Trung Quốc ngang ngược đưa tàu xâm phạm vùng biển Việt Nam: Luật pháp quốc tế bị vi phạm, tín nghĩa bị hủy hoại

Hành vi xâm phạm của Trung Quốc đối với vùng biển Việt Nam vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và hủy hoại uy tín của nước này trên thế giới.

Tàu kiểm ngư VN (phải) thực hiện biện pháp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán để bảo vệ vùng biển VN trước sự ngăn trở của tàu hải cảnh Trung Quốc

Từ tháng 7 đến nay, Trung Quốc hai lần đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 vào vùng biển phía nam Biển Đông, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam. Hành vi này của Trung Quốc không những vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế mà còn hủy hoại chữ tín của nước này trong quan hệ quốc tế.

Chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam
Ngày 19.8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tiếp tục lặp lại quan điểm không có cơ sở pháp lý rằng: “Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Nam Sa”. Thực chất, quần đảo Trường Sa, theo cách gọi ngụy xưng của Trung Quốc là “Nam Sa”, chưa bao giờ của Trung Quốc, mà từ ít nhất thế kỷ 17 đã thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Các bằng chứng lịch sử dựa trên những sử liệu chính thức của nhà nước phong kiến Việt Nam cho thấy rõ ràng Việt Nam đã xác lập chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ ít nhất thế kỷ 17. Theo nghiên cứu công phu của PGS-TS Nguyễn Hồng Thao đăng trong sách Tìm kiếm giải pháp vì hòa bình và công lý ở Biển Đông (Đặng Đình Quý chủ biên, NXB Thế giới, 2015), riêng tên gọi Trường Sa được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1843, nhưng mô tả về các đảo và các hoạt động của nhà nước phong kiến Việt Nam được ghi chép trong nhiều tài liệu lịch sử chính thức từ đầu thế kỷ 17. Quan trọng nhất là các tài liệu như Đại Nam Thực Lục Tiền Biên (1600 – 1775), Đại Nam Thực Lục Chính Biên (1865 – 1882), Đại Nam Nhất Thống Chí (1865 – 1882), Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ (1843 – 1851), Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí của Phan Huy Chú (1821), Hoàng Việt Địa Dư Chí (1833), Việt Sử Cương Giám Khảo Lược (1876). Trước đó, còn có Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn và Toàn Tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư.

Các hoạt động của nhà nước phong kiến Việt Nam gồm 5 dạng: tổ chức khai thác một cách có hệ thống các đảo; tổ chức khảo sát đo đạc tình trạng các đảo và các tuyến hàng hải nhằm kiểm soát đường biển; xây dựng đền thờ, miếu, trồng cây thể hiện chủ quyền; tổ chức thu thuế tại địa phương và trao đổi thương mại với các quốc gia khác; và cứu trợ các tàu bè nước ngoài gặp nạn. Theo luật pháp quốc tế, các hoạt động đó của nhà nước phong kiến Việt Nam đã là cơ sở để Việt Nam xác lập chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ hàng trăm năm nay. Chủ quyền đó đã được Việt Nam thực thi liên tục và hiệu quả cho đến ngày nay.

Thanhnien.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *