Vị thế của Việt Nam đập tan mọi luận điệu xuyên tạc

Vừa qua, ngày 11/10/2022, tại Trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở New York, Hoa Kỳ, Đại hội đồng LHQ đã bầu 14 quốc gia làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025, trong đó có Việt Nam. Việc Việt Nam lần thứ 2 được cộng đồng quốc tế tín nhiệm bầu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ đã cho thấy, cộng đồng quốc tế luôn ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy và bảo đảm quyền con người. Sự kiện này cũng là minh chứng sinh động đập tan mọi luận điệu công kích, xuyên tạc, chống phá Việt Nam trên lĩnh vực nhân quyền.

Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp bỏ phiếu và công bố kết quả thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025. Ảnh: Phái đoàn Việt Nam tại LHQ

Khi Việt Nam được các nước ASEAN giới thiệu là thành viên duy nhất đại diện cho khối tham gia ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ, trên các trang mạng xã hội của các tổ chức phản động, chống phá đất nước, các phần tử lưu vong ở nước ngoài liên tục sản xuất tin, bài, video đăng tải trên các nền tảng của mạng xã hội. Chúng hô hào kêu gọi các nước không ủng hộ, không bỏ phiếu cho Việt Nam. Nhiều đối tượng còn trắng trợn vu cáo Việt Nam vi phạm tự do ngôn luận, tự do báo chí, vi phạm quyền con người với đồng bào tôn giáo, đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, chúng còn trắng trợn kêu gọi LHQ và các quốc gia thành viên xem xét tư cách ứng cử của Việt Nam. Xin được nói rõ thêm, đây là hành động của một nhóm người, có sự giật dây từ phía sau, hoàn toàn không có tư cách để yêu cầu hay đề nghị đối với một thể chế quốc gia hoặc LHQ.

Sự thực đã minh chứng cho thấy, mặc dù đất nước chúng ta còn nghèo, đời sống của đồng bào các dân tộc ở miền núi, vùng sâu, vùng xa vẫn chưa thực sự khá giả, thế nhưng về tổng thể mặt bằng chung, sau hơn 35 năm đổi mới đất nước, chúng ta đã có sự đổi thay kỳ diệu. Đảng, Nhà nước luôn có chính sách hỗ trợ và quan tâm tới việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, nhất là những người yếu thế trong xã hội, những khu vực còn nhiều khó khăn như miền núi, biên giới, hải đảo đã có điện, có đường, có nước sạch và được Nhà nước hỗ trợ nhiều mặt cho đồng bào phát triển kinh tế, xã hội. Đại sứ Ngô Quang Xuân, nguyên Trưởng phái đoàn đại diện Việt Nam tại LHQ cho rằng, Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền lần thứ 2 không chỉ khẳng định sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế, mà đây còn là minh chứng đập tan mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Nhân quyền, hòa bình và phát triển là 3 trụ cột của LHQ. Chính vì vậy, các quốc gia trên thế giới rất coi trọng và muốn được là thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ. Các thành viên LHQ tham gia ứng cử được chia thành 5 khu vực địa lý, trong đó, nhóm châu Á – Thái Bình Dương là khu vực có sự cạnh tranh cao nhất cho vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ này với 7 nước giới thiệu ứng cử. Vì vậy, theo Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng phái đoàn đại diện Thường trực Việt Nam tại LHQ, Việt Nam đã vượt qua rất nhiều khó khăn, rất nhiều thử thách mới có được kết quả và sự đồng thuận của bạn bè quốc tế.

“Đầu tiên chính là số lượng ứng cử viên quá đông, riêng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương có đến 7 nước ứng cử. Và cái khó khăn thứ hai nữa, là chúng ta ra ứng cử muộn nhất trong các ứng cử viên. Trong khi đó, vừa mới ứng cử thì gặp ngay 2 năm Covid-19, điều kiện tiếp xúc, vận động, gặp gỡ, trao đổi đoàn không có, mà công tác vận động chỉ được triển khai vào đầu năm 2022 mới được quyết liệt” – Đại sứ Đặng Hoàng Giang cho biết.

Mặt khác, ông Lê Văn Nghiêm, nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, để tạo được sự đồng thuận trong lĩnh vực nhân quyền, để tìm ra được mẫu số chung cho vấn đề nhân quyền là không dễ dàng. Bởi lẽ, mỗi quốc gia, dân tộc, tùy theo đặc điểm văn hóa, thể chế chính trị sẽ có những cái nhìn nhận khác nhau, đánh giá khác nhau về quyền con người. Chẳng hạn như việc sử dụng súng, ở một số quốc gia thì đó là hợp pháp, nhưng ở một số quốc gia thì không hợp pháp, một số quốc gia được cấp phép bán súng công khai, nhưng ở nhiều quốc gia lại cấm tuyệt đối. Cũng vì vậy, Việt Nam đạt được sự đồng thuận cao của bạn bè quốc tế trong lĩnh vực nhân quyền đã cho thấy, sự chân thành, trách nhiệm và cam kết của Việt Nam đã được thực hiện bằng những hành động hiệu quả.

Việc trúng cử trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền, cơ quan có vai trò quan trọng hàng đầu trong hệ thống LHQ về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền của người dân trên tất cả các lĩnh vực. Đây cũng là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là bước tiến mới trong nỗ lực triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XIII và Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định: “Việc trúng cử Hội đồng Nhân quyền không chỉ minh chứng cho nỗ lực bền bỉ của Việt Nam trong việc thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế về quyền con người, mà còn khẳng định sự ủng hộ, tín nhiệm cũng như kỳ vọng của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp quan trọng và có trách nhiệm của Việt Nam thúc đẩy quyền con người trên thế giới. Sự kiện này càng có ý nghĩa hơn, khi năm 2022 kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập LHQ. Đây sẽ là cơ hội để Việt Nam tiếp tục đóng góp tích cực vào nỗ lực chung của LHQ và cộng đồng quốc tế trong bảo vệ và thúc đẩy những giá trị phổ quát về quyền con người, cùng phấn đấu vì hòa bình, độc lập, dân tộc, dân chủ, hợp tác phát triển và tiến bộ xã hội”.

Từ một quốc gia chưa có tên trên bản đồ thế giới, từ một quốc gia bị chiến tranh tàn phá triền miên, sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã trở thành điểm đến tin cậy của bè bạn khắp năm châu. Hàng loạt những sự kiện mang tầm cỡ quốc tế đã được tổ chức ở Việt Nam. Việt Nam cũng đã tham gia vào hầu hết các cơ chế, cơ quan của LHQ như 2 lần trúng cử Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an, 2 lần trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền. Việt Nam đã chứng minh cho cộng đồng quốc tế thấy được uy tín, trách nhiệm và vị thế của mình. Đặc biệt, Việt Nam là nơi mà các quốc gia có những mâu thuẫn, bất đồng có thể lựa chọn để ngồi lại với nhau, trao đổi, thảo luận tìm ra tiếng nói chung, hóa giải những mâu thuẫn, góp phần vào sự ổn định của thế giới.

Trường Giang/Biên Phòng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *