Ứng vạn biến để giữ nền tảng bất biến (tiếp theo và hết)

Giá trị của lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đối với vai trò cầm quyền và lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, với mỗi cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) và nhân dân Việt Nam đã được chứng minh trong thực tiễn.

Ảnh minh họa / TTXVN

Nhiều ý kiến cho rằng, cần tiếp tục có bước đột phá việc học tập lý luận chính trị (LLCT) trong điều kiện mới. Cùng với đó, phải có những giải pháp căn bản, quyết liệt để việc học LLCT trở thành nhu cầu thiết thân của mỗi người.

Trước thực trạng một bộ phận CB, ĐV lười học LLCT, cùng với việc tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của LLCT, Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp để khắc phục tình trạng này. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng đã chỉ rõ một trong 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay là: “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập LLCT; lười học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”. Nghị quyết cũng chỉ rõ hạn chế: “Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho CB, ĐV về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giảng dạy và học tập nghị quyết của Đảng chưa được coi trọng đúng mức, kém hiệu quả, nội dung và phương pháp giáo dục, truyền đạt chậm đổi mới; chưa tạo được sự thống nhất cao trong nhận thức về tình trạng suy thoái, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và những hậu quả gây ra”.

Trong Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-10-2021 của Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đó là phải tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; phải tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của CB, ĐV về tầm quan trọng của nghiên cứu, học tập LLCT, đề cao trách nhiệm tự học, tự nghiên cứu của cá nhân. Trước đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 26-5-2014 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng LLCT cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, nghị quyết đã khẳng định: Đào tạo, bồi dưỡng LLCT cho cán bộ lãnh đạo, quản lý là nhiệm vụ quan trọng của Ðảng. 

Để việc học tập LLCT trở thành tự giác, là nhu cầu tự thân thì mỗi CB, ĐV cần thay đổi nhận thức về nó, tiên quyết là phải xác định được động cơ, thái độ học tập đúng đắn. Việc học LLCT là trang bị cho chính mình thế giới quan, phương pháp luận khoa học, là cơ sở để mỗi người vận dụng nó trong giải quyết các vấn đề thực tiễn, nhất là trong công việc hằng ngày. Đó là cái chất tiên phong của người đảng viên so với quần chúng. Mục tiêu cao hơn là góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực, phong cách làm việc hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Lý luận giúp chúng ta xây dựng niềm tin, thái độ, trách nhiệm, sự nhân văn trong cuộc sống. Học tập, bồi dưỡng lý luận không phải chỉ có mục tiêu duy nhất là lấy bằng cấp để hợp thức, đối phó với tiêu chí đề bạt, bổ nhiệm mà quan trọng hơn là học để làm việc tốt. Ở một góc độ khác, CB, ĐV là những người đem đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để giải thích cho quần chúng nhân dân hiểu rõ, đồng thời trực tiếp thực hiện và hướng dẫn nhân dân thực hiện. CB, ĐV cũng lại là người báo cáo tình hình thực hiện chủ trương, chính sách của nhân dân với Đảng và Nhà nước, để đề ra chính sách cho đúng, do đó họ phải học LLCT. Để kiến thức lý luận thấm và ngấm, người học phải xây dựng cho mình phương pháp học phù hợp, tránh lối tầm chương trích cú, học thuộc lòng mà không vận dụng gì vào thực tế. Lối tầm chương trích cú, kinh viện càng khiến cho lý luận trở nên khô khan, thiếu thực tế và làm người học chán nản. Chính các nhà lý luận kinh điển cũng không tán thành cách học đó. Học lý luận, nghiên cứu lý luận là phải nắm được tinh thần của lý luận, bản chất của lý luận để vận dụng nó vào giải quyết các vấn đề thực tiễn. Tính lịch sử-cụ thể luôn là điểm then chốt trong phương pháp tiếp cận của LLCT. Bởi theo Các Mác, lịch sử bắt đầu từ đâu thì tư duy bắt đầu từ đó; lý luận phải xuất phát từ thực tiễn, được tổng kết, khái quát từ thực tiễn. Bản thân các nhà lý luận Mác-xít chưa bao giờ coi học thuyết của mình là bất biến mà luôn coi đó là một học thuyết mở cần được bổ sung, phát triển bằng thực tiễn sinh động. Ph.Ăngghen đã khẳng định: “Lý luận của chúng tôi là lý luận của sự phát triển, chứ không phải là một giáo điều mà người ta phải học thuộc lòng và lắp lại một cách máy móc”.

Đảng ta đã nhiều lần nhấn mạnh quan điểm xuyên suốt, học tập LLCT là nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của CB, ĐV, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng LLCT phải luôn bám sát mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ của chiến lược cán bộ và gắn kết chặt chẽ với các khâu trong công tác cán bộ. Bởi thế, đào tạo LLCT phải bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ gắn với quy định của Đảng về công tác quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, phân cấp quản lý cán bộ… Tránh hiện tượng giao chỉ tiêu, cử cán bộ đi học LLCT theo kiểu “điền vào chỗ trống” khiến người học không có động lực, không thấy đó là nhu cầu thiết thân mà còn gây tốn kém, lãng phí ngân sách, thời gian, công sức. Trên thực tế, một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa quan tâm đúng mức tới việc bồi dưỡng LLCT cho đảng viên, có hiện tượng khoán trắng cho cơ quan tham mưu mà thiếu kiểm tra, giám sát. Việc cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng thành chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện ở một số địa phương, đơn vị còn chung chung, chỉ đạo thiếu quyết liệt, còn trông chờ, ỷ lại cấp trên. Tình trạng bớt thời gian, cắt xén nội dung trong quán triệt, truyền tải nghị quyết của Đảng không hiếm. Điều này đã được Đảng ta chỉ ra. Tuy vậy, những giải pháp để khắc phục ở cơ sở hiện nay là chưa triệt để. 

Một yếu tố có vai trò hết sức quan trọng đó là người truyền lửa (người thầy dạy lý luận, người truyền đạt nghị quyết của Đảng). Thực tế hiện nay việc giảng dạy lý luận ở các nhà trường, việc truyền thụ nghị quyết của các cấp ủy đảng, tổ chức đảng không phải ở đâu cũng chọn lọc được đội ngũ truyền thụ tinh hoa, dẫn đến nhiều nơi hiệu quả thấp. Không phải ai cũng có khả năng đứng trên bục giảng hay truyền tải nghị quyết của Đảng hiệu quả. Người truyền lửa lý luận phải thổi lên được ngọn lửa nhiệt huyết, sự say mê của cả mình và người học, người nghe. Do đó, người truyền lửa phải là người có kiến thức, hiểu biết, có phương pháp truyền thụ, có kỹ năng phân tích, đánh giá, định hướng, dự báo tình hình, biết giải quyết nhuần nhuyễn các vấn đề đang đặt ra giữa lý luận và thực tiễn giúp người học tiếp cận được sát nhất những kiến thức ấy. Điều tiên quyết là bài giảng LLCT phải góp phần giải quyết, lý giải những vấn đề mới, hóc búa từ thực tiễn đặt ra, nhất là việc vận dụng trong giải quyết những công việc cụ thể. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng vì nó tạo niềm tin cho người học. Bởi thế, các nhà trường, cơ sở đào tạo có thể nghiên cứu để tăng cường hơn nữa đội ngũ giảng viên kiêm chức, thỉnh giảng là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có phương pháp truyền thụ tốt tham gia giảng dạy LLCT. Đi liền với yêu cầu lựa chọn người giảng dạy, người truyền đạt LLCT, cũng cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng chế độ, chính sách đãi ngộ xứng đáng, tạo động lực tốt nhất để họ cống hiến. Chế độ, chính sách đối với người giảng dạy, truyền thụ lý luận hiện nay về cơ bản là chưa đủ sức hút để họ chuyên tâm với nghề.

Nhiều cán bộ qua đào tạo LLCT ở các bậc học đã nêu lên một thực trạng, đó là sự trùng lặp nội dung các bậc học, thiếu sự liên thông, tính kế thừa, tính thống nhất giữa các cấp học dẫn đến việc cán bộ phải học nhiều lần một số chuyên đề, học phần. Chương trình đào tạo vẫn còn nặng về lý thuyết, kinh viện mà chưa có bổ sung thấu đáo về tính thực tiễn. Đúng như tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII chỉ ra: “Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa có chiều sâu, không theo kịp tình hình thực tế”. Như vậy, phải có nghiên cứu thấu đáo việc đưa chương trình, nội dung vào giảng dạy ở các bậc học. Đây cũng là vấn đề lớn mà Đảng, Nhà nước, hệ thống các cơ sở đào tạo cần quan tâm, tìm ra phương thức hợp lý.

NGUYỄN ANH TUẤN/QĐND

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *