Văn hóa ứng xử và thước đo văn minh
Vốn được coi là người của công chúng nên mỗi hành xử hay phát ngôn của nghệ sĩ đều được công chúng quan tâm, chú ý. Song, không phải nghệ sĩ nào cũng nhớ điều này, thế mới có chuyện không ít người vì “lộng ngôn” theo chủ ý hoặc vô tình… mà gây bất bình trong dư luận.
Ít ngày qua, ca sĩ được cho là sao hạng A-Đàm Vĩnh Hưng đang trở thành tâm điểm của dư luận. Không phải vì anh vừa có một album xuất chúng, một chương trình để đời, cũng không phải vì anh đã có một cử chỉ yêu thương lan tỏa, mà được dư luận nhắc đến vì một chuyện khác. Anh chứng kiến cảnh người bố tát con trước sự bất lực của người mẹ và trong một phút bộc phát cảm xúc đã viết những dòng chia sẻ hết sức “bá đạo” trên Facebook. Nhiều người cũng có thể lên giọng bức xúc như thế, nhưng hơn cả là sự “sáng tạo” của Đàm Vĩnh Hưng: Trao thưởng 20 triệu đồng cho ai đến tận nhà tát người kia đúng như anh ta đã tát con mình, quay lại làm bằng chứng. Trang mạng hơn một triệu người theo dõi của anh thực sự “phát huy tác dụng”. Đã có hàng chục người kéo tới nơi ở của ông bố trên đòi xử lý. Rất may sự việc không vượt quá giới hạn khi chính quyền, người dân kịp thời ngăn chặn.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Sự việc cho thấy đây là một ví dụ điển hình chứng minh quyền lực, ảnh hưởng của “ngôi sao” là có thật? Bởi, với đại đa số người dân, họ cũng bày tỏ bất bình với hành vi trái với lương tâm, đạo đức, bạo lực, nhất là những hành vi đó liên quan đến người già, phụ nữ, trẻ em, nhưng họ không bày tỏ như cái cách mà ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng thể hiện.
Thực tế thời gian gần đây, không ít nghệ sĩ Việt cũng có những phát ngôn bồng bột, những hành xử chẳng giống ai trên mạng xã hội và đã phải trả giá. Nhiều người tự phong là “hiệp sĩ”, “anh hùng” trên mạng, cho mình được quyền nhân danh cái đúng để kêu gọi tấn công người khác. Đáng lo ngại là hành vi này lại được một bộ phận người trong xã hội cổ vũ. Ca sĩ Tuấn Hưng là một ví dụ, khi từng dọa “cắt gân tay” một người nói xấu con trai anh trên Facebook. Sau đó nam ca sĩ này còn công khai ra giá 200 triệu đồng cho ai “bắt sống” được một người đàn ông vì đã xúc phạm đến vợ mình. Tuấn Hưng khẳng định, ai đụng anh cũng được chứ đụng đến vợ con là anh không khoan nhượng. Ca sĩ kiêm người mẫu Vũ Hạnh Nguyên “lộng ngôn” tới mức tuyên bố: “Ai nói xấu tôi, tôi chửi luôn. Tôi chẳng bao giờ chửi đến câu thứ hai đâu, cảnh cáo lần một mà không ngoan, lần hai đánh luôn, gặp đâu đánh đó”. Điều đáng nói, Facebook của Vũ Hạnh Nguyên đang có tới hơn 30.000 người theo dõi… Hay như Á hậu 1 Hoa hậu Việt Nam 2010-Vũ Hoàng My năm 2017 đã “hồn nhiên” viết trên Facebook để ví von những tổn thương tinh thần của cô còn lớn hơn cả thiệt hại người và của mà người dân miền Trung phải gánh chịu từ một cơn bão càn quét qua. Cô này đã nhận về không ít chỉ trích của công chúng, tổn thất nặng nề về tài chính do các thương hiệu tẩy chay, phá hợp đồng.
Có thể thấy, sau mỗi lần đăng đàn như thế, có không ít bạn trẻ thi nhau vào đọc và để lại vô vàn lời tung hê phía dưới cùng những câu văng tục, chửi bậy… Phải chăng vì có những thần tượng như vậy mà “rác ngôn ngữ” đang xuất hiện ngày càng nhiều trong đời sống giới trẻ hiện nay?
Có câu “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Phát ngôn không chỉ là việc truyền tải thông tin, còn là nghệ thuật giao tiếp. Ngày nay công nghệ mở rộng biên độ, “phát ngôn” không chỉ là tiếng nói trực tiếp mà còn là những dòng lưu lại trên mạng xã hội. Vì thế, phát ngôn hay “bút sa” trên mạng xã hội đối với cộng đồng là văn hóa xử, là thước đo văn minh của mỗi người. Với nghệ sĩ, người của công chúng thì càng phải đề cao ý thức vị trí xã hội và sức ảnh hưởng của mình. Những người của công chúng đích thực phải biết giữ mình, khiêm nhường, đúng mực. Họ cần tỉnh táo để tránh rơi vào tình huống nhạy cảm, còn khi không may bị vướng vào rồi thì phải chân thành, phục thiện trong ứng xử. Cách ứng xử này công chúng rất cần nhận được từ người của công chúng.
QĐND