Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, nhiều bí thư cấp ủy các cấp đã quyết tâm khắc phục mọi rào cản để trực tiếp lắng nghe dân, nhưng vẫn còn tình trạng cáo “bận công tác” để không chấp hành Quy định 11.

Tiếp dân không nghỉ trưa

“Tiếp dân không nghỉ trưa” là phương châm mà Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ thực hiện trong công tác tiếp dân. Định kỳ vào tuần thứ 3 hằng tháng, trụ sở tiếp công dân tỉnh Bến Tre (số 600-B9 Nguyễn Thị Định, khu phố 7, phường Phú Khương, TP Bến Tre) lại đón công dân dự buổi tiếp dân của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy. Đồng chí Lê Đức Thọ và các cơ quan chức năng của tỉnh đã quen với việc tiếp dân cả trưa, hoặc tiếp một người, cùng một vụ việc nhiều lần, tiếp cho đến khi hết công dân đăng ký gặp. Gần đây nhất, ngày 20-7-2022, đồng chí Lê Đức Thọ đã tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của 48 công dân.

Gặp gỡ, lắng nghe, chỉ đạo phương hướng giải quyết nguyện vọng của 48 công dân trong một ngày là số lượng lớn. Để có thể làm được điều đó, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ và các cơ quan chức năng phải làm việc liên tục từ 7 giờ 30 phút và kết thúc lúc 17 giờ 15 phút cùng ngày. Các công đoạn chuẩn bị cho buổi tiếp công dân phải chuẩn bị kỹ lưỡng. Trong suốt thời gian tiếp dân, tất cả chỉ có 30 phút buổi trưa để ăn uống, xử lý các công việc cá nhân rồi lại tiếp tục làm việc.

Theo đồng chí Võ Thanh Tùng, Phó trưởng ban Tiếp công dân tỉnh Bến Tre: Tiếp dân là việc làm thường xuyên của Bí thư Tỉnh ủy. Lãnh đạo, cán bộ, nhân viên các cơ quan chức năng tham gia buổi tiếp cũng theo đó mà “ai có gì thì dùng nấy”, người thì ăn bánh mì, người thì ăn đồ ăn từ nhà mang đi. Tất cả làm việc với tinh thần theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo: Phải lắng nghe, tiếp thu toàn bộ ý kiến của người dân. Không để xảy ra tình trạng người dân đã tìm đến gặp Bí thư Tỉnh ủy nhưng lại phải ra về vì không đủ thời gian.

Với tinh thần trên, kể cả những công dân tới nhiều lần, cùng một sự việc, dù có kết luận của các cơ quan chức năng là đã xử lý đúng quy định của pháp luật, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre vẫn gặp, kiên trì lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ. Đơn cử như trường hợp ông Trần Hồng Lạc (121/3, lộ số 4, phường 4, TP Bến Tre) có ý kiến khiếu nại, tố cáo về lĩnh vực đất đai. Ông Trần Hồng Lạc cho biết đã được Bí thư Tỉnh ủy tiếp xúc nhiều lần.

Trước đó, ngày 6-5-2021, Tỉnh ủy Bến Tre có Công văn số 36-CV/TU trả lời ông Trần Hồng Lạc rất cụ thể: “Nội dung khiếu nại của ông, cơ quan chức năng của tỉnh đã giải quyết đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật và không có cơ sở để xem xét lại”. Tuy nhiên, ông Lạc vẫn không đồng tình, tiếp tục nhiều lần tìm gặp đồng chí Bí thư Tỉnh ủy để bày tỏ nguyện vọng. Từ đầu năm 2022 đến hết tháng 7-2022, tại các buổi tiếp công dân của Bí thư Tỉnh ủy, ông Lạc đã gặp, trình bày nguyện vọng với đồng chí Lê Đức Thọ tổng cộng 6/7 buổi (chỉ trừ buổi tiếp tháng 2 là ông vắng mặt). Tuy đã nắm rõ tình hình, kết quả xử lý vụ việc, nhưng đồng chí Lê Đức Thọ vẫn gặp, lắng nghe, ghi nhận ý kiến của ông Lạc, xem có tình tiết mới sẽ chỉ đạo xử lý. Được biết, từ đầu năm 2021 đến hết tháng 6-2022, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ đã tiếp dân 18 cuộc, với 48 lượt/141 công dân, giải quyết dứt điểm 77 vụ việc, 16 vụ việc đang tiếp tục giải quyết.

 Chủ động lắng nghe nguyện vọng của công dân, không ủy quyền trong công tác tiếp dân cũng là quyết tâm của Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy để thực hiện nghiêm Quy định 11. Đồng chí Ngô Văn Khiển, Phó trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Hà Nam cho biết: “Trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều vụ việc công dân dù đã được Bí thư Tỉnh ủy tiếp, các kiến nghị đã được chỉ đạo giải quyết theo đúng quy định nhưng công dân vẫn nhiều lần đến tìm gặp để tiếp tục bày tỏ nguyện vọng. Những trường hợp ấy, đồng chí Lê Thị Thủy đều trực tiếp gặp gỡ, lắng nghe, thậm chí đến tận địa bàn để nắm tình hình thực tế”.

Không chỉ là tiếp dân

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về phong cách làm việc gần dân, trọng dân, luôn lắng nghe và giải quyết kịp thời mọi ý kiến của nhân dân. Trong vòng 10 năm (1955-1965), tuy tuổi cao, công việc bề bộn, Người vẫn thực hiện hơn 700 lượt đi thăm các địa phương, xí nghiệp, công trường, hợp tác xã, đơn vị bộ đội… Người đi khắp mọi nơi để thăm hỏi đồng bào và chiến sĩ, xem xét tình hình, kiểm tra công việc. Tính trung bình mỗi tháng, Người đi thăm, kiểm tra cơ sở 5 lần.

Gần dân thì có nhiều cách, mà một trong những cách để gần dân chính là làm tốt công tác tiếp dân. Cũng là tiếp dân, nắm tình hình người dân, lắng nghe dân, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú và Thanh Hóa Lê Huy Ngọ lại chọn cách: “Bà con cứ ở đó, tôi xuống với bà con, lắng nghe bà con”. Đến tận nơi lắng nghe người dân cũng là cách mà nhiều bí thư cấp ủy đang áp dụng.

Năm 2017, chúng tôi cùng đoàn công tác của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Dương Văn Trang (nay là Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum) thăm làng Pyầu (một làng đặc biệt khó khăn của tỉnh Gia Lai) trong hai ngày. Tại đây, đồng chí Dương Văn Trang quyết định ngủ lại nhà trưởng bản để hôm sau tiếp tục tiếp dân. Đồng chí đề nghị người dân trong làng nói hết mọi tâm tư, nguyện vọng để cùng bàn hướng giải quyết. Hiện trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum, đồng chí Dương Văn Trang vẫn giữ thói quen tổ chức nhiều buổi đến tận nơi gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của người dân. Ở làng, bản nào bà con nhiều ý kiến, đồng chí ngủ lại tại đó, sẵn sàng lắng nghe người dân phản ánh cả buổi tối và ngày hôm sau. Mới đây, chuyến làm việc tại thôn Làng Mới (xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei) ngày 20-6-2022 là một lần như vậy. 

Một ngày giữa tháng 7-2022, chúng tôi đến xã Nghĩa Hòa (Lạng Giang, Bắc Giang). Tuy không phải ngày tiếp công dân định kỳ nhưng đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã vừa tiếp một trường hợp phản ánh liên quan đến việc hiến đất làm đường nông thôn mới diễn ra từ năm 2017. Là người địa phương, đồng chí Nguyễn Văn Tuấn cũng hiểu rõ câu chuyện vốn không phức tạp hay sai phạm gì nên sau khi cùng uống một ấm trà, vừa chuyện trò tình làng nghĩa xóm, vừa giải thích, phân tích được-mất… công dân vui vẻ ra về, không gửi đơn thư nữa, tình làng nghĩa xóm cũng được giữ êm đẹp.

Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn quan niệm, cấp xã là cấp gần dân nhất nên nếu đồng chí Bí thư Đảng ủy sâu sát, gần dân sẽ thuận lợi giải quyết những vấn đề từ khi mới phát sinh, tránh dẫn đến vụ việc phức tạp, vượt cấp. Theo Quy định 11 thì người đứng đầu cấp ủy cấp xã tiếp dân định kỳ 2 lần mỗi tháng, nhưng ở xã Nghĩa Hòa, Bí thư Đảng ủy xã tiếp dân định kỳ vào ngày thứ năm hằng tuần. Chúng tôi còn tình cờ biết chuyện tháng 6 vừa qua, ngày tiếp công dân trùng với ngày giỗ bố đẻ đồng chí Nguyễn Văn Tuấn. Thế là, theo đề xuất của anh, gia đình dời ngày cúng giỗ vào chủ nhật để không ảnh hưởng tới việc tiếp công dân tại trụ sở.

Những câu chuyện kể trên chỉ là số ít ví dụ cho thấy quyết tâm, hiệu quả từ công tác tiếp công dân của người đứng đầu cấp ủy. Hơn thế, đó còn là sự chủ động của người đứng đầu cấp ủy để gần dân, hiểu dân hơn.

Còn nhiều nơi làm chưa tốt

Tuy nhiên, cũng qua khảo sát, thực tế ở nhiều địa phương, việc thực hiện Quy định 11 nói chung và việc tiếp dân của người đứng đầu cấp ủy nói riêng vẫn còn nơi, còn lúc chưa được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.

Theo Báo cáo số 162-BC/BNCTW ngày 16-6-2022 của Ban Nội chính Trung ương về kết quả thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, Chỉ thị số 27-CT/TW và Quy định số 11-QĐi/TW, trong năm 2021, về số cuộc tiếp công dân của bí thư tỉnh ủy, chỉ có 16 tỉnh tiếp đủ ít nhất 1 cuộc trong tháng (12 lần), 5 tỉnh không có số liệu, 14 tỉnh tiếp từ 1 đến 3 cuộc/năm, 15 tỉnh tiếp từ 4 đến 11 cuộc/năm, đặc biệt có 13 tỉnh không tiếp cuộc nào. Báo cáo cũng nêu rõ hạn chế: “Còn có tình trạng buông lỏng, “khoán trắng” cho cơ quan chức năng và cấp dưới”.

Ninh Bình là một địa phương sớm có quy chế của Tỉnh ủy về việc tiếp dân ngay sau khi Bộ Chính trị khóa XII ban hành Quy định 11. Tỉnh ủy Ninh Bình cũng thực hiện tốt việc công khai lịch tiếp dân của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trên cổng thông tin điện tử của tỉnh. Tuy nhiên, theo dõi 7 tháng đầu năm 2022, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình chỉ tiếp dân được 1 buổi vào tháng 3; 6 tháng còn lại đều ủy quyền cho người khác thực hiện. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở không ít địa phương trên cả nước, nhất là cấp tỉnh và cấp huyện.

Quy định 11 quy định rõ người đứng đầu cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện phải trực tiếp tiếp dân định kỳ ít nhất 1 ngày trong 1 tháng và thực hiện tiếp dân đột xuất trong các trường hợp quy định. Mục đích của quy định này nhằm thiết lập một chế tài để người đứng đầu cấp ủy không thể thoái thác việc tiếp dân. Nhưng, thực tế ở nhiều địa phương, bí thư tỉnh ủy ủy quyền cho thành viên khác trong ban thường vụ tỉnh ủy hoặc trưởng ban nội chính tiếp dân, hoặc thường xuyên, hoặc trong một số lần cụ thể. Cũng có nơi, trước ngày tiếp dân định kỳ thì có thông báo hoãn, hủy. Lý do, nếu có, được đưa ra trong các trường hợp trên thường là do đồng chí bí thư tỉnh ủy, huyện ủy bận việc đột xuất.

Cũng theo Quy định 11, thời gian, địa điểm tiếp dân phải được thông báo trên trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức (nếu có) và trụ sở làm việc của người đứng đầu cấp ủy hoặc địa điểm tiếp dân. Hầu hết các địa phương có thông báo theo năm, hoặc từng tháng cụ thể trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, đảng bộ tỉnh, báo địa phương. Trong thời đại công nghệ như hiện nay, phải khẳng định rằng đó là những kênh thông tin nhanh chóng và gần gũi với mỗi người dân. Tuy nhiên, ở không ít địa phương, thông tin về thời gian, địa điểm tiếp công dân của bí thư tỉnh ủy, huyện ủy không được đăng tải thường xuyên. Điều này cũng khiến người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn trong nắm bắt thông tin chính xác và khó khăn trong việc tiếp cận các buổi tiếp công dân của bí thư tỉnh ủy, huyện ủy.

Ở một số địa phương, sau tiếp công dân, còn có tình trạng việc chỉ đạo giải quyết và nắm bắt tình hình giải quyết vụ việc cho công dân của bí thư cấp ủy chưa sát sao, khiến thời gian kéo dài so với kết luận, gây bức xúc cho người dân. Hay như tình trạng đùn đẩy trách nhiệm vẫn xảy ra ở một số địa phương. Ông P.V.L (xin được giấu tên), một người chúng tôi gặp qua nhiều cuộc gặp bí thư tỉnh ủy, phản ánh: “Tôi đã được gặp bí thư tỉnh ủy ngày 26-6-2019, được đồng chí lắng nghe, sau đó chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc tỉnh và thanh tra tỉnh xem xét, rà soát, xử lý các kiến nghị và trả lời tôi. Tuy nhiên, tôi không nhận được câu trả lời của cơ quan chức năng. Tôi đã nhiều lần gửi đơn xin gặp bí thư tỉnh ủy thêm để cập nhật thông tin nhưng không được, thậm chí có mặt ở trụ sở tiếp công dân tỉnh những hôm bí thư có lịch tiếp công dân, nhưng không được ban tiếp công dân tỉnh chấp nhận cho gặp bí thư tỉnh ủy vì lý do “được gặp một lần thôi”.

Những hạn chế, tồn tại ấy cần sớm được khắc phục, giải quyết để nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân của người đứng đầu cấp ủy các cấp nói riêng, việc thực hiện Quy định 11 nói chung; cũng là để kéo gần khoảng cách giữa người đứng đầu cấp ủy và người dân.

 (còn nữa)

Bài và ảnh: DƯƠNG HÒA – HOÀNG VIỆT/QĐND