Tuy nhiên, do sự phát triển quá “nóng”, không ít tạp chí điện tử đã có biểu hiện “báo hóa”, thương mại hóa, thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích, từ đó làm nhiễu thông tin xã hội, tác động không thuận đến sự phát triển lành mạnh của nền báo chí cách mạng nước nhà.

Xử phạt nhiều tạp chí điện tử vì thông tin sai sự thật

Cách đây ít ngày, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) ra quyết định xử phạt 50 triệu đồng và đình bản hoạt động hai tháng đối với Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam (Liên đoàn Luật sư Việt Nam) vì vi phạm hành chính thông tin không đúng sự thật, gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Đây không phải lần đầu Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam bị xử phạt hành chính. Trước đó, ngày 16-11-2017, tạp chí này đã bị cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí xử phạt hành chính 30 triệu đồng do thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí.

Xa rời tôn chỉ, mục đích - nguy cơ làm xói mòn bản chất báo chí cách mạng
Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam. Ảnh: tuoitre.vn

Không riêng Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam, một số tạp chí điện tử thời gian qua liên tiếp bị Bộ TT&TT xử phạt hành chính cũng vì lý do thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích. Đó là Tạp chí điện tử Sở hữu và Sáng tạo (Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam) bị xử phạt hành chính hai lần với tổng số tiền 55 triệu đồng (lần một vào ngày 21-9-2018; lần hai vào ngày 30-9-2019). Cũng trong vòng một năm (từ tháng 10-2017 đến tháng 9-2018), Tạp chí điện tử TTV (Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý Việt Nam) bị xử phạt hành chính hai lần với tổng số tiền 83 triệu đồng, vì đã có 3 hành vi vi phạm trong hoạt động báo chí, đó là: Thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí; thực hiện không đúng quy định ghi trong giấy phép hoạt động báo chí; thông tin sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo thông tin từ Bộ TT&TT, tính từ tháng 7-2017 đến giữa tháng 10-2019, cơ quan này đã tiến hành xử phạt 15 lượt tạp chí điện tử vì lý do chủ yếu là thông tin sai sự thật, thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí, với tổng số tiền bị xử phạt hành chính gần 500 triệu đồng. Đó là các tạp chí điện tử: Hòa nhập, TTV, Nông thôn Việt, Luật sư Việt Nam, Thương hiệu và Pháp luật, Chất lượng Việt Nam, Môi trường và Cuộc sống, Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo, Làng mới… Tháng 11-2017, Tạp chí điện tử Nhà quản lý (thuộc Viện Nghiên cứu và Đào tạo về quản lý) đã bị Bộ TT&TT đình bản 3 tháng vì thông tin sai sự thật gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Đại diện lãnh đạo Phòng Pháp chế-Thanh tra, Cục Báo chí (Bộ TT&TT) cho biết, những tạp chí điện tử bị xử phạt hành chính, trước đó đã được cơ quan chức năng nhắc nhở, phê bình về những biểu hiện thương mại hóa, thông tin sai sự thật, không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích được ghi trong giấy phép hoạt động báo chí. Nhưng đáng tiếc, có tạp chí điện tử “lỗi chồng lỗi”, “sai liên tiếp sai”, ít chuyển biến, buộc cơ quan chức năng phải mạnh tay xử lý theo luật định. Chỉ tính từ đầu năm 2019 đến nay, Cục Báo chí đã tiếp nhận hơn 500 cuộc gọi của người dân, doanh nghiệp phản ánh về thông tin trên báo chí, về hoạt động của phóng viên; giải quyết hàng trăm đơn, thư khiếu nại thông tin trên báo chí, trong đó, 50% đơn, thư liên quan đến các tạp chí điện tử. Như vậy, tính trung bình cứ hai đơn, thư khiếu nại thông tin trên báo chí thì có một đơn, thư khiếu nại liên quan đến thông tin đăng trên các tạp chí điện tử. Đây là con số đáng báo động.

Những biến tướng và hệ lụy từ xu hướng “báo hóa” của các tạp chí điện tử

So với các loại hình báo in, báo nói, báo hình, báo chí điện tử có những ưu thế vượt trội. Tính chất mở, xuyên không gian của báo chí điện tử đã góp phần rút ngắn khoảng cách thông tin giữa cơ quan báo chí và công chúng. Tuy nhiên, có một đặc điểm thông tin thời nay rất khác thời xưa mà các cơ quan báo chí không được xem nhẹ, đó là: Tốc độ chuyển tải thông tin trên báo chí điện tử cực nhanh, đến với rất nhiều đối tượng trong cùng một lúc và không dễ “lấp lỗ hổng”, khắc phục cái sai ngay tức khắc. Thế nên, một thông tin sai có thể kéo theo hàng nghìn, hàng vạn thông tin sai khác. Khi ấy, không chỉ một độc giả, mà hàng nghìn, hàng vạn độc giả cũng sẽ suy giảm niềm tin vào báo chí. Nói ra điều ấy không phải là “nâng cao quan điểm” hay “phức tạp hóa vấn đề”, mà sự thật từng có những thông tin sai trái trên báo chí điện tử, do không được ngăn chặn kịp thời, đã “nhân bản, tăng tốc” chóng mặt khiến có lúc, có nơi rơi vào tình trạng khủng hoảng truyền thông, làm rối ren dư luận xã hội.

 Thống kê của Bộ TT&TT cho biết, tính đến cuối tháng 8-2019, cả nước có 74 tạp chí điện tử, trong đó 65 tạp chí điện tử đồng thời có tạp chí in, 9 tạp chí điện tử độc lập. Luật Báo chí 2016 quy định: “Tạp chí điện tử là sản phẩm báo chí xuất bản định kỳ, đăng tin, bài có tính chất chuyên ngành, được truyền dẫn trên môi trường mạng”. Trên thực tế, phần lớn các tạp chí điện tử của các cơ quan, ban, ngành Trung ương và các viện nghiên cứu, trường đại học hoạt động tương đối tốt, đăng tải các tin, bài mang tính chất chuyên ngành, định hướng thông tin, nghiên cứu lý luận, khoa học, hướng dẫn nghiệp vụ, trao đổi học thuật, góp phần làm “bà đỡ” cho những đề tài, công trình khoa học mới ra đời. Nhưng bên cạnh đó, không ít tạp chí điện tử thành lập trong những năm gần đây không những có biểu hiện xa rời tôn chỉ, mục đích, mà còn vi phạm các quy định của pháp luật về báo chí và thông tin trên internet. Biểu hiện rõ nhất là xu hướng “báo hóa” tạp chí điện tử đang gia tăng, gây ra nhiều hệ lụy đối với môi trường thông tin báo chí và thông tin trên internet.

Vụ Báo chí-Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương) nhận định, xu hướng “báo hóa” tạp chí điện tử thể hiện ở cả nội dung thông tin, hình thức thể hiện và phương thức hoạt động. Thay vì đăng tải các nội dung thông tin mang tính chất chuyên ngành, phù hợp với một đối tượng độc giả nhất định, nhiều tạp chí điện tử triển khai các tuyến tin, bài với nội dung rộng, bao trùm nhiều mảng, nhiều lĩnh vực. Thay vì đăng các bài mang tính chất nghiên cứu khoa học, phổ biến kiến thức nghiệp vụ, trao đổi học thuật, nhiều tạp chí điện tử lại đăng nhiều thông tin thuộc các thể loại báo chí như phóng sự, ghi chép, điều tra, tin thông tấn… giống như tờ báo điện tử.

Nhiều chuyên mục, như: “Tin nóng”, “Tin nổi bật”, “Thư bạn đọc”… trên tạp chí điện tử được đặt ở vị trí “đắc địa”, dễ nhận biết nhất để thu hút sự chú ý của độc giả, trong khi những chuyên mục, chuyên trang mang tính chất chuyên ngành, chuyên sâu lại bị xếp ở những vị trí hạn hẹp, thậm chí bị đẩy xuống phía sau, phía dưới khiến ít người quan tâm. Lợi dụng phương thức xuất bản giống như báo điện tử, nhiều tạp chí điện tử thay vì lựa chọn cách xuất bản theo ngày, theo kế hoạch để thu hút đối tượng độc giả nghiên cứu chuyên sâu, tra cứu thông tin, phản hồi khoa học, thì lại chạy theo xu hướng cập nhật thông tin nóng hổi mang tính giật gân, câu khách.

Trong vòng 10 ngày đầu tháng 9-2019, sau khi tiến hành rà soát 30 tạp chí điện tử thuộc các tổ chức hội chính trị-xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội, cơ quan chức năng của Ban Tuyên giáo Trung ương đã nhận định: Hầu hết các tạp chí này có xu hướng “báo hóa”, xa rời tôn chỉ, mục đích, chức năng nhiệm vụ, thông tin với tần suất lớn, mật độ dày các vụ việc tiêu cực, sai phạm ở nhiều doanh nghiệp, địa phương, mà ít tập trung vào các chuyên mục nghiên cứu chuyên sâu, chuyên ngành như đã ghi trong giấy phép hoạt động báo chí. Thậm chí, nhiều tạp chí điện tử có biểu hiện sa đà vào các vấn đề liên quan đến những mặt trái xã hội, đăng tải các tin, bài giải trí thuần túy mang tính chất câu khách, không phù hợp với tính chất khoa học, văn hóa của tạp chí. Chỉ cần đọc qua những cái tít như: “L.B.B vòng một phẳng lì đối lập với Angelababy “căng đầy” trên thảm đỏ”, “Tuyển tập váy áo hở táo bạo của H.H.N”… trên một tạp chí điện tử trong đầu tháng 9-2019 vừa qua, đã phần nào nói lên điều đó.

Đáng báo động hơn, một bộ phận người làm báo ở các tạp chí điện tử lợi dụng danh nghĩa nhà báo để có hành vi trục lợi; tổ chức các sự kiện mang tính chất thương mại để thu hút tài trợ, quảng cáo, hợp đồng truyền thông về những lĩnh vực không phù hợp với tính chất chuyên ngành, chuyên môn của tạp chí. Việc ra đời nhiều tạp chí điện tử thuộc các tổ chức hội nghề nghiệp kéo theo nhiều hệ lụy, như: Gia tăng một số lượng khá lớn phóng viên, cộng tác viên “đếm tầng”; hiện tượng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” hoặc “mặc cả giá” cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp ngay từ khi tin, bài chưa lên khuôn giao diện điện tử; hiện tượng liên kết, “đánh hội đồng” doanh nghiệp của một bộ phận phóng viên tạp chí điện tử càng làm “nhức nhối” thêm đời sống báo chí trong nước và ảnh hưởng tiêu cực đến danh dự, uy tín của những người làm báo chân chính.

QĐND (còn nữa)