/2023 khi y nhập cảnh trái phép vào lãnh thổ Việt Nam.
Cần khẳng định ngay rằng, những thông tin mà Bảng xếp hạng tự do báo chí năm 2023 của RSF đưa ra là không khách quan, không đúng thực tế với tình hình tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam. Phải chăng, bất kể Facebooker hay blogger nào có tiếng nói chống đối chính phủ, gây nguy hại cho an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội nước sở tại cũng được RSF “phong tặng” danh phận là “nhà báo độc lập” hay sao? Chẳng lẽ, RSF không biết hay cố tình không biết Đường Văn Thái không làm việc trong một cơ quan báo chí nào ở Việt Nam; không được Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam cấp thẻ nhà báo, như Luật Báo chí nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định, nên cố tình “tặng” cho nhân vật này cái danh phận “nhà báo” để dễ bề bảo vệ? Điều đó cho thấy RSF đang thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích của chính họ đặt ra là “bảo vệ các nhà báo”(!), bởi Đường Văn Thái không phải là nhà báo.
Cũng như mọi quốc gia trên thế giới, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam là quyền tự do có giới hạn. Việc giới hạn quyền tự do đó được quy định theo “nguyên tắc gây hại”, “nguyên tắc xúc phạm”, hoặc xung đột với các quyền khác. Những quy định hạn chế quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trong luật pháp Việt Nam đối với một số trường hợp là hoàn toàn tương thích với các văn kiện quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã cam kết. Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (năm 1948), Công ước nhân quyền châu Âu (năm 1953), Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (năm 1966) đều khẳng định quyền tự do ngôn luận, nhưng cũng nhấn mạnh tự do ngôn luận là tự do trong những giới hạn của đạo đức và pháp luật, chủ yếu là nhằm bảo vệ nhân phẩm, danh dự (đời tư) của người khác, bảo vệ bí mật kinh doanh, chống kỳ thị, phân biệt đối xử; chống kích động bạo lực, chiến tranh; chống kêu gọi bạo loạn, đe dọa đến trật tự công cộng và an ninh quốc gia. Cụ thể, Khoản 3, Điều 19, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (năm 1966), khẳng định: “Việc thực hiện quyền tự do ngôn luận có thể phải chịu một số hạn chế nhất định và những hạn chế này cần được quy định bởi pháp luật, nhằm: (a). Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; (b). Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội”. Trường hợp mà RSF gọi là “các nhà báo độc lập có tiếng nói đối lập bị đàn áp” như Đường Văn Thái và một số người khác, họ thực chất là những người đã vi phạm Khoản 3, Điều 19 của Công ước nói trên và pháp luật của Việt Nam.
Thực tiễn về tự do báo chí ở Việt Nam trái ngược hẳn với những gì mà RSF đưa ra. Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam luôn được tôn trọng và bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. Quan điểm xuyên suốt và nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân. Điều 25, Hiến pháp (năm 2013) của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ghi rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của công dân được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra chủ trương “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”2. Tại Chương II, Luật Báo chí (năm 2016) cũng quy định về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Trong đó, Điều 13 quy định: “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình”; đồng thời, cũng quy định: “Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân”. Đặc biệt Khoản 3, Điều 13 quy định: “Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng”. Điều 14, Luật Báo chí (năm 2016) đã bổ sung một số đối tượng được thành lập tạp chí khoa học, như: cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Luật Giáo dục đại học; tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tổ chức dưới hình thức viện hàn lâm, viện theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ; bệnh viện từ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc tương đương trở lên. Quy định này cũng cho phép các cơ sở giáo dục, tổ chức khoa học và công nghệ thuộc loại hình tư thục, có đầu tư của nước ngoài được phép ra tạp chí khoa học.
Số liệu thống kê đến cuối năm 2022 cho thấy, Việt Nam có 127 cơ quan báo, 670 cơ quan tạp chí (trong đó có 327 tạp chí lý luận chính trị, khoa học và 72 tạp chí văn học nghệ thuật); 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình. Số người đang làm việc trong lĩnh vực báo chí là 41.000 người, với 19.356 người đã được cấp thẻ nhà báo3. Cùng với các cơ quan báo chí trong nước, nhiều hãng truyền thông, thông tấn quốc tế đã có mặt tại Việt Nam, như: CNN, Reuters, AP, AFP, Kyodo; Hãng thông tấn Asia, Nhật báo kinh tế Aju (Hàn Quốc) và Rossiya Segodnya (Nga), v.v. Với lực lượng làm báo hùng hậu như trên, đời sống báo chí ở Việt Nam diễn ra hết sức nhộn nhịp, phản ánh mọi mặt của đời sống xã hội. Trong những năm gần đây, báo chí đã có đóng góp quan trọng vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phòng, chống tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên. Nhiều giải báo chí toàn quốc, như: Giải Báo chí quốc gia; Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng); Giải Báo chí toàn quốc về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Giải Báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân (Giải Diên Hồng); Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại; Giải Báo chí về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng,… được tổ chức hằng năm là dịp để các nhà báo nâng cao trình độ và tính chuyên nghiệp trong làm báo, đồng thời phản ánh hoạt động báo chí ở Việt Nam rất phong phú, sôi động.
Về khía cạnh quyền tự do internet, sử dụng mạng xã hội, theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến tháng 9/2022, ở Việt Nam, hạ tầng 3G/4G đã phủ sóng 99,8% dân cư và internet cáp quang đã tới 98% số phường, xã; số người dùng internet là 72,1 triệu người, chiếm khoảng 73,2% dân số cả nước. Với con số này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng internet cao thứ 12 trên thế giới và đứng thứ 6 trong 35 quốc gia và vùng lãnh thổ tại châu Á. Số người dùng mạng xã hội vào tháng 01/2023 khoảng 70 triệu người, bằng 89% dân số từ 18 tuổi trở lên. Sự phát triển nhanh chóng của hệ thống báo chí, các cơ quan truyền thông đại chúng, internet và chỉ số trung bình thời gian sử dụng internet của người Việt Nam ở mức cao (khoảng 07 giờ/ngày) là một minh chứng cụ thể cho quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của người dân ở Việt Nam luôn được bảo đảm.
Tuy nhiên, cũng giống như các quốc gia khác trên thế giới, ở Việt Nam mọi hành vi lạm dụng, lợi dụng quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân đều bị nghiêm cấm và có chế tài nghiêm khắc. Khoản 2, Điều 14, Hiến pháp (năm 2013) xác định rõ: quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Cụ thể hóa điều này, Luật Báo chí (năm 2016) liệt kê các hành vi, nội dung bị cấm thông tin trên báo chí, như: đăng, phát thông tin chống Nhà nước, có nội dung xuyên tạc, phỉ báng, phủ nhận chính quyền nhân dân; đăng, phát thông tin có nội dung gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa nhân dân với chính quyền nhân dân, với lực lượng vũ trang nhân dân, với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội; đăng, phát thông tin có nội dung kích động chiến tranh nhằm chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc; tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật, v.v. Điều 9, Luật Báo chí (năm 2016) đã bổ sung một số hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí, như: thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan; thông tin về những chuyện thần bí gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe của cộng đồng; kích động bạo lực; tuyên truyền lối sống đồi trụy; miêu tả tỉ mỉ những hành động dâm ô, hành vi tội ác; thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam; thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; quy kết tội danh khi chưa có bản án của Tòa án; thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em.
Không chỉ riêng tại Việt Nam, ở tất cả các quốc gia khác trên thế giới đều có quy định tương tự. Điều 11, Tuyên ngôn về Nhân quyền và Dân quyền của nước Pháp (năm 1789) ghi nhận: “Bất kỳ công dân nào cũng có thể nói, viết và công bố tự do; tuy nhiên, họ sẽ phải chịu trách nhiệm nếu lạm dụng quyền tự do này theo quy định của pháp luật”. Ở Hoa Kỳ, Quốc hội nước này đã ban hành nhiều văn bản luật nhằm xử lý, ngăn chặn việc lợi dụng internet, mạng xã hội để khủng bố, kích động bạo lực, khiêu dâm trẻ em hay vi phạm sở hữu trí tuệ. Ở Pháp, Đức,… các bộ luật liên quan tự do ngôn luận đều đặt ra những giới hạn, chế tài nghiêm khắc đối với hành vi lạm dụng tự do ngôn luận làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; đồng thời, chống lại việc vu khống, bôi nhọ, phân biệt chủng tộc, tôn giáo, kích động bạo lực, gây hận thù, xâm phạm đời tư cá nhân, v.v. Năm 2017, Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu Facebook, Google, Twitter phải điều chỉnh ngay các điều khoản sử dụng dịch vụ, truy quét thông tin xấu, gồm cả tin xuyên tạc, tin sai sự thật, nếu không sẽ phải chịu chế tài xử lý nghiêm khắc. Tháng 5/2023, EU lại yêu cầu các nền tảng mạng xã hội này phải có trách nhiệm pháp lý trước những thông tin xuyên tạc, sai sự thật. Ở Thái Lan, chính phủ nước này đã yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ internet phải kiểm duyệt, ngăn chặn các tài khoản, clip có “nội dung không phù hợp” trên các mạng xã hội, như: Youtube, Facebook, Line và Twitter. Ở Singapore cũng có quy định về việc nói xấu, phỉ báng, vu khống trên mạng xã hội sẽ phải đối diện án phạt đến 100.000 đôla Singapore hoặc phạt tù tới 03 năm (hoặc cả hai); tội vu khống, nói xấu được áp dụng mức phạt đến 20.000 đôla Singapore hoặc phạt tù 12 tháng (hoặc cả hai). Điều đó cho thấy, không ở quốc gia nào có quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận một cách tuyệt đối; quyền tự do đó phải trong khuôn khổ pháp luật.
Từ thực tiễn trong nước cùng sự soi chiếu đối với các quốc gia trên thế giới có thể khẳng định, quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận của người dân Việt Nam luôn được bảo đảm. Đó là sự thật không thể xuyên tạc. Bảng xếp hạng tự do báo chí năm 2023 của RSF dựa trên những thông tin không được kiểm chứng của các tổ chức phản động, các đối tượng hoạt động chống phá Việt Nam, nên không khách quan, không đúng với thực tiễn; vì thế, vô giá trị.
NGUYỄN NGỌC HỒI/TCQPTD
__________
1 – Còn gọi là Thái Văn Đường trên nền tảng mạng xã hội Facebook. Thái Văn Đường từng tham gia các tổ chức, hội nhóm bất hợp pháp, như: Hội Nhà báo độc lập, Hội Anh em dân chủ và tiến hành nhiều hoạt động chống Nhà nước; là người khởi tạo và tham gia điều hành nhóm “Lều của Đầy Tớ” trên Facebook, thường xuyên đăng tải và phát tán những hình ảnh, thông tin sai sự thật về đời tư của các cán bộ lãnh đạo; là nhân vật “cốt cán” của nhóm “Bạn hữu đường xa” – nhóm được các tổ chức phản động như: Đảng Việt Tân, Đảng Dân chủ Việt, Chính phủ Việt Nam tự do tài trợ tiền để tổ chức gây rối ở BOT Cai Lậy.
2 – ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 146.
3 – Theo TTXVN/Vietnam+, ngày 26/12/2022.