Tự do internet ở Việt Nam là thực tế không thể phủ nhận
Mới đây, bài viết “Việt Nam hoàn toàn không có tự do internet!” đã được tán phát, thu hút sự tham gia bình luận, chia sẻ trên nhiều diễn dàn phản động. Nội dung bài viết là sự phủ nhận, bôi đen thực tế phát triển internet ở Việt Nam, nhằm cổ súy cho các luận điệu muốn mượn cớ “tự do internet”, “tự do ngôn luận”… để chống đối Đảng, Nhà nước, đi ngược lại lợi ích của nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế phát triển, quản lý internet ở Việt Nam là bằng chứng chân thực nhất, đanh thép nhất đập tan những luận điệu xảo trá ấy.
Theo người viết (N.A), ở Việt Nam không có tự do internet bởi các lý do: Internet Việt Nam chỉ là công cụ tuyên truyền của đảng cs; Việt Nam ngăn cấm truy cập những thông tin của thế giới tự do… Đây là những luận điệu hoàn toàn phi lý, thiếu căn cứ, xuất phát từ tư tưởng thù địch, góc nhìn phiến diện và ý đồ chống phá Đảng, Nhà nước của người viết. Dù hòa mạng internet muộn hơn so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới (1997), tuy nhiên Việt Nam đã thu về nhiều thành tựu vượt bậc về tốc độ phát triển. Internet đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Tuy chưa có thứ hạng cao về tốc độ đường truyền nhưng Việt Nam là một trong những quốc gia có độ bao phủ internet rộng, với chi phí sử dụng thấp hơn so với các quốc gia trên thế giới. Hiện nay, wifi miễn phí có mặt ở nhiều nơi, từ các điểm du lịch, bệnh viện, trường học, đến quán cà phê, trà đá vỉa hè… đáp ứng kịp thời mọi nhu cầu liên lạc, học tập, làm việc, giải trí… của người dân. Nhiều du khách nước ngoài đã xem Việt Nam là “thiên đường của wifi miễn phí”. Trong khi tại nhiều sân bay trên thế giới, nếu muốn sử dụng wifi miễn phí bắt buộc phải khai báo thông tin hộ chiếu và khống chế truy cập theo giờ, thì tại các sân bay, bến xe của Việt Nam, người dùng có thể thoải mái truy cập internet miễn phí và không cần khai báo danh tính. Ngay tại Mỹ – quốc gia phát triển hàng đầu thế giới, chính quyền Liên bang thường xuyên phải đối diện với vấn đề lớn về chất lượng kết nối internet. Khi đại dịch Covid – 19 xảy ra, người dân Mỹ gặp rất nhiều khó khăn khi học tập, làm việc từ xa, do mạng internet tốc độ quá chậm. Tình hình nghiêm trọng đến mức việc “đầu tư cho băng thông rộng” trở thành một chủ đề trong các cuộc thảo luận của Chính phủ Liên bang về cứu trợ trong đại dịch Covid – 19. Người dân nghèo, thu nhập thấp ở Mỹ đã thực sự “bị bỏ lại phía sau” trong cuộc đua tiếp cận internet tốc độ cao. Sự so sánh này đã phản ánh rõ một thực tế khách quan: Việt Nam đang có tự do internet gấp “nhiều lần hơn” so với các quốc gia phát triển.
Khi kết nối internet toàn cầu, việc đảm bảo các quyền tự do ngôn luận và tiếp cận thông tin của người dân trở thành chính sách nhất quán của Việt Nam, được quy định trong Hiến pháp, pháp luật và thực hiện đầy đủ trên thực tế. Nhà nước đã có nhiều chủ trương, giải pháp đồng bộ thúc đẩy sự phát triển của Internet để phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin, học tập và làm việc của người dân ở mọi vùng, miền. Tuy nhiên, mọi hành động sử dụng internet, mạng xã hội để xuyên tạc sự thật, tung tin sai trái, xúc phạm danh dự, nhân phẩm đến các tổ chức, cá nhân, xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc… đều bị xử lý, ngăn chặn. Hệ thống pháp luật và các quy định về sử dụng internet của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với xu thế chung của thế giới và thực tiễn đất nước. Ở nhiều quốc gia, việc thực hiện quyền tự do internet luôn được đặt trong khuôn khổ pháp luật. Ủy ban châu Âu đã ban hành luật về bảo vệ sự riêng tư toàn cầu nhằm hạn chế hoạt động của internet, mạng xã hội vi phạm quyền riêng tư của công dân của các nước thành viên. Ủy ban này đã yêu cầu Facebook, Google, Twitter phải điều chỉnh các điều khoản sử dụng dịch vụ, truy quét thông tin xấu, gồm cả tin xuyên tạc, sai sự thật, nếu không sẽ phải chịu chế tài xử lý nghiêm khắc. Chính phủ Hàn Quốc, Thái Lan cũng yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ internet phải kiểm duyệt, ngăn chặn các tài khoản, clip có “nội dung không phù hợp” trên các mạng xã hội. Ở Mỹ – quốc gia luôn tự cho mình là “đất nước tự do”, Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản luật nhằm xử lý, ngăn chặn việc lợi dụng internet, mạng xã hội để khủng bố, kích động bạo lực ảnh hưởng đến an ninh quốc gia… Vì vậy, việc Việt Nam ngăn chặn truy cập vào các trang tin cùng nhiều rất nhiều group, diễn đàn thường xuyên tán phát thông tin giả, xấu độc nhằm tuyên truyền xuyên tạc, kích động, làm nhiễu loạn thông tin, gây hoang mang trong dư luận, tạo sự bất ổn về an ninh trật tự để chống phá Đảng, Nhà nước ta, gây tổn hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc là hoàn toàn chính đáng và cần thiết. Không thể mượn cớ hoạt động đó để nói rằng Việt Nam ngăn cấm truy cập những thông tin của thế giới tự do – như lời của N.A.
Tự do internet ở Việt Nam là một thực tế không thể phủ nhận. Nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế khi đến Việt Nam đã cảm nhận và đánh giá cao thực tế đó. “Thiên đường wifi miễn phí” Việt Nam đã trở thành điểm nhấn thu hút sự quan tâm của bạn bè quốc tế, ảnh hưởng lớn đến quyết định của họ khi lựa chọn du lịch đến Việt Nam. N.A và các thành viên trong Hội những người cầm bút can đảm không thể phủ nhận và không có tư cách để phán xét hiện thực khách quan đó./.
(NVV)