Chính sách quốc phòng “4 không” là phù hợp với đường lối đối ngoại của đất nước trong tình hình mới

Trong những năm qua, Việt Nam luôn kiên định, nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc dùng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế” (Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019). Chủ trương “4 không” trong quan hệ quốc phòng của ta được nhiều nước và dư luận quốc tế ủng hộ, đánh giá cao; phản ánh tinh thần trách nhiệm của Việt Nam trong việc tham gia xây dựng, củng cố hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.


Tuy nhiên, lợi dụng những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, khu vực, nhất là những tranh chấp, xung đột trên Biển Đông trong những năm qua, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị ở trong và ngoài đã tung ra nhiều bài viết trên các diễn đàn Internet, mạng xã hội có nội dung sai trái, xuyên tạc, phủ nhận đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng và Nhà nước ta.  Bọn chúng cho rằng, Việt Nam thực hiện chính sách “4 không” là nguy cấp, sẽ dẫn tới sai lầm, sớm muộn gì cũng bị gã khổng lồ láng giềng thôn tính vì không có đồng minh là các nước lớn hỗ trợ; “không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế” là “tự trói tay chân mình” và không phù hợp với tình hình thực tế, đi ngược lại với xu thế toàn cầu hóa; “không sử dụng vũ lực” nghĩa là Việt Nam từ bỏ việc dùng vũ lực trong bảo vệ đất nước. Đặc biệt, họ đả kích, cho rằng nếu thực hiện chính sách quốc phòng như trên thì Việt Nam sẽ không thể giữ vững chủ quyền, không thể bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc rồi tìm cách hô hào, cổ súy tư tưởng dựa dẫm, lệ thuộc vào các nước lớn, đặc biệt là Mỹ, hoặc khối NATO để được hỗ trợ tối đa về mặt quân sự, kể cả đưa vũ khí trang bị, lực lượng quân đội đến trợ giúp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới, biển, đảo quốc gia khi xảy ra chiến tranh… Mục đích của các thế lực thù địch khi đưa ra những luận điệu trên là nhằm làm suy giảm niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, Quân đội, cũng như khối đại đoàn kết toàn dân tộc, với ý đồ thâm độc tiến tới xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, hiện thực hóa mưu đồ “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang. Vì vậy, chúng ta cần phải kiên quyết phê phán, bác bỏ những luận điệu sai trái này.

Chúng ta cần khẳng định rằng, chính sách quốc phòng “4 không” là thể hiện tính nhân văn sâu sắc trong quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước ta trong thời bình; mong muốn tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước trên thế giới để nâng cao khả năng bảo vệ đất nước và giải quyết các thách thức an ninh chung. Tùy vào diễn biến tình hình và trong những điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau cũng như các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Đặc biệt với chủ trương “không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế” là phù hợp với đường lối đối ngoại của đất nước trong tình hình mới và lịch sử dựng nước, giữ nước hàng ngàn đời nay của dân tộc ta. Lịch sử đã chứng minh sức mạnh nội lực, ý chí tự lực, tự cường dân tộc luôn là nguồn sức mạnh to lớn nhất, vững chắc nhất để con dân nước Việt bảo vệ quê hương, đất nước. Chính “bảo bối” này mới là cái thực lực quyết định và nhân lên sức mạnh của mọi thứ vũ khí khác. Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, với tinh thần “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, quân và dân Việt Nam đã vượt qua gian khổ, ác liệt, hy sinh, phát huy cao độ tính năng, tác dụng các loại vũ khí, trang bị hiện có và được bạn bè quốc tế giúp đỡ, đánh thắng hai đế quốc hùng mạnh với vũ khí, trang bị hiện đại nhất, giành độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà.

Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách “không tham gia các liên minh quân sự” không đồng nghĩa với việc chúng ta “bế quan tỏa cảng” với thế giới bên ngoài. Trong lĩnh vực quân sự, nước ta vẫn là một thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, luôn có sự giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, thực hiện cam kết vì hòa bình, thịnh vượng và phát triển. Bằng chứng rõ ràng nhất đó là, chúng ta đã cử lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi… Và có một vấn đề khác hết sức quan trọng cần phải được nhận thức đầy đủ, đó là tất cả các liên minh quân sự đều bắt nguồn từ việc chia sẻ lợi ích. Không một quốc gia nào sẵn sàng hy sinh vì quốc gia khác mà không có lợi ích của mình. Vì vậy, nếu chúng ta không thực hiện đường lối quốc phòng độc lập, tự chủ, chính bản thân chúng ta sẽ bị chuyển hóa, lệ thuộc, thậm chí mất độc lập. Việc nghiêng vào bất cứ phe nào, phụ thuộc vào bất cứ quốc gia nào cũng không phải là lựa chọn thích hợp. Chỉ có phát huy sức mạnh độc lập, tự chủ mới là cách thức tối ưu nhất để bảo vệ Tổ quốc.

Từ những phân tích trên, chúng ta có thể khẳng định, chính sách quốc phòng “4 không” của Đảng, Nhà nước ta là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp, bảo đảm vừa giữ vững độc lập, tự chủ, tự cường, vừa bảo đảm được thế “cân bằng động” trong quan hệ quốc tế, không để rơi vào vòng xoáy của sự cạnh tranh, giành ảnh hưởng giữa các nước lớn, nhất là không để bị rơi vào thế phải đi với nước này để chống nước khác, tác động tiêu cực đến các mối quan hệ và hội nhập quốc tế; đồng thời, tranh thủ tối đa sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

(QP)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.