Sức mạnh của chính sách ngoại giao Việt Nam
Nhắc đến chính sách ngoại giao của các nước lớn, có một thuật ngữ thường được sử dụng thời gian gần đây là “Cây gậy và củ cà rốt”. Đây là một kiểu chính sách ngoại giao trong quan hệ quốc tế, thường được các nước lớn sử dụng với mục đích làm thay đổi hành vi của các nước nhỏ hơn nhằm mục tiêu bảo vệ các lợi ích chiến lược của mình. “Cây gậy” tượng trưng cho sự đe dọa trừng phạt và “củ cà rốt” tượng trưng cho quyền lợi hay phần thưởng. Từ thực tiễn quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia trên thế giới thời gian qua, có thể thấy, Mỹ là một trong những nước sử dụng chính sách “cây gậy và củ cà rốt” một cách thường xuyên nhất. Bằng chứng là, hồi cuối năm 2020, Mỹ đã dành “củ cà rốt” – “phần thưởng” cho Sudan với việc rút quốc gia Đông Phi này khỏi danh sách “tài trợ khủng bố”, hay áp đặt “cây gậy” – “đòn trừng phạt” với Thổ Nhĩ Kỳ liên quan bản hợp đồng mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. Việc Mỹ đưa ra các chính sách hợp tác hay áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các nước như Sudan, Thổ Nhĩ Kỳ là điều không mới. Đối với Việt Nam, có thể thấy Mỹ cũng ráo riết áp dụng chiến thuật này khi một mặt thúc đẩy quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam – Mỹ phát triển sâu rộng, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, mặt khác, Mỹ cũng thường xuyên lợi dụng chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” lên án Việt Nam vi phạm nhân quyền, tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, thao túng tiền tệ… bằng việc hậu thuẫn, chống lưng cho các tổ chức thiếu thiện chí với Việt Nam như Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Mỹ (USCIRF), Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW), VOA, RFA… đưa ra các báo cáo, thông tin sai lệch nhằm tấn công Việt Nam, nhất là trên lĩnh vực đối ngoại hòng hạ thấp uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế cũng như can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.
Tuy nhiên, các đối tượng này quên mất rằng, trong lịch sử, Việt Nam đã trải qua những cuộc chiến khốc liệt, đau khổ, lâu dài nên có thể nói, hơn bất kỳ đâu trên thế giới, Việt Nam thấm thía nhất nỗi đau của chiến tranh và thấu hiểu sâu sắc giá trị của hòa bình, quyền bình đẳng, quyền tự quyết và quyền mưu cầu hạnh phúc… của mọi dân tộc trên thế giới. Vì vậy, Việt Nam đã luôn nỗ lực cùng cộng đồng quốc tế phấn đấu vì một thế giới không có chiến tranh, nhân loại không còn đói nghèo, cùng nhau phát triển phồn vinh, thịnh vượng. Bằng đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã khéo léo trong hoạt động ngoại giao, nâng tầm mối quan hệ Đối tác Toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ. Thể hiện qua việc trao đổi đoàn các cấp, ở tất cả ngành và lĩnh vực, kim ngạch thương mại đang ngày một tăng nhanh và ổn định, đạt gần 112 tỷ USD năm 2021 bất chấp các khó khăn do dịch bệnh Covid-19, tăng cường hợp tác ở các lĩnh vực Mỹ có thế mạnh và Việt Nam có tiềm năng như giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp… Mỹ cũng hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trên các lĩnh vực cụ thể như khắc phục hậu quả chiến tranh cũng như phối hợp xử lý các vấn đề toàn cầu như ứng phó với dịch bệnh, biến đổi khí hậu, chống sụt lún ở đồng bằng sông Cửu Long, bảo đảm chuỗi cung ứng bền vững và có sức chống chịu…; đồng thời, Việt Nam cũng sẵn sàng đối thoại với bất kỳ tổ chức, cá nhân nào về vấn đề nhân quyền.
Có thể thấy, đây chính là kết quả, sức mạnh của chính sách ngoại giao Việt Nam có cội nguồn sâu xa là những triết lý và truyền thống ngoại giao của cha ông ta, được nâng lên tầm cao mới bởi tư tưởng, phương pháp, phong cách, nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh với những bài học “dĩ bất biến ứng vạn biến”, “ngũ tri”, hòa mục bên trong, hòa hiếu bên ngoài, vì hòa bình, hợp tác và sự tiến bộ của nhân loại… Chính sách ngoại giao này đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khái quát thành trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam”, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam. Tất cả vì một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, trật tự, kỷ cương, an toàn, bảo đảm hạnh phúc của người dân, nơi mà không có ai bị bỏ lại phía sau…
Mộc An