Trích dẫn thông tin từ BPSOS liệu có đúng đắn?
Vừa qua, Bộ Ngoại giao (BNG) Mỹ đã công bố Báo cáo Tự do tôn giáo quốc tế năm 2020 (Báo cáo). Trong phần đề cập đến Việt Nam, dù ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo đảm và thúc đẩy đời sống tôn giáo, tín ngưỡng, nhưng Báo cáo vẫn còn một số nhận định thiếu khách quan dựa trên các thông tin không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam. Ðáng chú ý, Báo cáo đã trích dẫn thông tin từ một tổ chức phi chính phủ không có thiện chí với Việt Nam và coi đó là cơ sở để đánh giá. Về vấn đề này, ông Minh Giang – Việt kiều Mỹ, đã có ý kiến đăng tải trên trang Trực Diện TV. Xin giới thiệu bản lược ghi để bạn đọc tham khảo.
Ngày 12-5 vừa qua, BNG Mỹ công bố Báo cáo về việc thực thi quyền tự do tôn giáo của 200 nước trên thế giới, trong đó có 25 trang nói về Việt Nam. Báo cáo này trích dẫn khá nhiều nguồn từ tổ chức BPSOS (Boat People SOS – Ủy ban cứu người vượt biển) do ông Nguyễn Ðình Thắng, một người Mỹ gốc Việt làm chủ tịch. Ðây là tổ chức phi chính phủ thành lập tại Mỹ năm 1980, với mục đích “gõ cửa” các quan chức Mỹ, kêu gọi, tổ chức các hoạt động cứu giúp người vượt biển. Tuy nhiên sau đó BPSOS hoạt động trên nhiều lĩnh vực hơn, như lên tiếng về các vấn đề của “tù nhân lương tâm”, giải cứu người đang bị giam cầm ở Việt Nam, can thiệp vào vấn đề lao động, tự do tôn giáo, kêu gọi thực hiện dân chủ, nhân quyền bằng việc khuyến khích áp dụng đạo luật Magnitsky (ban hành năm 2016, áp dụng trên quy mô toàn cầu, cho phép chính phủ Mỹ xử phạt những người mà họ coi là người vi phạm nhân quyền, bằng biện pháp đóng băng tài sản và cấm vào Mỹ) nhằm trừng phạt các viên chức của Việt Nam. Gần đây họ giúp đỡ các công dân Việt Nam tại Mỹ kiện tụng, đòi đất đai, nhà cửa mà theo họ thì từ sau năm 1975 đã bị chính quyền cộng sản lấy lại…
BNG là một trong những bộ danh tiếng nhất ở Mỹ, có vai trò hết sức quan trọng trong chính quyền Mỹ. Ðiều khiến nhiều người khó hiểu là một cơ quan uy tín, quan sát cả thế giới như vậy lại đi lấy thông tin từ BPSOS. Vì thế Người phát ngôn BNG Việt Nam đã cho rằng Báo cáo của Mỹ là thiếu thông tin, không chính xác. Việt Nam sẵn sàng đàm phán, trao đổi với nhau để hiểu rõ hơn. Thực ra từ trước tới giờ, năm nào Mỹ cũng đưa ra Báo cáo có nội dung giống như vậy. Nhưng lần này trong Báo cáo ghi rõ họ có thông tin trích nguồn từ BPSOS.
Thực tế ở Mỹ có khá nhiều tổ chức xã hội dân sự lên tiếng cho nhóm người thiểu số hoặc bảo vệ cho nhóm này nhóm khác. Nếu chính phủ thấy tổ chức đó có lợi, làm có mục đích, sau một vài năm hoạt động có hiệu quả, hoặc nhiều khi với sự giúp đỡ của chính quyền hoặc các dân biểu, dân cử thì người ta đề nghị lên chính phủ để xem xét việc cấp tiền cho tổ chức này từ nguồn ngân sách. Như nhóm dạy tiếng Việt cho người Việt Nam, nhóm giúp phụ nữ yếu thế, phụ nữ ly hôn, khó khăn,… được chính phủ cấp tiền để hỗ trợ hoạt động. Bởi vậy nhiều tổ chức ở Mỹ được thành lập với mục đích lấy được tiền từ ngân sách, và có thể còn lấy được tiền từ nguồn khác nữa. BPSOS là một tổ chức phi chính phủ, được thành lập với mục đích như vậy.
Việc BNG Mỹ trích dẫn một số thông tin có nguồn từ BPSOS liên quan đến tự do tôn giáo ở Việt Nam, vấn đề người Thượng hay vấn đề Cao Ðài, một số chức sắc trong đạo Thiên Chúa giáo,… để qua đó cho rằng hoạt động tự do tín ngưỡng bị hạn chế liệu có đúng đắn? Các thông tin đó không có gì mới lạ, ai cũng đã thấy chúng trôi nổi trên mạng xã hội và xuất hiện trong suốt thời gian qua nhưng đều từ góc độ của những người tự nhận là đấu tranh hoặc hoạt động “dân chủ, nhân quyền” ở trong và ngoài nước. Vậy mà giờ đây Báo cáo của BNG Mỹ gom lại những thông tin như vậy và còn nói rằng từ sự đề xuất của tổ chức này, tổ chức khác. Chính vì thế phía Việt Nam đã khẳng định điều này là không khách quan vì đó là đánh giá của một tổ chức, một cá nhân.
Về ông Nguyễn Ðình Thắng, trước đây, tháng 7-2019 có vụ kiện với một cựu thành viên trong tổ chức BPSOS là bà Holly Ngô và kết quả là ông Nguyễn Ðình Thắng đã phải bồi thường bà Holly Ngô 170.000 đô-la. Sau đó ông Nguyễn Ðình Thắng lại kiện bà Holly Ngô, và được bồi thường 5.500 đô-la. Ðiều đó cho thấy trong tổ chức này cũng có sự hục hặc với nhau, ngay cả các thành viên cũng có sự kiện tụng. BPSOS từng có một chương trình nói rằng sẽ đứng ra kiện tụng hộ người dân trong việc đòi lại nhà cho những người vượt biên bỏ lại nhà cửa, hay việc cải tạo công thương nghiệp, tịch thu nhà trước đây… Thậm chí ông Nguyễn Ðình Thắng tuyên bố điều này đã có tiền lệ ở các nước bên châu Âu. Chương trình được đưa ra giới thiệu nhưng không được đẩy mạnh, có lẽ vì không hữu hiệu. Trước đây, năm 2005, có dự luật HR 415 đòi Nhà nước Việt Nam trả lại nhà, đất đã bị tịch thu sau năm 1975, bà hạ nghị sĩ L. Sanchez (L. San-chét) cho biết muốn đứng ra vận động cho dự luật này gây áp lực đối với chính quyền Việt Nam để đòi lại công lý cho những người bị mất nhà. Ai cũng biết khi đó bà L. Sanchez là dân biểu nằm trong địa hạt có rất nhiều người Việt Nam cho nên bà ta muốn tranh thủ lấy phiếu của người Việt Nam, bởi vậy bà ta hô hào khiến cho những người Việt Nam lầm tưởng mấy việc đó là bảo hộ cho họ. Lúc đầu, cũng nhiều người vì lầm tưởng về điều đó nên đã ủng hộ. Nhưng chúng ta thấy chương trình này cũng đã chết yểu, bà L. Sanchez cũng đã bị rớt ở nhiệm kỳ sau. Bây giờ nếu nói việc thưa kiện, phải thế này thế kia là không phù hợp, bởi theo luật pháp quốc tế hay bất cứ căn cứ nào đi chăng nữa cũng không có cơ sở để người ta giải quyết.
Qua đó có thể thấy những tổ chức tự xưng đấu tranh “dân chủ, nhân quyền”, lúc đầu giống như BPSOS cho rằng mình là tổ chức dân sự, phi chính phủ, bình thường thôi, nhưng cuối cùng họ lại có các hoạt động mà phía Việt Nam coi là chống lại Nhà nước Việt Nam. Như một tờ báo ở Việt Nam đã viết về ông Nguyễn Ðình Thắng là: “Với hai chữ “tiến sĩ” gắn trước họ tên, trong những năm qua, người này nổi lên không phải vì có uy tín chính trị, không phải vì có thành tựu trong nghiên cứu, kinh doanh hay khoa học – công nghệ, mà nhờ thành tích “chống cộng” điên cuồng!”. Có lẽ chính vì những điều này nên Việt Nam nói rằng những đánh giá của BPSOS mà đứng đầu là ông Nguyễn Ðình Thắng đưa ra là thiếu khách quan. Vấn đề là tại sao BNG Mỹ lại sử dụng những thông tin đó để đưa vào Báo cáo?
Lâu nay Mỹ vẫn được biết đến với việc dùng “dân chủ, nhân quyền” như một đòn bẩy, một cái cớ để áp đặt lên các nước, tạo ra lợi thế cho chính mình. Hằng năm ở Việt Nam đều tổ chức những cuộc đối thoại, tiếp xúc với các quan chức Mỹ, BNG, đại sứ quán các nước. Việt Nam cũng rất tạo điều kiện cho các quan chức nước ngoài đến tận các địa phương để tìm hiểu, tiếp xúc với các “nhà đấu tranh”, gặp gỡ giới chức tôn giáo. Như năm ngoái, phía Mỹ đánh giá là Việt Nam thực thi có kết quả tốt và sau các cuộc đối thoại có sự hiểu nhau. Bây giờ Việt Nam có kinh nghiệm về vấn đề này cho nên năm nay hay những năm tới cũng sẽ như vậy. Nên các tổ chức chống cộng hoặc hoạt động nhằm mục đích đấu tranh “dân chủ, nhân quyền” cho Việt Nam, gây quỹ, tạo lợi thế gì đó thì dù có làm đi chăng nữa hiệu quả sẽ không còn như mong muốn nữa. Ðó là một thực tế!