VỊ TRÍ, VAI TRÒ QUAN TRỌNG CỦA TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN TRONG ĐỜI SỐNG CHÍNH TRỊ – XÃ HỘI VIỆT NAM LÀ KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN
Lợi dụng sự kiện nước ta đang chuẩn bị tiến tới Đại hội Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 – 2028, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã tán phát lên không gian mạng nhiều luận điệu xuyên tạc như:“Công đoàn Việt Nam chỉ là bù nhìn”; “chỉ có công đoàn độc lập mới bảo vệ quyền lợi cho người lao động …đòi “tự do” phát triển các tổ chức “công đoàn độc lập”… Mục đích của bọn chúng là nhằm hạ thấp vị trí, vai trò của tổ chức công đoàn các cấp ở nước ta.
Chúng ta biết rằng, giai cấp công nhân Việt Nam là một lực lượng xã hội to lớn. Hiện nay, tổng số lao động khoảng 24,5 triệu người, chiếm khoảng 14% dân số, 27% lực lượng lao động xã hội, hằng năm đã tạo ra trên 65% giá trị tổng sản phẩm xã hội và hơn 70% giá trị thu ngân sách nhà nước. Công nhân lao động Việt Nam ngày càng đa dạng về cơ cấu ngành nghề, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp ngày càng cao; đã hình thành, phát triển đông đảo bộ phận công nhân trí thức làm công tác quản lý, nghiên cứu và quản lý khoa học – kỹ thuật gắn với sản xuất kinh doanh. Xét về vị thế lịch sử, giai cấp công nhân là lực lượng lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam. Giai cấp công nhân đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến, là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đồng thời là lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng. Do đó, lực lượng công nhân có vị trí, vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của đất nước.
Trong những năm qua, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách để dụ dỗ, lôi kéo lực lượng công nhân vào các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước ta. Thủ đoạn của chúng là tiến hành xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về đội ngũ công nhân; tuyên truyền, cổ súy những nhận thức lệch lạc, phiến diện, mơ hồ liên quan đến vị thế, vai trò của lực lượng công nhân trong xã hội tư sản, coi đó là chuẩn mực mà Việt Nam phải làm theo. Đặc biệt, hiện nay các thế lực thù địch đang đẩy mạnh tấn công vào tổ chức Công đoàn Việt Nam, đòi thành lập các “nghiệp đoàn độc lập”. Chúng rêu rao rằng “Các tổ chức “công đoàn” Việt Nam không phải là để đại diện quyền lợi công nhân, mà là để theo dõi công nhân rồi đàn áp họ”, “Tình trạng yếu ớt của nghiệp đoàn độc lập sẽ duy trì sự thống trị của giới cầm quyền mệnh danh cộng sản, câu kết với giới tư bản trong và ngoài nước”…
Công đoàn là tổ chức đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Tại Điều 10, Hiến pháp năm 2013 khẳng định: Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thời gian qua, việc bảo vệ người lao động được tổ chức công đoàn thực hiện tốt và đạt nhiều kết quả tích cực. Chúng ta đã chứng kiến việc tổ chức công đoàn đã nhiều lần đại diện cho tập thể người lao động khởi kiện chủ sử dụng lao động ra tòa án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động bị xâm phạm; tại các phiên họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia, đại diện tổ chức công đoàn Việt Nam cũng đã nhiều lần đề xuất tăng lương tối thiểu vùng để đảm bảo đời sống của người lao động. Đặc biệt, trong thời gian xảy ra dịch Covid-19, chúng ta cũng chứng kiến tổ chức công đoàn ở các địa phương đã ủng hộ, hỗ trợ, tặng quà người lao động; giám sát và hướng dẫn doanh nghiệp, người lao động thực hiện các thủ tục để hưởng gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ…
Qua những việc làm cụ thể trên, tổ chức công đoàn đã làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với công nhân và người lao động; thông qua các cuộc vận động và phong trào thi đua đã thu hút, khơi dậy động lực của đoàn viên, người lao động, góp phần tăng năng suất lao động, phát triển kinh tế – xã hội. Đó là kết quả không thể phủ nhận dưới bất kỳ hình thức nào. Chính vì vậy, ở Việt Nam giai cấp công nhân và người lao động không cần cái tổ chức được gọi là “Công đoàn độc lập” để bảo vệ quyền lợi của công nhân tại Việt Nam. Thực chất, đây là tổ chức mà các thế lực thù địch sự dụng để lôi kéo, kích động chống phá Đảng, Nhà nước. Vì vậy, chúng ta phải nâng cao cảnh giác, thường xuyên tuyên truyền đến giai cấp công nhân và người lao động nhận diện rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, không mắc mưu của chúng, dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật của Nhà nước.
(KHPB)