“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” tự chính mỗi cá nhân

“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở Việt Nam hiện nay đang diễn ra hết sức phức tạp, với nhiều mức độ khác nhau trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đây thực sự là một hiểm họa tiềm tàng, một loại kẻ thù giấu mặt, một thứ “giặc nội xâm” rất khó nhận diện. Nó là thách thức trong xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; xây dựng Nhà nước của dân, vì dân; xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. 

Ảnh minh họa

“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thực chất là quá trình thay đổi lập trường tư tưởng, mục tiêu, ý chí, bản chất cách mạng của người cộng sản. Là quá trình từ bỏ con đường xã hội chủ nghĩa, từ bỏ lợi ích giai cấp và lợi ích của nhân dân, lấy lợi ích cá nhân làm trọng. Hay nói một cách khác, “tự diễn biến”,“tự chuyển hóa” là quá trình thay đổi về chất cộng sản trong mỗi cá nhân. Khi cá nhân ấy giữ vị trí nhất định trong bộ máy, nó sẽ làm thay đổi hệ tư tưởng của cả một tổ chức. Trong thực tế cách mạng Việt Nam hiện nay, đó chính là sự thay đổi trong quan điểm, tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Sự thay đổi này đưa tới những hành động đi ngược lại, thậm chí chống lại quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là sự suy thoái từ bên trong, là quá trình tự biến đổi về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của mỗi cá nhân theo chiều hướng đi ngược lại lợi ích giai cấp, lợi ích dân tộc. Chủ thể của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” không chỉ là cán bộ, đảng viên mà ở tất cả mọi cá nhân. “Tự diễn biến” là quá trình thẩm thấu từng ngày, từng hoạt động của các chủ thể. “Tự chuyển hóa” là đích đến, là hệ quả của “tự diễn biến” của mỗi cá nhân, tổ chức. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Do đó, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của mỗi cá nhân đều có tác động, ảnh hưởng tiêu cực nhất định đến sự phát triển của mục tiêu xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Ngày 30 tháng 10 năm 2016, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nghị quyết đã chỉ rõ, nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị; về đạo đức lối sống; về “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Ở 3 nội dung chính, biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống và biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, mỗi nội dung trong Nghị quyết chỉ rõ có 9 biểu hiện nhận biết. Một vấn đề đặt ra là: Nguyên nhân chính từ đâu dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của mỗi cá nhân?

Trong thế giới vật chất, bất cứ một sự vật, hiện tượng nào xảy ra đều có nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Song, nguyên nhân khách quan chỉ đóng vai trò quan trọng; nguyên nhân chủ quan mới giữ vai trò quyết định. Những tác động khách quan chỉ tác động, ảnh hưởng, nhưng chủ quan, chính bản thân chịu sự tác động ấy mới là yếu tố quyết định sự tác động đó ảnh hưởng đến tư tưởng, nhận thức, hành vi của chính cá nhân đó như thế nào.

Vậy, quá trình ấy diễn biến ra làm sao? Đấy chính là quá trình chỉ diễn ra ở tự chính bản thân mỗi cá nhân. Từ những yếu tố khách quan do sai lầm trong thực hiện các chính sách xây dựng chế độ xã hội từ các nước có chung nền tảng tư tưởng. Những khó khăn trong đời sống; những tiêu cực của một bộ phận cán bộ về phẩm chất, đạo đức trong quá trình thực thi nhiệm vụ, chức trách được giao. Do việc thiếu quan tâm, buông lỏng trong quá trình tuyên truyền, giáo dục, kiểm tra, giám sát, quản lý việc thực hiện nhiệm vụ của các tổ chức đối với mỗi cá nhân. Từ nhận thức không đầy đủ, sai lệch; không phân biệt được đúng, sai, để các đối tượng thù địch, chống đối lôi kéo, chệch hướng về tư tưởng, ý chí, bản lĩnh, phẩm chất. Bắt đầu từ nhận thức sai, từng bước dẫn đến phai nhạt lý tưởng; dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu của giai cấp, dân tộc; hoài nghi, thiếu tin tưởng vào hệ tư tưởng nền tảng của Đảng. Từ đó, xa rời tôn chỉ, mục đích; không kiên định con đường giai cấp và dân tộc đã lựa chọn; “nói theo” phụ họa cho những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái. Từ nhận thức sai trái đó, không chấp hành nghiêm các nguyên tắc của tổ chức; sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong công tác; “dĩ hòa vi quý”, thiếu trách nhiệm, trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân; không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao. Đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích giai cấp, dân tộc.

Nói như thế để thấy rằng, tất cả bắt đầu từ nhận thức rồi từ đó, cá nhân tự đánh mất bản lĩnh, ý chí, mục tiêu, những phẩm chất nội tại trong mỗi cá nhân. Nếu bản lĩnh vững vàng, giữ vững ý chí, lập trường, kiên định mục tiêu thì dẫu tác động khách quan bên ngoài có như thế nào vẫn không thể dẫn đến sự diễn biến, chuyển hóa của bản thân. Sự nguy hiểm của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là cá nhân đó giấu sau vỏ bọc người của tổ chức, của chính quyền hay “trong vai người hiểu biết” rồi như “vết dầu loang”, tác động đến các cá nhân khác xung quanh.

Tất cả những thay đổi về xa rời tư tưởng, bản lĩnh, ý chí, mục tiêu đều tự bản thân của mỗi cá nhân. Trước những diễn biến phức tạp, tư tưởng phải vững vàng; trước những tác động xấu, bản lĩnh càng phải cao; trước thách thức, ý chí càng phải lớn và trước khó khăn, mục tiêu càng phải kiên định. Đây không chỉ là yêu cầu tính chiến đấu, chất cách mạng, mà đó còn là sự tự “miễn dịch” với những gì tác động xấu, khách quan từ bên ngoài. Đó là quá trình tự rèn luyện, tự ý thức, tự xây dựng bản lĩnh, nhân cách với quyết tâm cao, là sự khẳng định sự đúng đắn từ nhận thức đến hành động của người cách mạng chân chính.

Phạm Quế Nghi/Biên Phòng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *