Tiếp tục đấu tranh với các hoạt động chống phá bầu cử

Những năm gần đây, sự phát triển của công nghệ thông tin và các ứng dụng trên không gian mạng đã làm thay đổi bộ mặt của xã hội. Internet và mạng xã hội có tầm ảnh hưởng lớn đến người dân Việt Nam, trong đó có cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Lợi dụng sự phát triển nhanh chóng này mà các thế lực thù địch đã tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phát tán nhiều thông tin sai trái, xấu, độc trên mạng xã hội nhằm chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta, thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được tiến hành vào Chủ nhật, ngày 23/5/2021. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước nhằm lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới, góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tuy nhiên, với mưu đồ chống phá bầu cử, các thế lực thù địch, các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị đang tiến hành nhiều hoạt động chống phá với tính chất hết sức quyết liệt. Tình hình đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải ra sức phấn đấu, đoàn kết thống nhất, chung sức, đồng lòng, tận dụng mọi thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Bằng việc xuyên tạc thông tin, đưa ra những bình luận, nhận xét, đánh giá thiếu trung thực, phiến diện, một chiều, quy chụp, các đối tượng xấu đang hướng lái dư luận theo hướng tiêu cực, kích động tư tưởng hoài nghi về công tác bầu cử, gieo rắc nhận thức sai lầm liên quan đến hoạt động bầu cử.

Một trong những nội dung chống phá chính mà các đối tượng xấu đang tiến hành là xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác bầu cử. Các đối tượng xấu đưa ra những luận điệu sai lệch và quy kết cho rằng cuộc bầu cử do Đảng Cộng sản lãnh đạo là không chính danh, không đúng quy định của pháp luật, ngăn cản quyền bầu cử của công dân và đưa ra yêu sách đòi Đảng Cộng sản không được tham gia vào công tác bầu cử, không được thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo công tác bầu cử; phải “tự rút lui” và từ bỏ quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội,…

Những luận điệu, nhận định này hoàn toàn sai sự thật. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Trong đó, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Ngày 20/6/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Việc Đảng lãnh đạo công tác bầu cử là điều cần thiết để củng cố, đoàn kết thống nhất sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhằm tận dụng mọi thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Ngoài ra, những thông tin được các đối tượng xấu đưa ra đã trở thành cái cớ cho các thế lực thù địch bên ngoài xuyên tạc, biến tướng, vu khống, công kích công tác bầu cử của Việt Nam. Pháp luật nước ta quy định công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND các cấp. Quyền bầu cử và ứng cử là của công dân, là quyền được hiến định. Không ai có quyền cản trở việc công dân thực hiện những quyền này.

Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, quyết định các vấn đề của địa phương do luật định, giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của HĐND. Việc lựa chọn những ứng cử viên để bầu vào Quốc hội, HĐND các cấp được tiến hành theo đúng quy định tại Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp.

Tại Nghị quyết số 1185/NQ-UBTVQH14 ngày 11/1/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV, cơ cấu số lượng đại biểu là người ngoài Đảng từ 25-50 đại biểu (5-10%). Tuy nhiên, với mưu đồ chống phá công tác bầu cử, các đối tượng xấu đã biến tướng, xuyên tạc bản chất vấn đề, cho rằng Đảng quy định số lượng đại biểu ngoài Đảng là quá ít, cần phải “cân bằng quyền lực” trong Quốc hội bằng cách chia một nửa số ghế cho những người ngoài Đảng… Thậm chí, có đối tượng còn đòi xóa bỏ cơ chế bầu cử hiện tại, đòi hỏi phải tiến hành bầu cử theo phương thức của các nước tư bản.

Các thế lực phản động, chống đối cũng tìm mọi thủ đoạn để phá hoại bầu cử, cài cắm các “mầm mống dân chủ” vào Quốc hội nhằm biến nghị trường trở thành diễn đàn để cách đối tượng thực hiện hoạt động chống phá, hình thành lực lượng đối lập trong Quốc hội – cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và hiện thực hóa chiến lược “diễn biến hòa bình”, làm nước ta tự suy yếu từ bên trong.

Từ nay đến ngày bầu cử, các thế lực thù địch sẽ vẫn tiếp tục xuyên tạc chống phá cuộc bầu cử. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng của nhân dân, chắc chắn chúng ta sẽ tổ chức tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.

HOA HƯỚNG DƯƠNG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *