Võ Nguyên Giáp – Biểu tượng của chiến thắng, vinh quang, của tinh thần yêu nước

Lịch sử quân sự thế giới đã lưu danh ông như một trong những danh tướng. Trong lòng mỗi người dân Việt Nam, ông là biểu tượng của chiến thắng, vinh quang, của tinh thần yêu nước, ý chí quật cường và lòng khoan dung, nhân hậu.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp – vị Anh hùng dân tộc đã đi vào lịch sử Việt Nam và thế giới, như một trong những vị tướng vĩ đại nhất mọi thời đại. Kỷ niệm 110 năm ngày sinh của ông (25/8/1911- 25/8/2021), nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế lại nhắc đến ông với tất cả sự trân trọng và ngưỡng mộ.

VÕ NGUYÊN GIÁP TÀI NĂNG NGHỆ THUẬT QUÂN SỰ THIÊN BẨM

Khu rừng Trần Hưng Đạo ở tỉnh Cao Bằng ngày 22/12/1944 chứng kiến sự ra đời của Đội tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay mà Võ Nguyên Giáp làm Tổng chỉ huy. Đội quân ấy đã cùng với nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm nên thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Với tiêu chí phong tướng mà Bác Hồ đã trả lời báo chí nước ngoài, “đánh thắng đại tá phong đại tá, đánh thắng thiếu tướng phong thiếu tướng, đánh thắng đại tướng phong đại tướng”, ngày 28/5/1948, Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp được phong quân hàm Đại tướng, vị Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm ấy ông 37 tuổi.

36 năm trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, tài thao lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được thể hiện trong nhiều trận đánh mang tính chất quyết định ở những thời khắc lịch sử.

Theo Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam,trước những kẻ thù mạnh hơn rất nhiều nhưng Đại tướng lại luôn giành được những thắng lợi mang tính quyết định là bởi Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất cẩn trọng trong việc so sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch, không bao giờ đánh giá thấp đối phương nhưng cũng không sợ sức mạnh của đối phương.

Về cơ bản, Đại tướng đã nhìn thấy được ba điểm yếu cốt tử của địch mà chúng không thể nào khắc phục được. Thứ nhất, cuộc chiến tranh của Pháp, Mỹ ở Việt Nam là một cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa. Cuộc kháng chiến của chúng ta là chính nghĩa. Thứ hai, Đại tướng đã nhìn thấy kẻ thù không có được những điều kiện tối quan trọng đó là “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, cuộc chiến tranh của họ là phi nghĩa nên sẽ không được lòng dân ủng hộ, điều đó tất yếu dẫn đến thất bại. Và điểm thứ ba, Đại tướng đã thấy được phương thức tác chiến tập trung quy mô lớn và hiện đại, đánh nhanh thắng nhanh của đội quân xâm lược Pháp, Mỹ là hoàn toàn không thích hợp với chiến trường Việt Nam, cho nên không phát huy được tối đa sức mạnh của vũ khí, trang bị cũng như cách đánh, vì thế cũng sẽ dẫn đến thất bại.

Tuy không học qua một trường quân sự nào, nhưng trong suốt cuộc đời hơn 30 năm trên cương vị cầm quân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp chỉ huy các chiến dịch, trong đó có các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp và giành được những thắng lợi quan trọng, làm thay đổi cục diện trên chiến trường, là bởi Đại tướng luôn giữ quan điểm, chúng ta có thể đánh thắng địch trong khi chúng đông quân nhất, nhiều vũ khí nhất và ngay cả khi chúng cho là ta không thể thắng chúng, miễn là ta có cách đánh đúng và thích ứng với thực tế.

Chiến dịch Điện Biên Phủ đã đưa Tướng Giáp trở thành huyền thoại của thế kỷ XX và là một “kiến trúc sư” của chiến lược, chiến thuật và hậu cần. Ông được đánh giá là nhà cầm quân chiến lược luôn làm cho đối phương bị sa lầy, bị động, buộc phải thay đổi thế cờ và đánh theo cách đánh của ông.

Từ chỗ khoét sâu điểm yếu của địch, Võ Nguyên Giáp đã buộc thực dân Pháp ban đầu là tấn công ồ ạt sau đó chuyển sang phòng ngự và cuối cùng là co cụm và nhận thất bại cay đắng ở Điện Biên Phủ. Còn đế quốc Mỹ thì phải bốn lần thay đổi chiến lược quân sự: Từ chiến lược dồn dân lập ấp chiến lược, bình định nông thôn đến chiến lược Chiến tranh đặc biệt, Chiến tranh Cục bộ và cuối cùng là chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh. Điều đó cho thấy, Đại tướng luôn biết cách dụng binh, điều địch để buộc địch phải đánh theo cách đánh của ta.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, hơn 30 năm chỉ huy quân sự, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chưa bao giờ phạm bất kỳ một sai lầm nào về chiến lược, mà dưới sự cầm quân của Đại tướng, những danh tướng của Pháp và Mỹ đã phải mắc những sai lầm chiến lược quan trọng.

Cái tên Điện Biên Phủ đầu tiên không có trong Kế hoạch Nava của người Pháp, cũng không có trong Chiến cuộc Đông – Xuân của ta. Nhưng sau đó, Điện Biên Phủ lại trở thành nơi quyết chiến chiến lược giữa ta và Pháp. Điều này là do tài dụng binh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khi Đại đoàn 316 hành quân lên Tây Bắc, Nava lập tức cho quân nhảy dù xuống Điện Biên để cứu nguy cho Lai Châu và dần dần Điện Biên Phủ trở thành trung tâm của Kế hoạch Nava. Như vậy Nava đã bị thất bại ngay từ đầu về mặt chiến lược khi đưa quân xuống lòng chảo Điện Biên. Và cuối cùng, những lời tuyên bố về một pháo đài bất khả xâm phạm của thực dân Pháp dành cho Điện Biên Phủ đã hoàn toàn sụp đổ. Người Pháp đã phải nhận thất bại cay đắng ngay giữa lòng chảo Điện Biên.

21 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, một lần nữa, tài chỉ huy quân sự của ông được thể hiện ở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh. Không chỉ biết chọn và chớp thời cơ mà Đại tướng còn biết tạo ra thời cơ để tiến công tiêu diệt địch.

Dẫn chứng rõ nhất, theo Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, đó là sau khi điểm đúng tử huyệt Buôn Ma Thuột, quân đội VNCH hoảng loạn và nhanh chóng tan rã. Phán đoán địch sẽ rút khỏi Tây Nguyên, kịp thời nắm bắt thời cơ chiến lược, Đại tướng đề nghị chuyển sang kế hoạch sớm giải phóng miền Nam trong năm 1975, kịp thời mở các chiến dịch Huế – Đà Nẵng, chỉ đạo giải phóng quần đảo Trường Sa, phê chuẩn đề nghị thành lập cánh quân phía Đông và ra mệnh lệnh: “Thần tốc, thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo, táo bạo, táo bạo hơn nữa” cho các cánh quân tiến về Sài Gòn giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Các sử gia và chính khách nước ngoài luôn coi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng duy nhất trong lịch sử hiện đại tiến hành cuộc chiến tranh chống kẻ thù từ thế vô cùng yếu, thiếu trang bị, thiếu nguồn tài chính, mặc dù thời kỳ đầu trong tay chưa có quân, nhưng vẫn liên tiếp đánh bại tàn quân của đế quốc Nhật, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Ông trở thành một trong những vị tướng tài năng nhất của thế kỷ XX và chuyên gia vĩ đại nhất về chiến tranh nhân dân, ông đã cùng với những người lính của mình giành chiến thắng trước những kẻ thù hùng mạnh nhất thế giới.

VỊ TƯỚNG TÀI KHÔNG CHỈ VIỆT NAM

Năm 2013, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, hàng loạt tờ báo tên tuổi trên thế giới đưa tin, bày tỏ tiếc thương, nhận định những giá trị ông để lại không chỉ cho Việt Nam mà còn cho cả thế giới.

Hãng thông tấn của Pháp – AFP nhấn mạnh: Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người Việt Nam được thế giới biết tới nhiều chỉ sau Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông là người xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Những chiến thuật du kích của ông đã truyền cảm hứng cho phong trào chống thực dân khắp toàn cầu.

Trong bài báo “Tướng Võ Nguyên Giáp của Việt Nam từ trần”, hãng truyền thông BBC nhận định, việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh bại quân đội Pháp tại Điện Biên Phủ năm 1954 đã chấm dứt 100 năm cai trị của thực dân Pháp ở Đông Nam Á.

Hãng thông tấn Mỹ AP cho hay, Tướng Giáp nổi lên “là một lãnh đạo của đội quân áo vải, gồm những du kích quân đi dép xăng đan làm từ lốp xe, kéo từng cỗ pháo qua những ngọn núi để bao vây và tiêu diệt quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ năm 1954”. Chiến thắng đó vẫn đang được giảng dạy trong các trường quân sự. Đây không chỉ là chiến thắng đưa Việt Nam đến độc lập mà còn đẩy nhanh sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân ở Đông Dương và xa hơn thế nữa, AP viết.

“Sau Hồ Chí Minh, ông là nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử Việt Nam thế kỷ 20”, hãng tin Bloomberg dẫn lời Stanley Karnow, một tác giả từng được giải Pulitzer, viết về chiến tranh Việt Nam, hồi năm 2008. “Ông là một vị tướng tự học, và chìa khóa của tài chỉ huy quân sự của ông là chiến lược kiên trì bền bỉ tuyệt đối”, Stanley cho biết.

Đài phát thanh Mỹ NPR dẫn lời Giáo sư lịch sử quân sự Cecil Currey (Mỹ), tác giả của cuốn “Victory at any cost” (tạm dịch Chiến thắng bằng mọi giá) nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuộc phỏng vấn: “Ông ấy sánh ngang với các nhà chỉ huy quân sự vĩ đại nhất trong hơn 2.000 năm qua. Ông ngang tầm với Alexander đại đế, vĩ đại hơn Napoleon, vượt trội hơn tất cả các tướng Mỹ và ông là một con người vĩ đại của mọi thời đại”.

Cũng trong năm 2013, bản điện tử của Nhân dân Nhật Báo, Tân Hoa Xã và các báo Trung Quốc đã đưa tin vị tướng lãnh đạo cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ của Việt Nam qua đời. Tân Hoa Xã ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị anh hùng, là một huyền thoại ở Việt Nam, là người sáng lập ra quân đội nhân dân Việt Nam, đánh bại hai cường quốc quân sự trên thế giới.

Khi đưa tin về sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tờ Los Angeles Times đã thu hút hàng trăm bình luận, trong đó không ít người dân Mỹ đã bày tỏ sự ngưỡng mộ, nể phục trước tài năng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tờ US News dẫn thông tin từ trang web truyền thông xã hội Trendsmap.com cho biết, thông tin về việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời và những giai thoại về cuộc đời của ông đã lan rộng khắp trên Twitter, đặc biệt ở Pháp và Italia từ trưa 4/10/2013.

Có thể thấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là vị tướng tài của Việt Nam. Chiến thắng Điện Biên phủ mà ông là chỉ huy đã tạo ra một mốc son lịch sử rực rỡ trong cuộc chiến chống lại chế độ thuộc địa kéo dài hơn 100 năm tại Đông Nam Á, tiếp tục truyền cảm hứng cho phong trào chống thực dân khắp toàn cầu.

Những kiến thức và tài năng quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều do tự học từ lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam và lịch sử quân sự thế giới; tự rèn luyện, tự đúc rút kinh nghiệm qua thực tế chiến đấu của Quân đội ta mà nên. Chính điều ấy đã làm nên sự khác biệt của Đại tướng, khiến thế giới khâm phục, suy tôn Võ Nguyên Giáp là danh tướng, một trong những thống soái kiệt xuất nhất trong lịch sử nhân loại… là một trong số ít những người có khả năng làm thay đổi dòng chảy lịch sử.

TẤM GƯƠNG SÁNG VỀ SỰ LIÊM KHIẾT, GIẢN DỊ, KHOAN DUNG, NHÂN HẬU

Không chỉ là thiên tài về nghệ thuật quân sự, Đại tướng còn là nhà văn hóa quân sự mang đậm chất nhân văn. Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên- Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết, không ít lần Đại tướng đã khóc trước những thương vong, tổn thất của đồng bào, chiến sĩ, không cầm được nước mắt trước sự hy sinh anh dũng của học sinh, sinh viên ở dòng sông Thạch Hãn, Thành cổ Quảng Trị. Trước những chiến dịch, những trận đánh, Đại tướng thức thâu đêm suy tính chi ly tìm đủ cách giải bài toán tỷ lệ nghịch giữa thương vong và chiến thắng, nhằm tìm đáp số giành thắng lợi to lớn nhất nhưng hạ thương vong xuống mức thấp nhất. Là người Tổng Chỉ huy quân đội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hiểu rõ hơn ai hết cái giá phải trả của chiến tranh. Đại tướng xem việc quý trọng sinh mạng con người không chỉ là vấn đề đạo đức, trách nhiệm mà còn là thước đo trình độ và phẩm chất văn hóa của người cầm quân.

Trọn đời noi theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm cách mạng là phải dĩ công vi thượng, tức là đặt lợi ích chung lên trên hết, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kiên định đi theo mục tiêu ấy, chiến đấu để bảo vệ những giá trị thiêng liêng của dân tộc Việt Nam là độc lập, tự do và hạnh phúc cho mỗi người. Nhưng nói với chiến sĩ của mình, khi họ ca ngợi những cống hiến của ông với đất nước, ông chỉ nhận mình là giọt nước trong biển cả là nhân dân.

Hơn 80 mươi năm hoạt động cách mạng, cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, dân tộc ta và Quân đội ta. Ở Đại tướng luôn sáng ngời những phẩm chất nhân cách của nhà văn hóa lớn, một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; đặc biệt là 6 đức tính cần phải có của các vị tướng do Bác Hồ chỉ ra “Trí, Dũng, Nhân, Tín, Liêm, Trung” luôn được Đại tướng Võ Nguyên Giáp thực hiện đầy đủ, trọn vẹn. Đại tướng là tấm gương sáng về sự liêm khiết, giản dị, khoan dung, nhân hậu, khiêm tốn, ham học hỏi, đoàn kết, sống có tình nghĩa, hết lòng thương yêu đồng chí, đồng bào.

Tình thương yêu con người của Đại tướng được hòa quyện với tình yêu quê hương, đất nước và đã để lại trong nhân dân Việt Nam cùng bạn bè quốc tế hình ảnh về một nhà lãnh đạo đức độ, tài năng, một nhà hoạt động thực tiễn xuất sắc, một chiến sĩ cách mạng kiên trung, suốt đời tận tụy hy sinh phấn đấu phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước, không màng chút danh, lợi riêng tư./.

(Nguồn VOV)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *